UBND TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo “Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do TP quản lý” để lấy ý kiến phản biện. Đây là đề án trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Theo đề án, TP dự kiến năm 2018 điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa là 0,6 lần, năm 2019 tối đa 1,2 lần, năm 2020 tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Từ năm 2021 - 2022, căn cứ vào sơ kết thực hiện đề án và chủ trương của Quốc hội về tăng lương tối thiểu, TP tiếp tục xác định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập phù hợp với tình hình thực tế. Việc tăng thu nhập này đảm bảo nguyên tắc “gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng”.
Tổng số cán bộ công chức thực tế của TP được tăng thêm thu nhập theo cơ chế đặc thù gồm: 11.645 công chức, 122.157 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách ở xã phường trị trấn. Do đó, dự kiến kinh phí thực hiện tăng thu nhập trong năm 2018 của TP là hơn 2.342 tỉ đồng (gồm chi cho công chức hơn 328 tỉ đồng, viên chức hơn 1.883 tỉ đồng, cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn gần 131 tỉ đồng).
Để tạo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ và tăng thêm thu nhập theo cơ chế đặc thù của đề án, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) số thu để lại hằng năm...
Theo UBND TP.HCM, việc tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng và động lực đối với cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp chung của TP; kéo giảm tình trạng “chảy máu chất xám”; góp phần thay đổi thái độ làm việc phục vụ người dân của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ… Sau khi lấy ý kiến phản biện, dự kiến đề án được áp dụng từ ngày 1.4.2018 - 31.12.2020.
tin liên quan
Quyết sách tạo động lực để TP.HCM phát triển vì cả nướcPhí môi trường tăng cao với nước thải
Cũng nằm trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, UBND TP.HCM đã hoàn thành dự thảo “Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở địa bàn”.
Theo dự thảo, thay vì cơ sở có lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đóng cùng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm, thì mức đóng này sẽ áp dụng cho cơ sở thải dưới 5 m3/ngày đêm. Thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên sẽ được chia nhỏ và áp dụng hệ số K về lưu lượng rồi nhân với 1,5 triệu đồng. Cụ thể, hệ số K được tính bằng lượng xả thải (m3/ngày đêm)/5, tương đương thải 5 m3/ngày đêm, hệ số K là 1 phải đóng phí 1,5 triệu đồng/năm; thải 10 m3/ngày đêm hệ số K là 2 đóng 3 triệu đồng/năm; thải 15 m3/ngày đêm đóng 4,5 triệu đồng/năm...
Một điểm đáng lưu ý nữa, ngoài những ngành nghề phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như quy định tại Nghị định 154/2016, dự thảo bổ sung thêm hai lĩnh vực: nước thải phát sinh từ cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh (523 cơ sở, tổng lưu lượng 22.262 m3/ngày đêm); từ quá trình xử lý chất rắn, từ bãi chôn lấp rác thải (lưu lượng khoảng 7.883 m3/ngày đêm).
Nếu đề án với mức thu nêu trên được thông qua, TP dự kiến sẽ có 3.310 cơ sở sản xuất phải đóng phí tổng cộng 60 tỉ đồng/năm (hiện tổng thu 8 tỉ đồng/năm). Trong số này, 25% sẽ để trang trải chi phí nghiệp vụ chuyên môn, quản lý thu phí, còn lại 75% nộp vào ngân sách TP để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường…
Bình luận (0)