Tranh cãi chuyện tiệm trà sữa phạt nhân viên 300.000 đồng vì đóng cửa sớm 1 phút

28/03/2024 12:33 GMT+7

Do đóng cửa sớm 1 phút, nhân viên một tiệm trà sữa ở Hà Nội nhận thông báo bị phạt 300.000 đồng vì phạm lỗi nghiêm trọng. Vụ việc gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về dòng tin nhắn sẽ bị phạt 300.000 đồng do đóng cửa sớm 1 phút so với giờ quy định. Trong nhóm chat, dòng tin nhắn được gửi đến nhân viên với nội dung: "Ca tối nay đóng cửa sớm 1 phút. Anh sẽ gán phạt lỗi D6 - lỗi nghiêm trọng – 300.000 đồng".

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, hình ảnh thu hút hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt bình luận. Cư dân mạng đã có cuộc tranh cãi nảy lửa về vụ việc này.

Nhiều người cho rằng, cách làm việc của người quản lý quá cứng nhắc, chưa phù hợp. Với lỗi này của nhân viên có thể nhắc nhở rút kinh nghiệm thay vì phạt 300.000 đồng. Bên cạnh đó, một số người lại cho rằng đã là quy định nhân viên phải tuân thủ, đã đi làm phải có nguyên tắc và kỷ luật.

Tranh cãi chuyện tiệm trà sữa phạt nhân viên 300.000 đồng vì đóng cửa sớm 1 phút- Ảnh 1.

Dòng tin nhắn nhân viên bị phạt 300.000 đồng vì đóng cửa sớm 1 phút

CHỤP MÀN HÌNH

Tài khoản Minh Anh bình luận: "Theo mình chỉ cần nhắc nhở thôi, đóng cửa sớm từ 10 phút trở đi hẵng trừ tiền mức nhẹ từ 50.000 – 100.000 đồng, làm quán trà sữa nhân viên cũng không được bao nhiêu. Dù sao đây cũng là bài học cho nhân viên". Bạn Sơn Nguyễn: "Đúng là lỗi nhưng lỗi này không nghiêm trọng đến vậy. Không biết khi nhân viên về muộn có được thưởng thêm không?"

Bạn Ngọc Ánh viết: "Nhân viên đã chấp nhận làm phải tuân thủ quy định. Khi làm sai đừng mong người khác thương hại mình". Nickname Vũ Thu Phương bày tỏ: "Quản lý đã xử lý đúng, cứ theo quy định để làm. 1 phút dù thời gian không dài nhưng chắc sẽ có ảnh hưởng đến hệ thống".

Tiệm trà sữa nói gì?

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện chuỗi trà sữa W. cho biết, vụ việc xảy ra tại cơ sở trên đường Lương Định Của, Q.Đống Đa, Hà Nội. Theo quy định, tiệm trà sữa sẽ đóng cửa vào lúc 23 giờ 30 nhưng hôm đó bạn nhân viên đóng cửa sớm nên phải chịu mức trừ thưởng như quy chế mà công ty đã ban hành. Theo quy chế của công ty, bạn nhân viên đã phạm lỗi tự ý thay đổi kế hoạch không xin phép. Đây là lỗi nghiêm trọng và nhân viên sẽ bị trừ thưởng 300.000 đồng theo quy định. Tuy nhiên, sau khi vụ việc đăng tải trên mạng xã hội, các bộ phận đã nhìn nhận lại và cho rằng, lỗi một phần thuộc về người quản lý không giám sát chặt chẽ hạ mức phạt xuống còn lỗi nặng bị trừ 100.000 đồng đối với nhân viên và người quản lý phạm lỗi cơ bản bị trừ 50.000 đồng thay vì mỗi nhân viên chịu phạt như ban đầu. 

"Số tiền đó công ty sẽ không phạt luôn mà trừ vào tiền thưởng cuối tháng. Bạn nhân viên đi làm ở tiệm được khoảng 6 – 7 tháng và đây là lần đầu tiên phạm lỗi này", đại diện tiệm trà sữa cho biết.

Cũng theo người đại diện, tiệm trà sữa hoạt động theo chuỗi và kinh doanh trên các ứng dụng giao đồ ăn. Nếu đóng cửa sớm so với quy định, khách sẽ không đặt được hoặc khi tài xế đến quán sẽ không có hàng để giao cho khách. Trong trường hợp nếu xảy ra việc hủy đơn mà không báo trước, tiệm dễ bị khách hàng báo cáo lên hệ thống, có nguy cơ phải đóng cửa. Đây là lỗi nghiêm trọng với chuỗi cửa hàng kinh doanh trên nền tảng online.

"Ví dụ khách đặt trên ứng dụng là 23 giờ 25 nhưng có lúc khoảng 5 – 7 phút sau bên cửa hàng mới nhận được thông tin về đơn hàng. Vì vậy, nếu nhân viên về sớm không có người làm đồ uống, tiệm sẽ dễ bị khách hàng báo cáo trên hệ thống", người đại diện nói.

Người đại diện cũng cho hay, bạn nhân viên đã chấp nhận bị phạt, chỉ vô tư đăng tải những tình huống đi làm trên trang cá nhân, không có chuyện phản đối quy định và bất ngờ khi nhận được sự quan tâm của mọi người.

Pháp luật quy định thế nào?

Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định, khi người lao động đi trễ, về sớm, doanh nghiệp không được xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khấu trừ tiền lương.

Tại Điều 102 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 127 bộ luật này, hành vi phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Căn cứ các quy định trên, khi người lao động đi trễ, về sớm, doanh nghiệp không được xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khấu trừ tiền lương.

Trường hợp doanh nghiệp trừ lương người lao động không đúng quy định pháp luật có thể bị phạt tiền theo quy định khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với các hành vi vi phạm là cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.