"Ngôi sao" lồng tiếng vẫn không sống đủ với nghề
Với những khán giả của phim TVB, Bá Nghị là cái tên khá quen thuộc bên cạnh dàn diễn viên lồng tiếng đình đám gồm: Thế Thanh, Bích Ngọc, Nguyễn Vinh...
Cũng giống như các đồng nghiệp của mình, ông xuất thân từ Trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Khi ra trường, Bá Nghị bắt tay vào dựng một số vở diễn cho đến khi tình cờ gặp được một người thầy trong lĩnh vực lồng tiếng và rẽ hướng từ đó.
Với những kiến thức học được ở trường sân khấu, Bá Nghị nắm bắt rất nhanh những kỹ thuật trong nghề lồng tiếng. Bắt đầu từ những vai phụ, đôi khi chỉ nói được 1-2 câu, ông dần được tin tưởng, giao cho những vai quan trọng, đặc biệt là các vai của Huỳnh Anh Tuấn.
Khi các phim của hãng TVB (Hồng Kông) ồ ạt sang Việt Nam, Bá Nghị cùng với Thế Thanh, Bích Ngọc, Thế Phương, Thanh Phúc, Nguyễn Vinh... tạo thành nhóm lồng tiếng "chuyên trị" dòng phim này. Đó cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của dòng phim TVB tại Việt Nam, thời kỳ mà người người, nhà nhà mỗi ngày háo hức ra tiệm mướn phim về xem.
|
Với phim TVB, Bá Nghị là người "chuyên trị" các vai của Trương Gia Huy (Trò chơi may rủi, Đột phá cuối cùng...), Trần Hào (Trói buộc, Mưu dũng kỳ phùng...), Mã Đức Chung (Tiệm bánh Gateax, Sóng gió khách sạn...)... Thỉnh thoảng, các diễn viên lồng tiếng cũng có sự thay đổi nhưng đa phần, giọng thoại của họ đã để lại dấu ấn đặc trưng cho từng vai diễn trong lòng khán giả Việt Nam.
"Lồng tiếng phim nước ngoài tưởng dễ nhưng không. Lời thoại, cách làm màu cũng khác nên khi lồng tiếng mình vừa phải làm sao cho khớp, vừa phải làm cho nó thuần Việt hơn để khán giả xem có cảm giác như diễn viên trong phim có thể nói được tiếng Việt", Bá Nghị chia sẻ.
Đặc biệt, với giọng nói đặc trưng và có phần khá nghiêm nghị, Bá Nghị để lại nhiều dấu ấn trong các "phim chưởng". Thời điểm bộ phim Thiên long bát bộ làm mưa làm gió tại Việt Nam năm 1997, ông chính là người thổi hồn cho các vai Mộ Dung Phục (Trương Quốc Cường), Đoàn Chính Thuần (Phan Chí Văn) và một số vai diễn khác. Trong phim Thanh kiếm Đồ Long, ông chính là người lồng cho Trương Thúy Sơn (Lưu Tùng Nhân) và Tạ Tốn (Lạc Ứng Quân).
|
Tuy nhiên, vai diễn mà Bá Nghị ấn tượng nhất là vai Tào Tháo trong bộ phim Tân tam quốc phát trên HTV2 vào năm 2013. "Tào Tháo là nhân vật mà tôi yêu thích nên khi được phân công lồng tiếng cho nhân vật này, tôi làm việc mê mệt. Lần đầu tiên trong đời, khi hết phim rồi mà tôi vẫn tiếc, muốn làm nữa. Cũng vì diễn viên vào vai Tào Tháo diễn quá hay", Bá Nghị chia sẻ.
Dẫu vậy, với hoành cảnh 1 vợ, 3 con, thu nhập của nghề lồng tiếng lúc bấy giờ vẫn không giúp gia đình Bá Nghị có cuộc sống khấm khá hơn. "Thử hỏi mỗi ngày lồng chỉ được chừng 3 tập phim thì làm sao nuôi đủ gia đình. Năm nào cũng thiếu tiền hết. Cuối năm thì phải đi vay nợ, đầu năm lại phải nai lưng ra làm trả nợ. Khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế gia đình tôi mới tương đối ổn, nhờ có thêm nhiều loại phim tham gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là dòng phim Hàn Quốc. Cát sê lồng tiếng từ 45.000 đồng/tập giờ cũng tăng lên 120.000 - 150.000 đồng/tập", Bá Nghị chia sẻ.
tin liên quan
Kỳ 1 - Tìm gặp dàn diễn viên lồng tiếng phim TVB đình đám một thời'Sài Gòn phim dịch và lồng tiếng, FaFilm Việt Nam phát hành, bộ phim... Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh, Bích Ngọc, Nguyễn Vinh, Bá Nghị, Thu Hương...'. Nhiều người hẳn sẽ không quên câu mở đầu quen thuộc này trong hầu hết phim bộ TVB.
