Xét phong chức danh giáo sư: Không nên ưu ái 'thợ giảng'

01/05/2017 19:54 GMT+7

Quy định xét phong chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) hiện chưa thực sự công bằng cho các nhà khoa học.

Hội đồng chức danh GS Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS thay thế QĐ 174/2008 và QĐ 20/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 174/2008 của Thủ tướng.
Trước đây, từ thời các Hội đồng chức danh GS tiền nhiệm, tại Điều 2, trang 3 Nghị định Chính phủ (ngày 4.3.1995) đã quy định: Xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm GS, PGS cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn. Điều này phù hợp với việc phong GS, PGS của tất cả các nước trên thế giới, họ đồng nhất quan niệm GS, PGS là chức danh khoa học, không phải là chức danh viên chức nhà nước (trong điều 1 của Quy chế xét duyệt và công nhận học hàm của GS, PGS năm 1995 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký).
Học hàm ở đây không phải là phẩm hàm như quan niệm của một số người, mà là chức danh khoa học. Vì GS, PGS là chức danh khoa học, nói đến GS là nói đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của họ, chứ không chỉ nói đến sự nghiệp giảng dạy.
Thực hiện xét phong GS, PGS cho các trường ĐH và các Viện nghiên cứu, bởi vì: Xét duyệt để phong GS, PGS đều dựa trên các tiêu chí khoa học. Ứng viên phải có các công trình khoa học thể hiện năng lực và chất lượng nghiên cứu của mình; ứng viên phải đào tạo ra các nhà khoa học; ứng viên phải chủ trì một nhóm nghiên cứu khoa học và có khả năng hợp tác quốc tế hoặc thu hút được tài trợ quốc tế cho sự nghiêp của mình; ứng viên phải hoạch định được các chính sách và chiến lược khoa học cho bộ môn, cho ngành khoa học của mình.
Để làm được các nhiệm vụ trên, chỉ có các trường ĐH có tham gia, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu, viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ mới thực hiện được, vì chỉ có các trường ĐH nghiên cứu hay còn gọi là trường ĐH khoa học, mới có hàng chục viện nghiên cứu, hàng chục phòng thí nghiệm hiện đại, hàng chục các trung tâm hàn lâm phục vụ cho các ý tưởng khoa học, ý tưởng đưa ra các trường phái tri thức khoa học mới, đột phá trong khoa học công nghệ và chỉ có những trường ĐH khoa học như vậy mới sản sinh ra các nhà khoa học lớn đoạt giải Nobel, giải Fields,… các giải quốc gia và quốc tế.
Chúng ta đang chịu một áp lực rất lớn từ cộng đồng rằng tại sao chất lượng tiến sĩ tại các trường ĐH của chúng ta yếu? Phải chăng các giảng viên không có trình độ cao? Điều này thực sự không đúng, vì khi giữ các giảng viên ở lại các trường ĐH, họ đã là những sinh viên xuất sắc. Cái chính, chúng ta phải nhìn đúng bản chất là chừng nào chúng ta xây dựng các trường ĐH Việt Nam (không viện nghiên cứu, không phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại, không có các trung tâm hàn lâm…) trở thành một trường ĐH khoa học, với các tiêu chí quốc tế về một trường ĐH khoa học, là cái nôi nảy sinh ra những tư tưởng sáng tạo trong khoa học, từ sinh viên cho đến các thầy giáo. Khi đó, chúng ta mới có quyền bắt các sinh viên, nghiên cứu sinh, ứng viên GS, PGS theo các tiêu chí của quốc tế.
Bất hợp lý tính điểm xét phong hàm
Qua thực tế công việc cũng như tại các quốc gia, việc xét duyệt GS, PGS nên hoàn toàn dựa trên các tiêu chí khoa học, không dựa trên các tiêu chí nghề nghiệp, ứng viên đó có chức danh nghề nghiệp là giảng viên, nghiên cứu viên hoặc thầy thuốc, kiến trúc sư, một nhà xã hội học…
Bởi vậy, khi xét thâm niên, chỉ nên xét thâm niên nghề nghiệp chung giống nhau: 6 năm thâm niên giảng dạy, hoặc 6 năm thâm niên nghiên cứu. Không thể bắt các ứng viên của viện nghiên cứu với chức danh nghề nghiệp là nghiên cứu viên phải đổi thành chức danh nghề nghiệp là giảng viên như đang áp dụng. Đây là quy định bất hợp lý.
Vì sự bất hợp lý này khiến cho các ứng viên của các viện nghiên cứu, ngoài chức danh nghề nghiệp là nghiên cứu viên, lại phải kiêm nghiệm một chức danh nghề nghiệp khác là giảng viên. Chúng ta nên hội nhập đúng luật quốc tế và trở về những điều luật mà các Hội đồng chức danh GS tiền nhiệm đã ghi rõ (trong điều 2 trang 3 của Nghị định Chính phủ ngày 4.3.1995 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký “Xét duyệt công nhận và chứng nhận GS, PGS cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn”).
Chúng tôi nghĩ, định nghĩa trên là chuẩn xác vì từ xưa đến nay, nhìn lại lực lượng GS, PGS, chúng ta phải công nhận một thực tế là tất cả các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả ngành nghề chuyên môn đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo ra các nhà khoa học ở mọi ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ riêng có nghề giáo dục, nhất là các giảng viên lại đang làm việc tại các trường ĐH không đủ môi trường học thuật nghiên cứu, muốn trở thành GS, PGS, họ phải nhờ các viện nghiên cứu rất nhiều mới có các công trình khoa học được công bố và đào tạo nghiên cứu sinh.
Sự kết hợp này cần phải duy trì nhưng cũng phải đánh giá một cách công bằng để tạo ra một đội ngũ tri thức khoa học tiềm năng cho đất nước.
Với quy định xét phong hàm hiện nay, chúng ta đang dành độc tôn, thiên vị cho các giảng viên ĐH. Bởi vì, để phong hàm PGS với người làm nghiên cứu tại các viện thì phải đạt 10 điểm, trong khi với giảng viên ĐH nghề chính là “thợ giảng” lại chỉ cần 6 điểm.
Chúng ta không nên xét nhiều loại sách quá làm loãng đánh giá năng lực thực sự của các nhà khoa học, xét GS về sách chỉ nên một loại là sách chuyên khảo. Bởi vì sách chuyên khảo thể hiện được quá trình nghiên cứu khoa học liên tục theo một hướng. Nghiên cứu theo một hướngcó thể tạo nên một trường phái khoa học, tạo ra các tri thức mới, học thuật mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.