Trần Vũ Mai, quyết liệt và lặng lẽ

09/05/2010 10:13 GMT+7

(TNTT>) Hằng năm, cứ đến ngày 30.4 là nhóm bạn bè chúng tôi lại nhớ đến Trần Vũ Mai, một nhà thơ, một người bạn, một hồn thơ quyết liệt và lặng lẽ đến kỳ lạ.

Bây giờ, không phải nhiều người biết đến Trần Vũ Mai và thơ anh, mặc dù theo tôi, anh là một trong những nhà thơ tài năng và bản lĩnh vượt trội của thế hệ thơ chống Mỹ.

Cơ sự cho cái thiếu “duyên nổi tiếng” này là ở chỗ Trần Vũ Mai lúc sinh thời không bao giờ thèm “PR” cho thơ mình. Anh cố ý tránh xa những nơi có thể đọc thơ hay quảng bá thơ, nhất là thơ của mình.

Công tác ở NXB Tác Phẩm Mới (tức NXB Hội Nhà văn sau này) nhưng Trần Vũ Mai không hề “nhân dịp” đó để công bố bất cứ tập thơ nào của mình ở NXB “nhà”.

Và hình như anh cũng hơi thờ ơ với sự công bố tác phẩm của mình ở những nơi khác. Mai làm việc quá nghiêm cẩn, anh trăn trở với từng con chữ, nhưng hình như anh chỉ làm thơ cho…mình đọc là chính, như kiểu anh ghi nhật ký.

Trong số những nhà văn trẻ hồi ấy đi chiến trường, Trần Vũ Mai là người chăm ghi nhật ký nhất. Nhiều đoạn nhật ký của anh được công bố sau khi anh mất (1991) mang tính văn học rất cao, vì được anh viết rất kỹ. Trong chiến tranh, Mai trụ bám ở chiến trường cực nam Trung bộ (anh vốn họ tên là Vũ Xuân Mai, nhưng lấy bút danh Trần Vũ Mai do ngưỡng mộ nhà thơ đàn anh đồng hương của mình là Trần Mai Ninh-người đã chiến đấu và hy sinh ở chiến trường cực nam Trung bộ hồi kháng chiến chống Pháp) là chiến trường ác liệt và gian khổ bậc nhất.

Trường ca “Ở làng Phước Hậu” của anh được thai nghén và viết từ một ngôi làng ở Phú Yên. Lúc đầu nó có tên là “Cảm giác lạc quan”, nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung-người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quý trọng-đã gợi ý anh nên đổi tên là “Ở làng Phước Hậu” cho nó…dễ hiểu. Có lẽ ông Trung thấy cái tên “Cảm giác lạc quan” này tuy hay và lạ nhưng hơi…thế nào ấy(?).

Thôi thì lấy tên “Ở làng Phước Hậu” có vẻ “người thật việc thật” cho nó chắc. Tôi nghĩ, chính cú “thay tên đổi họ” đó đã khiến trường ca này-một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ-có một số phận hơi khuất lấp. Đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng có lẽ Trần Vũ Mai không nghĩ như vậy. Anh bình thản. Và tiếp tục…uống rượu, tiếp tục viết nhật ký và viết những bài thơ, viết cả một trường ca mới “Nàng chim Lạc” mà anh cất trong ngăn kéo để chơi.

Tôi ít thấy một nhà thơ nào coi danh vọng “không là cái đinh gì” như Trần Vũ Mai. Nhớ ngày mới giải phóng, giữa Sài Gòn tôi gặp lại Trần Vũ Mai khi anh theo quân đoàn 2 đánh vào Sài Gòn. Mai đi xe jeep, rủ tôi vào nhà hàng Thanh Thế uống rượu Tây.

Trông anh giống hệt Hemingway khi ông chiến đấu ở Tây Ban Nha trong nội chiến. Mà đúng là trong đời, Mai chỉ thần tượng có hai người: một là Trần Mai Ninh, và hai là Hemingway. Đều là hai nhà thơ nhà văn ưa mạo hiểm và sống lãng tử. Trần Vũ Mai cũng vậy. Anh đã mạo hiểm trong chiến tranh. Và mạo hiểm cả trong hòa bình. Ngay cái chết của anh cũng mơ hồ và bí ẩn như cái chết của Trần Mai Ninh và Hemingway.

Dù là chết trong hòa bình. 

Nhật Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.