Trung tâm Cần Thơ 'thoát ngập' dù triều cường vượt báo động 3

31/10/2023 18:16 GMT+7

Ngay khi van ngăn triều bảo vệ đô thị trung tâm Q.Ninh Kiều vận hành, lần đầu tiên hàng loạt đường nội ô TP.Cần Thơ 'thoát ngập' dù đỉnh triều cường vượt xa báo động 3.

Hiệu quả của cống ngăn triều

Ngày 31.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các tuyến đường chính ở Q.Ninh Kiều và một phần, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ như: Trần Hưng Đạo, Huỳnh Cương, Võ Văn Kiệt, Mậu Thân… đều khô ráo dù triều cường trên sông Hậu đạt 2,15m, vượt báo động 3 là 0,15m. Đây cũng là mực nước thường khiến cho nội ô TP.Cần Thơ ngập lênh láng vào các đợt triều cường trước đó.

Lý do của hiện tượng trên là do chiều 30.10 và ngày 31.10, Ban quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ đã cho vận hành thử hệ thống cửa van của âu thuyền Cái Khế (gói thầu thuộc Dự án 3) và hệ thống cống và van ngăn triều bảo vệ đô thị trung tâm Q.Ninh Kiều và một phần Q.Bình Thủy.

Trung tâm Cần Thơ 'thoát ngập' dù triều cường vượt báo động 3 - Ảnh 1.

Ban quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ đã cho vận hành thử hệ thống cửa van của âu thuyền Cái Khế

DUY TÂN

Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP.Cần Thơ cho biết, dù chỉ mới thử nghiệm nhưng hệ thống ngăn triều đã phát huy tác dụng tức thời, đảm bảo mục tiêu chống ngập và bảo vệ vùng lõi của đô thị trung tâm Q.Ninh Kiều. Cũng theo ông Thượng, có tổng cộng 9 cống nhỏ và 3 cống lớn trong dự án liên quan đến gói thầu. Trong đó 4 cống nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám,2 cống nằm trên kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, 3 cống nhỏ nằm trên kè sông Cần Thơ. 3 cống lớn gồm cống Đầu Sấu, cống Hàng Bàng, âu thuyền và cống Cái Khế. 

"Hiện nay thì tất cả các cống trên đã hoàn thành và cũng đã vận hành thử, trừ cái cống Cái Khế đã thử nghiệm trước cho 2 cửa, còn lại 1 cửa dự kiến lắp vào tháng 11 năm nay. Khi hoàn thành, 9 cống nhỏ, 3 cống lớn sẽ tạo thành hệ thống khép kín khi chủ động thích ứng với nước lũ dâng cao. Nếu đóng đồng bộ 9 cống nhỏ, 3 cống lớn, dự án hoàn toàn chủ động kiểm soát được mực nước lên xuống", ông Thượng nói.

Trung tâm Cần Thơ 'thoát ngập' dù triều cường vượt báo động 3 - Ảnh 2.

Đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ trong đợt đỉnh triều rằm tháng 9 năm 2022

ĐÌNH TUYỂN

Trung tâm Cần Thơ 'thoát ngập' dù triều cường vượt báo động 3 - Ảnh 3.

Đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ trong đợt đỉnh triều rằm tháng 9 vào tối 30.10

DUY TÂN

Việc không còn ngập sâu đã giúp cuộc sống sinh hoạt của người dân khu vực trung tâm TP.Cần Thơ thoát cảnh xáo trộn sau những ngày bị ngập liên tiếp. Giao thông đi lại ở nhiều tuyến đường giờ cao điểm cũng trở nên dễ dàng, hoạt động kinh doanh, mua bán của người dân diễn ra như những ngày thường. Bà Nguyễn Ánh (45 tuổi), kinh doanh trên đường Huỳnh Cương cho biết: "Sợ sáng hôm nay ngập nên bà dọn hàng ra trễ, chuẩn bị xắn quần để lội nước buôn bán, nhưng mãi mà không thấy nước lên như những ngày trước. Hỏi ra mới biết là thành phố đóng cống ngăn triều cường, bà con ai cũng mừng. Bởi vì ngập là bán buôn khó khăn ế ẩm lắm".

Tiếp tục khắc phục các điểm xung yếu

Cống ngăn triều - âu thuyền Cái Khế là công trình thủy lợi - giao thông cấp 3, hình thức cống hở; xây dựng trên rạch Cái Khế, tuyến công trình được đặt giữa vị trí cầu Ninh Kiều và Trung tâm Thương mại Cái khế và cách cầu Ninh Kiều 317m. Đến nay, tiến độ thi công công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế đã đạt trên 80%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Trung tâm Cần Thơ 'thoát ngập' dù triều cường vượt báo động 3 - Ảnh 4.

Đến nay, tiến độ thi công công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế đã đạt trên 80%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023

DUY TÂN

Ngoài ra, theo Ban quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ, hiện tại gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm Q.Ninh Kiều, tập trung cải tạo hệ thống thoát nước ở 32 tuyến đường trên địa bàn Q.Ninh Kiều cũng đã cơ bản hoàn thành, góp phần giảm ngập ở khu vực trung tâm TP.Cần Thơ.

Trung tâm Cần Thơ 'thoát ngập' dù triều cường vượt báo động 3 - Ảnh 5.

Dù vậy nội ô Cần Thơ vẫn còn một số vị trí xung yếu như kè Ninh Kiều, đoạn bến Ninh Kiều đang cần nâng cấp

ĐÌNH TUYỂN

Tuy vậy, hiện nội ô Cần Thơ vẫn còn một số vị trí xung yếu, còn chịu ảnh hưởng của triều cường. Xung yếu nhất là đường dẫn qua cầu Cồn Khương, nước sẽ tràn qua đường dẫn trên về đường Cách Mạng Tháng Tám và một phần đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Việt Châu sau đó, tràn về công viên Hùng Vương gây ngập cục bộ. Điểm xung yếu thứ hai là kè Ninh Kiều (khu vực bến Ninh Kiều), khi triều cường dâng đạt đỉnh, nước sẽ dâng qua kè và tràn vào tuyến đường Hai Bà Trưng, một phần đường Ngô Quyền, Ngô Gia Tự gây ngập cục bộ.

Hiện Ban ODA cũng đã đề xuất thành phố xúc tiến sớm việc nâng cấp kè Ninh Kiều đồng bộ với kè sông Cần Thơ và kè cầu đi bộ, hạn chế nước tràn từ sông Cần Thơ. Cùng với đó là nâng cấp đường Cách Mạng Tháng Tám, nhằm hạn chế được tối đa nước tràn qua đường vào khu vực trung tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.