Úc đưa ra những giả thuyết mới về chuyến bay mất tích MH370

23/02/2024 08:43 GMT+7

Trong bộ phim tài liệu MH370: 10 năm trôi qua (MH370: Ten years on) vừa công chiếu vào tuần qua trên đài Sky News Australia, các chuyên gia đã cân nhắc về các giả thuyết xung quanh chuyến bay bí ẩn này.

MH370 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã biến mất ngay sau khi rời Kuala Lumpur 10 năm trước, vào ngày 8.3.2014.

Khoảng 40 phút trong hành trình tới Bắc Kinh, chiếc máy bay Boeing 777 đã biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu.

Chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vị trí xác tàu Titan nổ tung dưới đáy đại dương vào năm ngoái tuyên bố việc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ cực kỳ "khó khăn".

Úc đưa ra những giả thuyết mới về chuyến bay mất tích MH370- Ảnh 1.

Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích tròn 10 năm

Sky News Australia

Không phải chuyến bay ma?

Ed Cassano, Giám đốc điều hành của Pelagic Research Services, công ty được điều động để thực hiện hoạt động cứu hộ nhằm tìm kiếm tàu lặn OceanGate Titan bị tai nạn vào tháng 6 năm ngoái.

Chiếc tàu lặn đã phát nổ trong hành trình sâu 3.800m theo kế hoạch tới đống đổ nát của tàu Titanic ở Đại Tây Dương, khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng.

Các mảnh vỡ của Titan được phát hiện khoảng 4 ngày sau khi con tàu mất liên lạc.

Nói chuyện với Sky News Australia trong bộ phim tài liệu độc quyền về MH370, ông Cassano được hỏi liệu có nghĩ việc xác định vị trí chiếc máy bay mất tích sẽ giống với tàu Titanic hay không.

"Tôi nghĩ việc tìm kiếm sẽ khó khăn hơn vì Titanic nằm ở địa điểm khá nổi tiếng", ông nhận định. "Chúng ta có thể tìm thấy Titanic nhờ công nghệ tiên tiến. Và vì vậy, đó chỉ là vấn đề thời gian".

Tuy nhiên, phải mất 70 năm mới tìm được xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương vào năm 1985, kể từ khi bị chìm trong chuyến hải trình đầu tiên.

Úc đưa ra những giả thuyết mới về chuyến bay mất tích MH370- Ảnh 2.

Ed Cassano tuyên bố việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích sẽ "khó khăn hơn" so với tàu Titanic

Sky News Australia

Ông Cassano nhấn mạnh có những thách thức trong việc tìm kiếm xác tàu chìm Titan bao gồm kích thước của đại dương, độ sâu, áp suất cao, nhiệt độ lạnh và bóng tối của vùng nước. Tuy nhiên, so với MH370, khu vực tìm kiếm tàu lặn khá chính xác vì họ biết nó đã hoạt động ở đâu.

Cũng trong bộ phim tài liệu, cựu phi công và chuyên gia hàng không Byron Bailey đã bác bỏ một giả thuyết quan trọng của Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) về những gì đã xảy ra với MH370.

Ông Bailey có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không và đã nghiên cứu sâu rộng về chuyến bay của hãng hàng không Malaysia.

Trong khi cuộc tìm kiếm ban đầu về MH370 được thực hiện ở Biển Đông, các nỗ lực đã chuyển sang phía nam Ấn Độ Dương khi chính quyền Úc được yêu cầu tiếp quản sứ mệnh.

Với sự hỗ trợ từ Malaysia và Trung Quốc, ATSB đã tiến hành tìm kiếm dưới nước ở phía nam Ấn Độ Dương từ tháng 5.2014 cho đến khi hoạt động bị đình chỉ vào tháng 1.2017.

Khi kết thúc cuộc điều tra, ATSB đã đưa ra kết luận về giả thuyết chuyến bay ma.

Úc đưa ra những giả thuyết mới về chuyến bay mất tích MH370- Ảnh 3.

Cựu cơ trưởng Byron Bailey đã lập luận chống lại lý thuyết chuyến bay ma của ATSB

Sky News Australia

Giả thuyết cho rằng đã xảy ra một trường hợp khẩn cấp thảm khốc trên máy bay khiến tất cả mọi người trên máy bay, kể cả phi công đều mất khả năng làm việc và chiếc máy bay sau đó đã phải bay trong nhiều giờ trước khi bị rơi.

Ông Bailey nói: "Mọi phi công mà tôi biết đều lắc đầu trước giả thuyết về tình trạng thiếu oxy trên Biển Đông, và chiếc máy bay đã tự bay vòng vòng trong 7 giờ".

Một giả thuyết khác, giả thuyết giết người tự sát của cơ trưởng Zaharie Ahad Shah bằng cách bay cho đến khi hết nhiên liệu. Ông Bailey nhận định giả thuyết thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Có thể mở lại cuộc tìm kiếm MH370?

Cũng trong phim MH370: 10 năm trôi qua, Giám đốc điều hành ATSB Angus Mitchell cho biết bằng chứng "mới và đáng tin cậy" có thể thúc đẩy việc tìm kiếm MH370 được mở lại.

Ông thừa nhận rất nhiều nỗ lực đã được bỏ ra vào thời điểm đó, rất nhiều tiền, rất nhiều nhân sự từ khắp nơi trên thế giới và đã không thành công.

"Bây giờ, trong trường hợp có bằng chứng mới và đáng tin cậy thì có khả năng nó sẽ được mở lại. Điểm kích hoạt đó vẫn chưa đạt được vào thời điểm này", ông nói và cho rằng, nếu mảnh vỡ được tìm thấy, "chắc chắn Úc sẽ sẵn sàng hỗ trợ" Malaysia.

Úc đưa ra những giả thuyết mới về chuyến bay mất tích MH370- Ảnh 4.

Angus Mitchell (phải) cho biết bằng chứng "mới và đáng tin cậy" có thể thúc đẩy việc tìm kiếm MH370 được mở lại

Sky News Australia

Hộp đen chuyến bay của MH370 có thể là một mảnh ghép không thể thiếu trong việc xác định điều gì đã xảy ra với MH370 nếu nó được tìm thấy.

Ông Mitchell cho biết chiếc hộp, bao gồm máy ghi dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái, về cơ bản là "có thể sót lại sau tai nạn" vì "có thể sót sau hỏa hoạn".

Ông giải thích khả năng "chắc chắn tồn tại" để lấy dữ liệu chuyến bay từ hộp đen, nhưng nó phụ thuộc vào trạng thái mà công nghệ được tìm thấy. "Chúng tôi vẫn chưa thu hồi được những loại thiết bị này dưới đáy đại dương từ độ sâu đó sau 10 năm và cũng như không có ai làm được điều này trên thế giới".

Trong khi ấy, gia đình của các nạn nhân vẫn đằng đẵng nỗi tiếc thương. Chị gái và anh rể của Jeanette Maguire, Cathy và Bob Lawton, là hai trong số những người Úc trên chuyến bay MH370.

Bà Maguire cho rằng, lễ kỷ niệm 10 năm ngày máy bay mất tích là "sự kiện lớn" và nói thêm đó là một thập kỷ "dài" đối với bà và gia đình.

"Ở một khía cạnh nào đó, mọi chuyện cứ như ngày hôm qua. Mỗi năm đều khó khăn, nhưng đối với tôi, 10 năm, tôi nhận ra rằng điều này phải mất bao lâu mới có được câu trả lời", bà buồn bã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.