Những giọng hát nhạc Trịnh khó quên:

Tuấn Ngọc: Giọng hát nam tính và ung dung tự tại của nhạc Trịnh

04/04/2023 07:25 GMT+7

Tuấn Ngọc là một trong số ít giọng nam hát nhạc Trịnh thành công, được đông đảo khán giả yêu mến và có một vị trí, chỗ đứng vững vàng trong mảng âm nhạc vốn đã quá nhiều người thể hiện này.

Nhiều người còn nhận định rằng nếu giọng nữ thể hiện nhạc Trịnh xuất sắc nhất là Khánh Ly thì giọng nam chỉ có thể là Tuấn Ngọc.

Thậm chí, chính bản thân cố nhạc sĩ họ Trịnh sinh thời cũng khẳng định Tuấn Ngọc là giọng ca nam từng thể hiện các tác phẩm của ông thành công nhất.

Những khai phá đầu tiên khiến Trịnh Công Sơn ấn tượng

So với những danh ca cùng thời, Tuấn Ngọc hát nhạc Trịnh khá muộn. Phải tới năm 1981, khi đã 34 tuổi, anh mới thu bài nhạc Trịnh đầu tiên, là ca khúc Hạ trắng kinh điển. Bài hát này được thu trong một đĩa nhạc gồm 10 ca khúc của nhiều nhạc sĩ khác nhau, nhưng vẫn nổi bật và được khán giả chú ý.

Tuy không hát nhạc Trịnh từ sớm, nhưng từ cuối năm 1970, Tuấn Ngọc đã bắt đầu nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh mỗi đêm khi cùng sinh hoạt tại một phòng trà, nhưng chỉ nhớ hai bài Cát bụi và Tình xa.

Tuấn Ngọc: Giọng hát nam tính và ung dung tự tại của nhạc Trịnh - Ảnh 1.

Tuấn Ngọc là giọng nam hát nhạc Trịnh thành công nhất

TL

Ngay sau đó, Tuấn Ngọc dựng liên khúc Cát bụi tình xa cho ban nhạc The Uptight của các em trong nhà (gồm Khánh Hà, Anh Tú, Thúy Anh). Mục đích chỉ đơn giản là giúp các em mình có nhạc trình diễn. Nhưng cũng chính nhờ đó mà anh đã đóng góp cho nhạc Trịnh một phong cách trình diễn, hòa âm mới mẻ, hiện đại, hội nhập thế giới.

Thời điểm đó, người Mỹ thường hát medley (liên khúc) rất hay, nhưng tại VN chưa có. Nhận ra kiểu hát này rất phù hợp để trình diễn nhiều bài trong một show nhưng thời lượng chỉ có hạn nên Tuấn Ngọc quyết định áp dụng dựng bài cho các em mình. Đó cũng là lần đầu tiên nhạc Trịnh được trình diễn dưới dạng medley.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vô cùng ấn tượng trước bản hòa âm mới lạ này, liền lập tức đến gặp ban nhạc để hỏi ai làm và Tuấn Ngọc không ngần ngại nhận là mình. Tuy cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra không dài nhưng cũng khiến Tuấn Ngọc nhớ mãi về sau.

Trong thời gian ấy, Tuấn Ngọc thường xuyên trò chuyện cùng Khánh Ly, nên có cơ hội hiểu thêm nhiều về nhạc Trịnh. Trong một lần tâm sự, Tuấn Ngọc nói: "Đã có lần Khánh Ly và tôi ngồi cả đêm tranh luận với nhau thành ra tôi biết Khánh Ly yêu nhạc Trịnh Công Sơn như thế nào. Vì lý do đó mà Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn tự nhiên nhất, nồng nàn nhất, như một người mẹ yêu thương đứa con của mình, yêu tất cả những gì thuộc về nó mà không cần phải đóng kịch".