Cuộc sống của một diễn viên lồng tiếng
Đến bây giờ, dù đã bước sang hàng U60, Bá Nghị vẫn miệt mài với công việc lồng tiếng. Buổi sáng, 9 giờ, ông đã có mặt tại phòng thu. Trung bình một buổi, Bá Nghị có thể lồng tiếng cho khoảng 10 tập phim tùy lời thoại nhiều hay ít. Bá Nghị ngoài đời khá nghiêm nghị. Ông bảo: "Tôi có thể diễn vai hề để người ta cười nhưng kêu tôi giỡn để mọi người cười thì tôi không làm được".
Nhắc lại những kỷ niệm với nhóm lồng tiếng phim TVB ngày xưa, Bá Nghị cho biết nhóm có khoảng 5 - 9 người, mỗi người một tính nên khi ngồi cùng nhau cả ngày, không tránh khỏi những lúc gây gỗ, thậm chí muốn đánh nhau nhưng khi bắt tay vào công việc rồi, tất cả đều gạt hết những cảm xúc cá nhân để tập trung cho vai diễn của mình.
"Khi bắt tay vào công việc thì phải bỏ hết tạp niệm bên ngoài. Bản thân tôi từng có giai đoạn ba mất, người thân qua đời, nỗi đau thấu đến ruột gan nhưng vô phim cũng phải gạt bỏ hết những cảm xúc ấy ra để hoàn thành vai của mình", Bá Nghị chia sẻ.
Theo Bá Nghị, trước đây, để lồng tiếng cho một bộ phim, cả nhóm phải ngồi chung trong một phòng thu nhưng hiện nay, nhờ công nghệ phát triển, mỗi người chỉ cần đến thu cho vai của mình nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Mỗi ngày, một diễn viên lồng tiếng có thể làm được 20 - 30 tập phim nếu làm nhanh, làm giỏi. Còn ngày xưa dù tập trung cao độ thì cùng lắm một ngày cũng chỉ có thể lồng được 5 tập là cùng.
|
Tính đến nay, Bá Nghị đã theo nghề được 20 năm. Ngoài công việc lồng tiếng, thỉnh thoảng ông cũng xuất hiện trong một số vở kịch, phim truyền hình... nhưng rất ít. Chưa bao giờ ông chán cái nghề này dù bây giờ nhắc lại Bá Nghị cũng không còn nhớ được mình đã lồng cho bao nhiêu vai, là những vai gì nữa. Ông bảo đó là do ngày xưa thầy dạy phải biết quên đi để không nặng đầu và ảnh hưởng cảm xúc cho những vai diễn sau.
"Sở dĩ không thể chán cái nghề này vì mỗi ngày tôi đến phòng thu như đến một nơi gắn bó thân thương vậy. Rồi những nhân vật trên phim cứ biến hóa khôn lường, mình đâu phải làm một nhân vật hoài đâu mà chán. Có thể bữa nay tôi làm vai ác, ngày mai tôi lại sắm vai thánh thiện, thử hỏi làm sao chán được", Bá Nghị tâm tình.
Với Bá Nghị, ông không buộc mình vào những quy định khắt khe trong ăn uống mà chỉ hạn chế nói nhiều sau giờ làm việc. Ông bảo: "Khi nào hết hơi, không nói được nữa thì mới nghỉ thôi chứ cái nghề này đâu có lo. Mình già thì vẫn có thể lồng cho những vai người già, lớn tuổi, những người bệnh, nói giọng thều thào. Tôi nghĩ chỉ khi nào tôi không còn đủ sức khỏe, đi không được, nói không được nữa thì mới nghỉ chứ còn sức khỏe thì vẫn còn làm, không ít thì nhiều".
Diễn viên lồng tiếng Bá Nghị cho biết: "Nhiều bạn trẻ hiện nay nghĩ rằng lồng tiếng là nghề nhàn hạ, được ngồi mát, không phải buôn gánh bán bưng, dang nắng ngoài trời. Tuy nhiên tôi thấy nghề nào cũng vậy, quan trọng là một khi đã chọn thì phải yêu nghề chứ đừng yêu bản thân mình trong nghề.
Bản thân tôi nhận thấy lồng tiếng là khâu cuối cùng trước khi phim đến với khán giả và cũng là khâu rất quan trọng vì hiện nay không nhiều phim lấy tiếng trực tiếp. Một bộ phim lồng tiếng dở có khi kéo theo cả bộ phim dở và ngược lại, nếu lồng tiếng hay, có khi lại cứu được cả một bộ phim.
Tôi cũng mong lắm chứ, một ngày nào đó, các cơ quan văn hóa sẽ chú ý và công nhận nghề lồng tiến, tôn vinh những người thầm lặng, luôn ở trong bóng tối để góp phần làm nên cái hay cho một bộ phim".
|
tin liên quan
Kỳ 2 - Chuyện đời 'kỳ nữ' lồng tiếng Bích NgọcTrong giới lồng tiếng phim TVB, Bích Ngọc được xem là 'kỳ nữ' bởi giọng nữ đã hiếm mà bà còn có thể giả giọng từ người già đến trẻ em. Những năm 90, giọng của bà 'phủ sóng' khắp các phim bộ Hồng Kông.
Bình luận (0)