Kỳ 4 - Gặp 'ông trùm' chuyên lồng tiếng các vai thái giám trong phim TVB

09/06/2016 06:00 GMT+7

Trong các bộ phim TVB , thái giám là vai diễn đầy thử thách với các diễn viên lồng tiếng. Ở Việt Nam, người được xem là 'chuyên trị' các vai diễn này chính là diễn viên lồng tiếng Huy Hồ.

"Tuyệt chiêu" giả giọng thái giám
Nếu như đa phần các diễn viên lồng tiếng đều xuất thân từ trường sân khấu thì Huy Hồ lại là dân tay ngang chính hiệu. Khởi đầu, ông làm ở rạp chiếu phim với đủ thứ công việc, từ bán vé, làm vệ sinh cho đến đọc thuyết minh. Một lần, đạo diễn lồng tiếng Hồng Phúc vào rạp trú mưa, tình cờ gặp Huy Hồ đang đọc thuyết minh bèn ngỏ ý mời ông đi lồng tiếng.
Cho đến tận bây giờ, Huy Hồ vẫn nhớ như in ngày ông được đạo diễn Hồng Phúc chở đi "thử việc". Đó là lần đầu tiên, ông được nhìn thấy các diễn viên Tú Trinh, Chánh Tín... tung hứng trong phòng thu. Chàng Huy Hồ ngày đó chỉ biết thốt lên: "Sao họ tài vậy!". Lần đầu được tiếp xúc với công việc lồng tiếng, ông say sưa đến mức ổ bánh mì mua mang theo, cầm chắc trên tay vẫn rớt xuống lúc nào không hay. 

Đến giờ giải lao, đạo diễn Hồng Phúc bảo Huy Hồ nói thử một câu xem sao. Ông bước vào phòng thu, dõng dạc nói: "Chị ơi, cho tôi chén chè đậu xanh". Vậy mà... nói không được.