Dù Tuấn Ngọc từng có thời gian dài hát nhạc ngoại và gần như không đụng đến nhạc Việt, nhưng tới khi quay lại hát nhạc Việt, anh vẫn lựa chọn nhạc Trịnh để hát đầu tiên. Đây cũng là cánh cửa đưa tên tuổi Tuấn Ngọc lại gần khán giả VN, dẫn anh đến thành công vang dội. Chính Tuấn Ngọc cũng thừa nhận rằng trong cuộc đời anh mang nợ 4 nhạc sĩ là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng và Ngô Thụy Miên. Anh nói: "Không một lần trình diễn nào tôi lại không hát nhạc Trịnh".

Tiếng hát bền bỉ của người nói hộ tiếng lòng nhạc Trịnh

Là giọng nam thể hiện nhạc Trịnh thành công nhất, Tuấn Ngọc đem lại cho khán giả một thứ âm nhạc văn minh, hào hoa, phong nhã, lịch thiệp và mang đậm chất học thức.

Tuấn Ngọc bẩm sinh sở hữu giọng nam trung trầm ấm, dày và rền nên rất hợp để thể hiện màu sắc trầm mặc, suy tưởng và đầy triết lý ở nhạc Trịnh, lại thêm phần nam tính, nói hộ tiếng lòng người nhạc sĩ một cách đúng chất nhất ở sự thấu hiểu, từng trải, điều các giọng nữ khác chưa làm được.

Màu giọng Tuấn Ngọc không thuần kim hay thuần thổ như một số giọng nam khác, mà pha với mộc. Đây là đặc trưng về màu giọng của riêng gia đình anh. Nhờ pha mộc nên giọng Tuấn Ngọc rất ấm và xốp, có độ ngọt ngào của âm hơi (airy voice), dù rất nhẹ, tạo nên những quãng âm ấm áp, nam tính nhưng cũng mềm mại khi hát nhạc Trịnh.

Trước khi hát nhạc Việt, Tuấn Ngọc chủ yếu hát nhạc Âu - Mỹ nên chịu ảnh hưởng nhiều từ cách hát của các dòng traditional pop, chamber pop, rock, soul… Và khi hát nhạc Trịnh, anh cũng đem theo hơi thở của những dòng nhạc này vào. Ấn tượng đầu tiên của khán giả khi nghe Tuấn Ngọc hát nhạc Trịnh là một lối hát chỉn chu, gọn gàng, mang hơi hướng semi classic, pha thêm một chút jazzy.

Cách hát chậm rãi, từ tốn, có chút màu sắc traditional pop của Tuấn Ngọc được định hình rất rõ từ Tony Bennett. Anh hát nhạc Trịnh như tâm sự, kể một câu chuyện, không vội vàng, phô trương, đôi chỗ có thể hơi lơi nhịp, lại có chỗ ngẫu hứng theo phong cách jazz.

Mặt khác, Tuấn Ngọc có thể hát một cách tự sự, trầm ấm, dày dạn, biểu đạt những ưu tư, khắc khoải trong tâm trạng, nhưng khi cần thiết vẫn bung được hết nội lực.

Tuấn Ngọc chủ yếu hát bằng giọng ngực để tăng sự nam tính, từng trải cho giọng hát. Anh nói: "Nghề này, có người hát bằng giọng mũi, giọng cổ nhưng tôi chỉ chuyên hát bằng giọng ngực, cũng chính là để hát sao cho thật nhất, gần với xúc cảm nhất. Nhưng không có nghĩa mải đuổi theo cảm xúc mà bỏ quên kỹ thuật".

Và đó cũng là cách hát anh đem vào nhạc Trịnh, để diễn đạt trọn vẹn những tâm tư, nỗi lòng tác giả trong thấm thía từng trải, suy tư.

Tuy nhiên, khả năng light mixed của Tuấn Ngọc lại rất tốt khi hát ở quãng trung cao tầm D4, E4, F4. Anh có thể light mixed vuốt rung đuôi ở các đoạn nhả chữ, giúp tạo cảm giác nhẹ nhàng, dẫn dắt bài hát như mở ra một câu chuyện.

Đặc biệt, nhờ nền tảng kỹ thuật vững vàng mà Tuấn Ngọc luôn hát theo lối điềm tĩnh, tự tại, hướng sâu nội tâm. Và lối hát ung dung, chậm rãi này cũng trở thành dấu ấn độc đáo trong nhạc Trịnh, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ đàn em sau này.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.