America’s Got Talent: Tìm kiếm tài năng

20/12/2009 10:56 GMT+7

(TNTT>) Trước 2006 khi nói đến show truyền hình thực tế tại Mỹ, người ta nhớ đến ngay American Idol (tìm kiếm tài năng âm nhạc Mỹ) hoặc So you think you can dance (tìm kiếm các vũ công tài năng). Đó là hai quân át chủ bài của hãng Fox, thống lĩnh thị trường truyền hình Mỹ. Còn những show truyền hình thực tế khác của NBC như The Biggest Loser thì thất bại như chính cái tên gọi của nó. Nhưng từ sau 2006, NBC không còn mặc cảm trước Fox khi chương trình America’s Got Talent của họ đã chiếm được tình cảm của người hâm mộ.

Những con số biết nói

Mùa phát sóng đầu tiên của America’s Got Talent tháng 6.2006, đã có 10 triệu khán giả theo dõi. Mùa thứ 2 (2007), 12 triệu khán giả theo dõi, mùa thứ 3 (2008) con số khán giả tăng thành 12,5 triệu và mùa thứ 4 (2009), số lượng khán giả theo dõi America’s Got Talent tăng vọt lên 15,5 triệu. Ban lãnh đạo của hãng NBC có thể hãnh diện khi thấy chương trình của họ vượt xa so với So you think you can dance của Fox phát sóng cùng thời điểm.

Người mang America’s Got Talent đến cho nước Mỹ và phù phép chương trình này thành công là một người Anh. Cái tên Simon Cowell trở nên quá nổi tiếng với người hâm mộ các show truyền hình thực tế. Tại Anh, Simon gặt hái thành công với The X-Factor. Tại Mỹ, trước khi làm America’s Got Talent, Simon đã được biết đến qua vai trò giám khảo American Idol. Cũng vì vướng hợp đồng làm giám khảo cho American Idol nên Simon không thể tham gia làm giám khảo cho America’s Got Talent, đứa con tinh thần của ông. Nhưng với kinh nghiệm tích lũy được, Simon vẫn giúp show truyền hình này tạo chỗ đứng trong sự cạnh tranh khốc liệt của làng giải trí Mỹ.

 

Kevin Skinner - Người chiến thắng trong năm 2009

Nếu các chương trình truyền hình theo kiểu tìm kiếm tài năng trước đây thường tập trung vào một mảng như ca hát hoặc nhảy múa thì America’s Got Talent không có giới hạn. Một thí sinh tham gia chương trình có thể hát, múa, đóng kịch hoặc làm tất cả những gì anh ta/cô ta muốn trên sân khấu. Điều quan trọng là anh ta phải thuyết phục được khán giả và ban giám khảo. Vì thế, người xem được chứng kiến rất nhiều những tiết mục thuộc loại độc chiêu mà American Idol hay Dancing with Stars không thể có như... hát không mở miệng, thi nhào lộn...

Giao hết cho khán giả

Simon là người dựng nhiều show truyền hình và làm giám khảo nhiều chương trình tìm kiếm tài năng. Simon hiểu vai trò giám khảo trong America’s Got Talent có tác động lớn đến việc thu hút khán giả. Các giám khảo tốt nhất là nên làm vai trò của MC hơn là vai trò trọng tài chọn người thắng cuộc. Trong mùa đầu phát sóng, giám khảo được đặt vị trí như khán giả. Tại vòng ngoài, lá phiếu của giám khảo có thể chọn thí sinh vào vòng sau giống như lá phiếu của khán giả. Nhưng tại các mùa sau, giám khảo có nhiệm vụ bật tín hiệu loại thí sinh quá kém và chọn thí sinh đỗ vớt, còn việc chọn ai thắng cuộc hoàn toàn do lá phiếu của khán giả. Khi khán giả được nhiều quyền hơn, họ sẽ hào hứng với chương trình hơn bởi khán giả ý thức đó là chương trình của họ.

Nhưng America’s Got Talent vì giao hết cho khán giả nên nó lại bị đi vào lối mòn trở thành American Idol phiên bản 2. Có những chương trình thật sự ấn tượng mà người xem được chứng kiến trong show truyền hình ăn khách của NBC như của cô gái Lilia Stephanova, người dùng chân cầm cung, miệng đặt tên rồi sau đó uốn 2 chân qua đầu, một chân giữ cung, một chân giữ tên bắn vào hồng tâm. Khán giả vỗ tay rào rào và Lilia đạt số điểm rất cao tại vòng ngoài.

Nhưng khi vào vòng sau, vẫn màn biểu diễn đó, nữ cung thủ bị loại vì không còn tạo bất ngờ và hứng thú. Trong khi đó, những tài năng biểu diễn ca nhạc lại rất dễ giành chiến thắng để đoạt giải nhất trị giá 1 triệu USD bởi mỗi vòng cũng bằng giọng ca đó, họ hát một bài khác sẽ lại chinh phục được khán giả.

Trong America’s Got Talent 2009, sau khi xem xong phần chọn ra 40 người vào top 40, Simon nói rằng ông không hài lòng khi các giám khảo đã loại ra quá nhiều tài năng xuất sắc và 8 tài năng đã được Simon đặc cách cho vào để thành top 48. Những tài năng được hưởng đặc cách đó thường là những người không chinh phục khán giả bằng giọng ca. Nhưng nỗ lực đa dạng tài năng trong America’s Got Talent của Simon không thể thay đổi được gì cả vì trong 4 năm qua, cứ 10 người vào chung kết thì 8 người khoe giọng hát.

Có lẽ tương lai của America’s Got Talent các mùa tới vẫn là theo lối mòn âm nhạc nhưng nó sẽ sống khỏe như American Idol nếu biết tránh không đụng giờ phát sóng. Thế giới một năm có 4 cuộc thi hoa hậu lớn mà vẫn đắt khách thì việc mỗi năm có 2 cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc Mỹ vẫn còn là ít.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.