Trị tận gốc 'bệnh' chậm giải ngân

24/04/2023 03:48 GMT+7

Đề nghị cắt vốn những dự án giải ngân bằng 0, phân bổ sang các dự án dở dang nhưng thiếu vốn là đề xuất của Bộ Tài chính trước tình trạng "đủng đỉnh" ở nhiều địa phương, bộ, ngành.

Nhưng cắt vốn thôi chưa đủ. Để trị căn bệnh trầm kha giải ngân đầu tư công chậm trễ, cần phải quy trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu các địa phương, các đơn vị có dự án giải ngân bằng 0. Công khai cụ thể từng dự án cũng như mức chế tài tương ứng. Chỉ có như vậy mới hy vọng trị dứt điểm căn bệnh giải ngân "rùa bò" đã thành cố hữu trong lĩnh vực này.

Bởi nhìn lại lịch sử, không phải đến bây giờ giải pháp cắt hay điều chuyển vốn đầu tư công của những dự án chậm trễ mới được đưa ra. Tháng 9.2021, cũng Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao. Nhưng kết quả thì như chúng ta thấy, đến tận thời điểm này, thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" khi vừa đối mặt với những khó khăn từ thế giới tác động vào, vừa giải quyết hệ quả của đại dịch Covid-19 chưa xong và giải ngân đầu tư công được coi là yếu tố tiên quyết để kích cầu tăng trưởng, thì căn bệnh chậm trễ vẫn không hề có sự cải thiện. Thậm chí, căn bệnh này còn đang có biểu hiện nặng hơn với hàng loạt dự án giải ngân bằng 0. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chúng ta chưa gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu vào việc này. Thay vì điều chuyển hay "cắt" những người không làm, những người đủng đỉnh, sợ trách nhiệm, thay bằng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở cắt vốn, điều chuyển vốn qua dự án khác. Nhưng hãy hình dung, nếu những người đứng đầu không làm vẫn ngồi đó thì giải quyết được chỗ này sẽ tắc chỗ khác. Trong khi tăng trưởng kinh tế thì không còn thời gian để chờ đợi.

Chúng ta đều biết, GDP quý 1 chỉ tăng 3,32%, cách gần 2,3% so với mục tiêu đặt ra. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, các quý còn lại phải có mức tăng trưởng bình quân là 7,5%. Đây là một áp lực rất lớn, đòi hỏi bộ máy từ trung ương đến địa phương đều phải vào cuộc với tâm thế chạy đua. Thế nên 2 ngày cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp vào làm việc với TP.HCM để tìm giải pháp chặn đà giảm tốc. 2 ngày cuối tuần vừa rồi, người đứng đầu Chính phủ họp với các bộ, ngành, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành 2 thông tư gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, khoanh - giãn nợ... những nút thắt lớn nhất trên thị trường vốn hiện nay. Nhưng cỗ máy tăng trưởng không thể tăng tốc nếu ở một phía nào đó, vẫn có những người né tránh, đùn đẩy không dám ký, không dám làm. Đó chính là lực cản, kéo trì tốc độ của kinh tế. Vì vậy, chỗ cần điều chuyển, cần "cắt" chính là bộ phận này, không chỉ là vốn. Chỉ khi đầu tàu quyết liệt thì bộ máy mới chạy, tiền mới chảy, dự án mới được triển khai, mới tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

Đây cũng chính là tinh thần "ai không làm thì đứng sang một bên" mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần, và đây cũng chính là giải pháp hữu hiệu để công phá căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong hoạt động công vụ hiện nay.

Bối cảnh hiện nay không cho phép chúng ta xuê xoa với tình trạng trên nóng dưới lạnh. Chỗ nào lạnh, cần được "cắt" dứt khoát để trị tận gốc căn bệnh chậm trễ trong giải ngân đầu tư công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.