Tết trâu, thơ đi đường làng

28/01/2009 15:21 GMT+7

“Thơ ơi ta bảo Thơ này Thơ ra đồng ruộng cấy cày cùng ta” (TNO) Tôi vẫn thích Thơ đi trên đường làng. Không phải đường làng dễ chịu. Vì trừ những đường làng đã được “bê tông hóa”, “nhựa hóa” hay vàng hóa gì đó, còn đường làng hiện nay của chúng ta nói chung vẫn khá bùn lầy nước đọng vào mùa mưa, và mù bụi vào mùa khô.

Nếu ví thơ Việt Nam hiện đại như chiếc xe máy (chưa dám ví với ô tô, vì ô tô càng xịn thì càng… khó vận hành trên đường làng), thì những con đường làng dù đầy ổ gà hay khuất khúc, xe máy vẫn tìm được cách chinh phục với tốc độ rất vừa phải. Tôi vừa đọc lại tập thơ Cõi lặng của Nguyễn Khoa Điềm. Nhiều bài trong tập thơ này tôi đã đọc rải rác trước đó, và khi tập thơ được chọn qua vòng sơ khảo của Hội đồng thơ cho một giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn, tôi đã được đọc để… bỏ phiếu. Khỏi nói, khi anh đọc một tập thơ chỉ với mục đích “bỏ phiếu”, thì những ràng buộc trách nhiệm khiến anh khó thấy thoải mái như thế nào! Mà đọc thơ lại rất cần thoải mái, cần sự thư thái vô mục đích, như thể tiện tay cầm tập thơ thì đọc, thế thôi! Đọc như thế, thơ dễ vào mình, mình cũng dễ nhập vào thơ, nếu thơ ấy hút được mình, hơn chút nữa là vò xé hay đảo lộn được mình. Nói thật, thứ thơ có thể vò xé hay đảo lộn được người đọc thơ chuyên nghiệp hay nghiệp dư bây giờ là rất hiếm trên cả thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Trong khi, ngay ở quê xứ mình, hàng ngày đọc báo hay ra ngoài đường lại tai nghe mắt thấy biết bao điều khiến phải bứt rứt, khiến như bị vò xé hay bất an. Đó hoàn toàn là những trạng thái của thơ, của người làm thơ khi sáng tác, nhưng nó chỉ trở thành “trạng thái nội tại” một khi nhà thơ “nhập khẩu” với thuế suất 0% cái trạng thái ngoại cảnh ấy vào trong mình. Thử đọc một đoạn trong bài thơ ngắn Cánh đồng buổi chiều:

                     “Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
                        Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
                        Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
                        Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
                        Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
                        Kẻ ranh ma trở nên quá giàu”

(trích Cõi lặng - Nguyễn Khoa Điềm) 

Tôi không dám nói những câu thơ này là xuất thần hay hiện đại, cũng không nói đó là những câu thơ lạ. Nó đơn giản quá để ta có thể ngợi khen. Nó chỉ là những nỗ lực hì hụi vượt đoạn đường làng đầy ổ gà của một chiếc xe máy cũ. Nhưng giữa những cú xốc nảy, đoạn thơ chợt lay ta nhớ lại một điều gì, như khi bưng bát cơm “hiển nhiên” với những động tác nhai nuốt hiển nhiên chợt nhai phải…hòn sạn. Bấy giờ, thơ chính là hòn sạn trong bát cơm ấy, hòn sạn lay tỉnh ta khỏi sự lãng quên “hiển nhiên” đã quá dài. Ít nhất, thơ cần có những lúc buộc ta phải “nghĩ lại” như vậy. Tôi đọc tiếp một bài thơ ngắn nữa, bài Trong những buổi chiều:

                      Trong những buổi chiều buồn bã
                      Tôi nói thầm với hàng cây trước nhà
                      Hãy dịu dàng hơn, hãy dịu dàng nữa

                      Trong những buổi chiều buồn bã
                      Đá cứng hơn, chân mềm hơn
                      Tôi trèo lên hừng hực ngọn bê-tông núi lửa

                       Mãi khi vầng trăng treo trước cửa
                       Chợt nhớ khuôn mặt hiền xót xa
                       Nghiêng xuống cánh đồng ngày xưa

                       Vì sao không thể yêu mến hơn?
                       Vì sao không xanh tươi hơn?
                       Vì sao không trong sạch hơn? 

(trích Cõi lặng - Nguyễn Khoa Điềm)

Một trong những nhu cầu lớn của thơ, là nhu cầu được ân hận. Bài thơ này nhằm giải tỏa nhu cầu bình dị ấy. Nhưng ai là người có nhu cầu ân hận đây? “ Con người sẽ thế nào nếu không biết ân hận?”, hình như cách đây hơn hai chục năm tôi đã viết câu thơ đó trong một bài thơ nào của mình. 

