Trại mộc Sáu Bảnh - Truyện ngắn dự thi của Chung Thanh Huy (TP.HCM)

17/09/2023 08:30 GMT+7

- Mẹ cha tụi bay, riết rồi không ai coi tao ra gì hết. Tao thách cả cái xưởng này đó, thằng nào ngon bước ra tay đôi!

Chưa dứt tiếng chửi, Tư Mãi quăng búa, vứt khoan mỗi thứ một nơi, đùng đùng bỏ về trong ánh mắt ngơ ngác của mấy người đứng gần đó. Vài người chụm lại xì xào bàn tán rồi nhanh chóng quay lại với công việc vẫn còn dang dở. Mà cái tính Tư Mãi ở đây ai cũng biết, hổng chừng chiều nay có độ nhậu nhẹt gì đó nên làm bộ kiếm cớ bỏ về ngang xương chớ ai đâu mà cho về sớm hoài vậy. Nói thiệt tình, tay nghề của Tư Mãi thì mọi người đều tâm phục khẩu phục, vậy mới đứng đầu cái trại mộc này được chớ. Còn bản tính ổng thì đúng là sáng nắng chiều mưa buổi trưa râm mát. Mấy người làm ở đây đều nói chỉ có trại mộc này chứa ổng thôi chớ ai mà chịu nổi cái tính kỳ cục đó.

Trại mộc Sáu Bảnh mang tiếng là thuộc nội ô thành phố nhưng thiệt sự là vùng nửa chợ nửa quê nên thành ra cũng khó làm ăn lớn được. Thời buổi này thiên hạ khác ngày xưa nên cứ chuộng mấy đồ trang trí nội thất tân thời hơn là đồ gỗ truyền thống. Xuồng, ghe thì gần tới mùa lũ cũng đóng vài ba chiếc cho mấy người đặt trước chớ hổng làm nhiều như hồi trước. Cái tên Sáu Bảnh là do người dân vùng này tự đặt thôi chứ đâu phải tên chính thức của trại mộc, lại càng không phải tên của ông chủ. Ổng đúng là thứ sáu trong nhà, còn tên thiệt là gì thì cũng không ai biết. Thấy ổng sống chan hòa, tình nghĩa với bà con chòm xóm nên người ta cứ kêu Sáu Bảnh. Kêu riết thành ra quen miệng, vậy thôi.

Trại mộc Sáu Bảnh - Truyện ngắn dự thi của Chung Thanh Huy (TP.HCM) - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Điều lạ lùng là người làm ở trại mộc này đều từ hàng năm trở lên. Ông Sáu giải thích thời buổi bây giờ tụi trẻ đâu có mấy đứa chọn cái nghề nặng nhọc này để kiếm sống dài lâu, toàn chỉ xin vô làm công nhật kiếm tiền tươi, thóc thiệt. Tới khi có cơ hội tốt hơn là âm thầm bỏ ngang không một lời từ giã. Trong khi người lớn tuổi không chỉ vững tay nghề mà còn trách nhiệm, nên cách chọn người của ổng không phải không có lý do. Thì cũng quen biết rồi xin vô làm, chứ cái nghề này đâu thể lên mạng tuyển dụng này nọ như người ta đâu. Phần lớn là những người hưu non, nghỉ mất sức xin vô làm để kiếm đồng ra đồng vô để khỏi phiền con cháu.

