‘Tuổi thọ các luật ngày càng trẻ, 2 - 3 năm lại phải sửa đổi, bổ sung’

Mai Hà
Mai Hà
23/05/2023 11:48 GMT+7

Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), do việc xây dựng luật còn cập rập, vội vàng, tuổi thọ các dự án luật ngày càng trẻ. Một số dự án luật mới được ban hành 2 - 3 năm lại phải sửa đổi, bổ sung.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, sáng 23.5, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

‘Tuổi thọ các luật ngày càng trẻ hoá, 2- 3 năm lại phải sửa đổi, bổ sung’ - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)

GIA HÂN

Nêu lên thực tế việc thay đổi điều chỉnh luật “đưa vào rút ra còn nhiều”, ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng việc này diễn ra nhiều năm nay và khá phổ biến. “Phải chăng vì công tác dự báo còn chưa cao, do thực tiễn đòi hỏi phải bổ sung, hay do kỷ luật, kỷ cương chưa được thực hiện nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện hay không”, ông Thắng nêu.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng: ‘Tuổi thọ các luật ngày càng trẻ, 2 - 3 năm lại phải sửa đổi, bổ sung’

Theo ông, một số luật gửi đến ĐB Quốc hội còn rất chậm, không đảm bảo quy chế hoạt động của Quốc hội cũng như ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu của các ĐB Quốc hội.

“Câu chuyện làm luật của chúng ta còn cập rập, vội vàng, chưa chắc chắn. Vì thế, tuổi thọ các dự án ngày càng trẻ hóa, một số dự án luật mới được 2 - 3 năm lại đưa ra sửa đổi, bổ sung”, ông Thắng nói và cho rằng, vấn đề này ngày càng trầm kha, dù được nói rất nhiều nhưng chưa giải quyết triệt để được. Cử tri rất quan tâm và yêu cầu phải mổ xẻ tình trạng này để có giải pháp căn cơ, không nể nang né tránh.

Cho ý kiến cụ thể về dự án luật Giao thông đường bộ và luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo ông Thắng, Quốc hội khoá XIV đã thảo luận nhiều nhưng chưa đạt thống nhất do còn nhiều ý kiến băn khoăn. Tại kỳ họp này, đề nghị phải làm rõ các điểm mới, điểm khác so với trước đây cả về cơ sở lý luận, thực tiễn thì mới đạt được sự đồng thuận cao.

‘Tuổi thọ các luật ngày càng trẻ hoá, 2- 3 năm lại phải sửa đổi, bổ sung’ - Ảnh 2.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)

GIA HÂN

"Cài cắm lợi ích" khi xây dựng luật

Cùng quan điểm này, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, trong đó có quyền lực cao nhất về lập hiến, lập pháp. Tuy nhiên, phải trả lời được Quốc hội đã thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong công tác lập hiến, lập pháp chưa? 

Tại sao Quốc hội là cơ quan cao quyền lực cao nhất trong công tác này nhưng vẫn có tình trạng luật ban hành rồi vẫn phải có văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hướng dẫn mới thực hiện được?

Ông Thịnh cũng dẫn thực trạng các luật có tuổi thọ chỉ trên dưới 10 năm. Việc giao các cơ quan chủ trì lĩnh vực xây dựng dự án luật trình Quốc hội để xem xét đưa vào dự án luật hàng năm, không thể tránh khỏi việc Quốc hội phải chạy theo và bị động.

“Tôi rất quan tâm đến luật Giá và luật Đấu thầu nhưng mấy ngày nay chưa thấy dự thảo cuối cùng, trách nhiệm thuộc về ai? Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải mạnh mẽ, quyết đoán hơn nữa, cơ quan nào vi phạm về thời gian trình phải dừng lại thì mới nghiêm được”, ông Thịnh nêu.

Đặc biệt, ĐB Thịnh cũng cảnh báo tình trạng dự thảo luật bao giờ cũng “cài cắm” những điều có lợi cho cơ quan xây dựng luật. Dù Quốc hội có thẩm tra và quyết định cuối cùng, nhưng cũng khó bao quát được hết các nội dung cài cắm này.

Thực tiễn cho thấy không cơ quan nào khi xây dựng dự thảo luật không tính đầy đủ lợi ích của cơ quan mình, sau đó mới tính đến các yếu tố khác. Vì thế, có tình trạng luật được ban hành nhưng dễ cho cơ quan Nhà nước, nhưng khó cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đã diễn ra tại nhiều đạo luật và nhiều năm nay.

“Cần trả lời một câu hỏi là công tác xây dựng pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong mỏi của người dân hay chưa?”, ông Thịnh nêu và cho rằng đây là vấn đề Quốc hội cần phải bàn và suy nghĩ thêm.

ĐB Thịnh cũng kiến nghị không nên giao cơ quan quản lý lĩnh vực chủ trì xây dựng dự thảo luật, mà chỉ nên đóng vai trò một thành phần tham gia. Ngoài ra, bổ sung thêm các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật để có tiếng nói khách quan, phản biện nhiều chiều. Quốc hội sẽ là người lắng nghe và cho ý kiến cuối cùng.

Sáng 23.5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trước kỳ họp 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào chương trình năm 2023 4 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết sẽ thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình năm 2003 4 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp 6, thông qua tại kỳ họp 7; 1 dự án pháp lệnh và 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm: luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Đường bộ, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.