Tập thơ Cõi lặng đã không nhận được giải thưởng, một chuyện khá bình thường. Nhưng ngay khi  không được nhận giải thưởng, thì thơ vẫn có thể cứ là thơ. Bởi nhà thơ, nói chung, vẫn chỉ làm thơ vì những nhu cầu riêng tư của mình, và làm thơ cho mình trước khi thơ đó có thể cho ai. Tôi lại đọc tập thơ Phía bên kia cây cầu của Đinh Thị Như Thúy, một nhà thơ nữ còn trẻ (xét về “tuổi xuất hiện” trên thi đàn). Cách đây ba năm, khi lần đầu được đọc thơ Như Thúy, tôi đã ngạc nhiên, nhất là khi được biết Thúy đang là cô giáo ở một huyện vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Đắk Lắk. Cô lặng lẽ như ngôi trường làng cô đang dạy học, như vùng quê khuất lấp cô đang sống. Và thơ cô cũng vậy. Nhưng lại không chỉ vậy. Tôi lật giở bất chợt một trang trong Phía bên kia... và gặp Chỉ có mưa không cần nghi ngại:

                               ...
                               rồi sẽ phải chết trong từng giây
                               khi gặm nhấm nỗi khánh kiệt
                               những tưởng tượng về ngày mưa phố huyện
                               vệt bùn đỏ hoe
                               những bông cỏ đĩ rập rờn
                               lướt thướt mang mưa trên năm cánh trắng

                               mưa kéo dài từ núi nọ
                               mưa kéo dài từ ngày nọ
                               mưa nhẫn nại
                               chờ những con đường xuyên qua rẫy thành sông

                               một mùa một ngày một người
                               bao giờ cũng nhỏ bé
                               bao giờ cũng chẳng có gì đáng nói

                               một ngày xòe tay hứng từng giọt
                               rồi một ngày thu mình co ro
                               một ngày dằn dỗi bất cần
                               rồi một ngày chết vì mong đợi

                               chỉ có mưa không cần nghi ngại 

(trích Phia bên kia cây cầu - Đinh Thị Như Thúy)

Hiện lên qua từng câu thơ hình ảnh một số phận, một độc thoại cay đắng nhưng không căng thẳng, một nỗi khắc khoải khó gọi tên, một “giọng mưa không cần nghi ngại”. Tôi có thể trích nhiều bài thơ trong tập thơ này với chất giọng không lẫn được của Đinh Thị Như Thúy. Đây là tập thơ cùng với tập Cõi lặng của Nguyễn Khoa Điềm đã vượt qua vòng chung khảo của Hội đồng thơ, nhưng cuối cùng đã “out” khỏi giải thưởng của Hội nhà văn. Cũng không có vấn đề gì! Hay là đọc thêm một bài thơ nữa của Thúy, bài Trôi ngược cua đường gấp khúc:        

                             ...
                             trôi ngược cua đường gấp khúc
                             trôi ngược mặt trời trôi ngược núi xa
                             ngày của cuộc đi trôi ngược

                             lại ẩn mình trong khu vườn im lặng
                             im lặng ngắm nhìn loài giây leo bò quấn trên bậu cửa
                             nỗi buồn cũng không nhiều lời
                             nỗi buồn có mùi hương kỳ lạ của hoài niệm

                             không còn ai tìm hoa để hái nơi này
                            những nhợt nhạt xanh
                            giữa những bất động trì trệ
                            những ngược ngạo chạy đường ranh chia cắt

                            không còn ai tin vào sự đổi thay
                            như tin vào ngọn gió
                            không còn ai tiếp tục lời tụng ca
                            cua đường
                            núi xa
                            mặt trời trôi ngược 

(trích Phía bên kia cây cầu - Đinh Thị Như Thúy)

Nếu thơ được phép ân hận thì thơ cũng giành cho mình quyền được tuyệt vọng, nói như nhà thơ Chile vĩ đại Pablo Neruda. Trong giọng thơ thì thầm nhỏ bé kia, cứ ngỡ sự khuất lấp sẽ lớn hơn, nào ngờ, cái nhỏ nhẻ không có gì che chở, không đặc quyền đặc lợi lại đến với ta nhiều hơn, lại thuyết phục ta hơn những gì cao giọng. Và chính Neruda, khi viết kiệt tác Trên đỉnh Macchu Picchu - một trường ca đã đưa tên tuổi ông vào bất tử, Neruda đã đưa thơ ông “leo núi” bằng chân bằng tay chứ không chỉ chạy trên “đường làng” bằng xe máy. Xem ra, thơ leo núi hay đi đường làng, bằng chân bằng xe máy hay phóng trên đường cao tốc bằng ô tô Lexus thì cũng thế. Cốt ở người chứ không cốt ở phương tiện.                  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.