Tuy mỗi người mỗi cảnh nhưng giống nhau ở chỗ đều đến với cái nghề mộc này khi tuổi đã xế chiều, lúc cái nghề mà họ đeo đuổi từ trẻ giờ không thể kiếm ra tiền mà cũng có khi do thời cuộc thay đổi nên đành gác đao, xếp kiếm. Những lúc trà dư tửu hậu ai cũng giành nhau kể về cái quá khứ oanh liệt của mình, toàn những nghề không chỉ độc mà còn lạ nữa. Tám Sung từng hái ra tiền với nghề làm vàng mã suốt mấy chục năm qua nhờ đôi tay khéo léo. Nhưng giờ người ta thích những thứ nhanh gọn lẹ, càng rẻ càng tốt chứ không cầu kỳ như xưa nên thành ra ông thất nghiệp. Ba Đảnh từng là công nhân xây dựng điện nên làm mê mẩn mọi người bằng những câu chuyện lên rừng xuống biển theo những công trình rày đây, mai đó. Sáu Hạnh là thợ vẽ quảng cáo bảng hiệu từng ăn nên làm ra, nay bỏ nghề vì không theo kịp với kỹ thuật in ấn hiện đại. Bảy Hiếu thì ngưng công việc trưởng đội an ninh một siêu thị lớn sau nhiều lần bị kẻ xấu chặn đường truy sát. Còn Năm Dụng đã từng là chuyên viên đạo cụ cho các đoàn làm phim. Đặc biệt có Hai Phúc, bartender nổi tiếng một thời ở các nhà hàng lớn ở bến Ninh Kiều chớ đâu có đùa. Nói chuyện rượu ngoại đố ai qua mặt được ổng. Lạ ở chỗ ai cũng tự hào với công việc trước đây của mình trong lúc cái nghề thợ mộc đang nuôi sống họ từng ngày thì không được nhắc đến. Cứ gọi thợ mộc cho oai chứ phần đông chỉ là sắp sửa thành thợ hay xém thợ thôi. Do ông nào cũng tập tễnh học nghề vào cái tuổi bên kia sườn dốc, lúc mắt mờ tay run nên làm sao nói chuyện năng suất, hiệu quả ở đây cho được. Nhỏ tuổi nhất trong cái xưởng này là thằng Nhóc, tại cái tên ông bà già hồi đó đặt thôi, nó cũng ngoài 30 chớ nhỏ nhít gì nữa. Quê nó nghe đâu ở miệt Thứ, U Minh gì đó lên đây làm rồi tối ở lại trông coi cái xưởng luôn. Ông Sáu là người sống tình cảm, thấy ai có hoàn cảnh khó khăn cũng đều giúp đỡ. Nhưng ở đời mà, sống sao cho vừa lòng tất cả, có người độc mồm, độc miệng nói cái này là trại xã hội, trại từ thiện chớ có phải cái trại mộc đâu. Nhiều khi nghe được cũng buồn nhưng ông Sáu cứ im lặng mà làm theo những điều mình cảm thấy đúng.

Chộn rộn nhất là những buổi cơm trưa ở xưởng. Mỗi người mỗi món góp chung trên cái bàn ván ép y chang như tiệc buffet ẩm thực ba miền ở nhà hàng vậy. Cũng đúng thôi, thợ trong xưởng gốc gác tứ xứ nên miền nào cũng có người đại diện. Đồ ăn không hết thì cứ dồn lại cho thằng Nhóc ăn luôn buổi chiều. Chỉ có một mình Tám Sung là ôm cái ca nhựa ngồi trong góc ăn cơm một mình, ai kêu ai mời cách mấy cũng không. Hỏi sao không ăn chung cho vui thì ổng nói huỵch toẹt:

- Mình ăn của người ta mà không có cái góp chung khó coi lắm. Thì thôi có gì ăn nấy để khỏi phiền lòng nhau.

Xong buổi trưa mỗi người mỗi góc tìm chỗ ngả lưng trong lúc thằng Nhóc xách cuốn tập với cây viết chì đi tìm Bảy Hiếu để tầm sư học đạo. Ở quê khó khăn thành ra nó có được tới trường bữa nào đâu mà biết đọc, biết viết. Bảy Hiếu thấy vậy tranh thủ giờ nghỉ trưa dạy nó đánh vần, tập viết. Ổng nói mình chịu khó một chút, chỉ mong cho nó viết được tên tuổi chớ mỗi lần lãnh lương thấy nó cầm cây viết lóng ngóng đánh chữ thập vô tờ giấy sao mà đau lòng quá. Được cái là thằng Nhóc thuộc loại sáng dạ nên học đâu nhớ đó, tiến bộ thấy rõ.