Sau này, xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu mở lớp tuyển diễn viên lồng tiếng, Huy Hồ được mọi người động viên đi thi nhưng... trượt, ông lủi thủi ra về. May thay, lại gặp được đạo diễn Hồng Phúc. Ông hỏi: "Mày đi đâu đây", Huy Hồ đáp: "Con đi thi lồng tiếng mà rớt rồi". Đạo diễn Hồng Phúc, lúc này là người trực tiếp dạy lớp lồng tiếng, liền bảo: "Thôi vào học luôn đi".
Huy Hồ trong phòng lồng tiếng, chuẩn bị bắt tay vào công việc Ảnh: Thiên Hương
Sau khi tốt nghiệp khóa lồng tiếng, Huy Hồ thử sức với những vai quần chúng trước tiên. Ấy vậy mà cũng lắm nhiêu khê. Ông kể: "Ví dụ như cảnh nhân vật chính đi uống cà phê thì trong quán cà phê phải có tiếng lao xao của khách, đó chính là lúc cần "quần chúng lồng tiếng". Lúc đầu không có kinh nghiệm, cứ nghĩ vào quán cà phê là phải nói câu "Cho tôi ly cà phê", thế là bị chú Hồng Phúc mắng cho một trận. Sau này mới biết lồng tiếng quần chúng trong quán cà phê tức là lồng họ tám chuyện với nhau".
Làm quần chúng lồng tiếng, có những buổi, 8 giờ sáng Huy Hồ đã có mặt chỉnh tề ở phòng thu nhưng phải đợi đến 11 giờ trưa chỉ để lồng một tiếng "Dạ" rồi đi về. Vậy mà cũng... "không nên thân" vì run quá, làm hoài không khớp miệng diễn viên nên cứ phải làm đi làm lại cho đến khi được việc.
Được một thời gian, Huy Hồ bắt đầu quen việc và được giao nhiều vai quan trọng từ phim Việt Nam, cho đến Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc... nhưng giọng nói của ông vẫn được biết đến nhiều nhất là phim Hồng Kông, đặc biệt là TVB.
Nói riêng về TVB, Huy Hồ chuyên trị các vai của Lưu Tùng Nhân, Tưởng Chí Quang, Lê Diệu Tường... và đặc biệt là nam diễn viên Mã Quốc Minh. Duyên nợ đã đưa ông gắn bó với Mã Quốc Minh từ khi nam diễn viên này còn là diễn viên quần chúng cho đến khi thành ngôi sao của TVB, từ Duyên tình tây sương đến Hồi đáo tam quốc, Tứ đại danh bộ...
Huy Hồ từng lồng tiếng cho thái giám Bành Tam Thuận (Trần Quốc Bang đóng - bìa phải) trong phim Đại thái giám Ảnh: Chụp màn hình
Huy Hồ kể lúc mới vô nghề ông cũng háo hức ghi vào sổ hôm nay làm phim gì, sắm vai gì nhưng mà rồi sau này không có thời gian để ghi nữa và cũng không còn nhớ nổi. Tuy nhiên, có một dạng nhân vật khá đặc biệt đã gắn liền với Huy Hồ, chính là... những vai thái giám. "Ngày xưa làm thái giám mắc cỡ lắm, sau đó mới nhận ra những vai đó mới là những vai hay", Huy Hồ nhận xét. 
Nói đoạn ông bèn trổ tài cho chúng tôi xem. Đang lúc giọng trầm ấm, Huy Hồ bất ngờ chuyển sang giọng mái: "Khởi tấu bệ hạ...". Ông giải thích: "Khi lồng tiếng cho thái giám, diễn viên lồng tiếng phải sử dụng giọng mái. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thái giám cũng có năm bảy kiểu, thái giám là gian thần thì giọng sẽ khác với trung thần, người bị "tịnh thân" một nửa và "tịnh thân" hoàn toàn cũng khác nhau".
Trong bộ phim Thực vi nô, Huy Hồ lồng cho cả vai vua, thái tử lẫn... thái giám. Vua thì giọng trầm, thái giám thì giọng mái còn thái tử thì giọng trẻ trung. Chỉ khi để ý thật kỹ, khán giả mới có thể nhận ra giọng của 3 người là do một người lồng tiếng.
Với chất giọng khá đặc biệt, giọng thổ, trầm ấm, truyền cảm, ông còn nhập vai người lớn tuổi... khá ngọt. Trong bộ phim Sức mạnh tình thân, phải lồng tiếng cho cả 3 cha con với những độ tuổi khác nhau, từ già thật già đến trẻ thật trẻ, vậy mà, một mình Huy Hồ vẫn biến hóa... ngon ơ.
Huy Hồ vừa nhìn kịch bản, vừa nhìn màn hình để lồng tiếng Ảnh: Thiên Hương
Khả năng bị... điên rất cao
Đến nay, Huy Hồ đã làm nghề lồng tiếng gần 30 năm. Có bữa, từ 8 giờ sáng ông đã ra khỏi nhà đến 10 giờ tối mới về và cũng đã quen với cảnh "cơm đường cháo chợ" khi thui thủi một mình. 
"Nói chung thì cái nghề này rất vui. Nhiều lúc nó khiến mình cảm thấy không còn chút sức lực nào hết trơn. Có bữa đi làm đến tối mới về nhà, rửa mặt xong là ngủ luôn tới sáng. Lúc làm việc phải tập trung cao độ, mắt vừa phải nhìn kịch bản, vừa phải nhìn màn hình. Sau này khả năng... bị điên rất cao", Huy Hồ chia sẻ.
Với nghề này, giọng nói rất quan trọng. Bởi thế, các diễn viên lồng tiếng phải dùng nhiều cách để giữ giọng, kiêng bia rượu, cà phê, đồ cay... Mỗi khi bị khan tiếng hay tắt tiếng thì đúng là cực hình, nhất là khi làm việc trong điều kiện phòng thu thì lạnh toát mà ngoài trời nóng như lửa đốt. Còn oải nhất là những khi lồng tiếng cho những bộ phim Hồng Kông phát hành song song ở Việt Nam, các diễn viên lồng tiếng phải "vắt giò lên cổ" mà chạy để kịp tiến độ. 
Có lần, đi làm đến hơn 9 giờ đêm mới về tới nhà, Huy Hồ bị choáng, thở không nổi. Đi khám mới biết mình bị nghẽn mạch vành, phải làm phẫu thuật gấp. Bác sĩ khuyên nghỉ ngơi 6 tháng nhưng mới chỉ 2 tháng, Huy Hồ đã đi làm lại, vai đầu tiên khi ông trở lại là... vai một tên xã hội đen. 
Một bộ phim, ông phải lồng cho nhiều vai diễn... Ảnh: Thiên Hương
Huy Hồ dùng bút màu đánh dấu lời thoại của những vai diễn khác nhau để không bị lẫn lộn Ảnh: Thiên Hương
Dẫu vậy, cũng như bao nhiêu nghề khác, có cái cực thì cũng có những niềm vui. Huy Hồ kể: "Có lần, một người bạn gọi điện cho chị tôi nhưng tôi là người bắt máy. Sẵn trớn, tôi giả giọng trẻ con, đến mức người ta tưởng tôi là... con của chị tôi và hỏi rằng "Mẹ đâu rồi". Tôi được dịp làm tới luôn, nói "Mẹ con đang ở đằng sau bếp nấu cơm". Đến khi biết ra, chị tôi la quá trời".
Thời điểm bộ phim Sức mạnh tình thân do Huy Hồ lồng tiếng cho cả 3 nhân vật trong phim đang gây sốt tại Việt Nam, ông ra tiệm mua đĩa, vừa cất giọng, những người xung quanh đã nhận ra ngay. Rồi những lúc đi cà phê, đi coi kịch... Huy Hồ vừa mở miệng nói chuyện, nhiều người, đặc biệt là những khán giả "ghiền" phim TVB cũng phát hiện, xin chụp hình.
Lúc lồng tiếng bộ phim Tế công với vai Tất Thanh, mỗi khi về tới xóm, mọi người lại reo lên: "A Tất Thanh về rồi" là Huy Hồ lại cảm thấy rất vui. Đó là phần thưởng xứng đáng đối với những người làm nghề "giấu mặt" như ông.
Hỏi Huy Hồ làm lồng tiếng suốt 30 năm có khi nào chán, ông cười bảo: "Cũng có lúc mình bị bão hòa chứ nhưng khi vào phim, tiếp cận được những vai diễn hay, mình lại quên ngay. Như phim Võ Tắc Thiên (Huy Hồ lồng tiếng cho vai vua - PV), ban đầu cứ nghĩ phim cũng bình thường, ai ngờ càng lồng càng thấy thích".
Bây giờ, ngoài việc lồng tiếng phim, Huy Hồ thường đi hát ở các quán cà phê, phòng trà như một cách xả stress. Thỉnh thoảng, khán giả tại đây vẫn nhận ra ông bởi giọng nói quá đặc trưng. "Gợi ý" ông diễn giọng nhiều sao không thử đi đóng phim, ông phá lên cười: "Ngoại hình có một thước rưỡi (1,5m) vầy đóng ai coi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.