Còn ba cái chuyện chia bè chia phái thì đâu cũng có chớ có riêng gì cái xưởng mộc này đâu. Hơn chục người mà cũng chia ba, bốn nhóm. Rồi chuyện sanh nạnh nhau khi làm việc nữa chớ, gặp chuyện khó thì người này đùn đẩy người kia. Mỗi lần cần khiêng vác nặng nhiều ông lại kiếm chuyện trốn tránh. Trong số đó, Ba Mừng là người né việc giỏi nhất. Người thông cảm nói ổng sức yếu, kẻ không ưa thì kêu làm biếng chớ yếu ớt cái nỗi gì, thử vô bàn nhậu coi ai nhậu lại ổng. Nhìn cái tướng ốm nhách ốm nhom của ổng, người độc mồm nói hổng chừng mắc bệnh sida, si điếc gì đó nên mặt mày cứ xám xịt. Mấy lần họp hành đem ra bàn cãi nhưng rồi cũng đâu vô đó. Bởi nói đi thì cũng phải nói lại, ở mấy trại mộc khác thợ phụ toàn mấy thanh niên trai tráng nên tụi nó bao thầu hết mấy cái chuyện nặng nhọc. Thợ chính chỉ ngồi một chỗ làm thôi. Còn ở đây thợ chính, thợ phụ gì cũng già như nhau nên biết kêu ai. Thì thôi, nương nhau mà sống chớ làm căng ra cũng không được gì.

Chiều nào tan xưởng ra, mấy ổng cũng kéo nhau ra cái quán ở ngã ba nhậu tới khi xỉn quắc cần câu mới chịu rã đám. Hỏi sao ngày nào cũng nhậu không về cơm nước với vợ con thì y như rằng, cả bàn nhậu đang ồn ào bỗng dưng chùng xuống rồi lảng qua chuyện khác. Hai ông chưa vợ thì khỏi nói rồi, số còn lại toàn vợ bỏ hoặc bỏ vợ thành ra về sớm cũng không biết để làm gì. Tám Sung ở vậy phụ nuôi ba đứa cháu do vợ chồng người anh đầu tắt mặt tối vẫn không đủ sống. Ông Ba Mừng cũng không vợ con để lo cho bà già vì anh chị em ai cũng khó khăn. Trong những lần say mèm đó, ông Tư Mãi cứ khóc cười một mình rồi ngửa mặt hỏi trời sao cuộc đời ông toàn bị tình phụ. Cũng có người thắc mắc không biết ông tổ thợ mộc hồi xửa hồi xưa có vợ con gì không, chớ mấy ông thợ trong cái xưởng này toàn gặp chuyện tình duyên trắc trở trong cái tuổi xế chiều như vậy?

Cũng mới đây thôi, đang làm ngon lành, ông Ba Mừng xin nghỉ một ngày ra Cần Thơ để khám bệnh rồi ổng bỏ làm luôn cả tuần không thấy ló mặt vô trại mộc này. Tới thăm mới biết ổng bị ung thư gan giai đoạn cuối, bác sĩ cho về kêu thèm gì cứ ăn, cần dặn dò gì thì cũng tranh thủ nói hết với vợ con đi. Tới lúc này mọi người mới vỡ lẽ hồi đó tới giờ Ba Mừng trốn tránh làm nặng vì sức khỏe có vấn đề nhưng ngại nói ra, chỉ âm thầm chịu đựng. Ngay cả bà già mà ổng còn giấu biệt chuyện bệnh hoạn thì huống chi mấy người mần chung. Nhiều người đâm ra hối hận vì những chuyện xích mích, gây gổ với ổng trước đây. Có người tự trách mình hàm hồ nhưng không ít kẻ đổ lỗi do cuộc sống hối hả làm họ vội vã đánh giá người khác qua cái bề ngoài mà ít khi chịu khó tìm hiểu cho tỏ tường. Ông Sáu tới tận nhà an ủi, động viên, kêu cứ an tâm nghỉ ngơi, dưỡng bệnh và hứa mỗi tháng vẫn giữ nguyên lương để ổng có điều kiện thuốc thang, bồi bổ.

Rồi thì Ba Mừng cũng nhắm mắt xuôi tay sau khi kéo dài thêm một tuần. Ngày đưa tang, không ai nén được nước mắt khi chứng kiến cảnh bà mẹ già thất thểu lê bước theo sau quan tài con mình trong tiếng kèn tây nỉ non...

Sau đám tang, đi làm trở lại mặt ai nấy buồn buồn. Chỉ thiếu một người mà sao trại mộc cứ rộng mênh mông. Ông Sáu Bảnh đang tính thu nhận thêm những thiếu niên bỏ học nửa chừng vô làm cho tụi nhỏ có cái nghề và khỏi sống bấp bênh như đời cha mẹ nó. 

Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Trại mộc Sáu Bảnh - Truyện ngắn dự thi của Chung Thanh Huy (TP.HCM) - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.