Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 3: Ngô Kha - người đãng trí can trường

02/04/2017 10:06 GMT+7

Trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí đã đưa Ngô Kha - một nhà thơ tranh đấu trong phong trào hòa bình và dân tộc ở Huế - trở thành nhà thơ Việt đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực và thơ yêu nước.

Nếu Paul Eluard và Louis Aragon đã giã từ thơ siêu thực để đến với thơ yêu nước, thì ngược lại, Ngô Kha hòa trộn thơ yêu nước và thơ siêu thực, thơ về chiến tranh và thơ khao khát hòa bình, thơ siêu thực phương Tây và thơ đậm sắc màu dân tộc Việt. Đó là nhà thơ rất hiếm hoi trong tiến trình thơ Việt hiện đại, vừa tranh đấu với những mục tiêu cụ thể, vừa xuống đường đương đầu can trường với bạo lực đàn áp, vừa làm thơ lãng đãng như một người đãng trí - một người đãng trí hiền hậu thương con người, yêu cuộc sống và thiết tha với những hình ảnh bất chợt, những giấc mơ không bình yên và những thông điệp không phải lúc nào cũng sáng rõ. Nếu chúng ta đọc tiểu sử vắn tắt của Ngô Kha, rồi đọc từng đoạn trong Ngụ ngôn của người đãng trí của anh, chúng ta sẽ có được những mảnh ghép phối kỳ lạ giữa hình ảnh một nhà trí thức tranh đấu và hình ảnh một nhà thơ siêu thực đúng nghĩa.
“Nhà thơ Ngô Kha, sinh năm 1935 tại làng Thế Lại, TP.Huế. Tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Đại học Sư phạm Huế (1958-1959), cử nhân Luật (1962). Dạy văn ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Huế từ năm 1960-1973. Tham gia "chiến đoàn Nguyễn Đại Thức", chiến đoàn quân đội chế độ cũ ly khai chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, 1966. Chủ trương nhóm Trí thức đấu tranh Tự Quyết, 1970 và làm Chủ tịch Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, 1972. Bị chính quyền chế độ cũ bắt 3 lần, vào các năm 1966, 1971, 1972 và bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris, 1973. Được nhà nước truy phong liệt sĩ sau năm 1975”.
Và đây, một đoạn thơ trong trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí:
trong khu vườn tiền sử
dòng sông đen bắc cầu qua núi
với con voi ngà thời thượng cổ
hai chiếc sừng tráng lệ
mạch đất quê hương giờ lạnh rồi
sao mắt mẹ còn mở
sách trên án thư cũng ngủ khuây
nhưng hồn mẹ vẫn thao thức
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu.
Đây có lẽ là đoạn thơ sáng rõ nhất trong bản trường ca hơn 700 câu thơ này, bản trường ca Ngô Kha viết chính trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc đời anh, khi anh dấn thân tranh đấu và bị tù đày, khi anh vừa dạy học vừa tham gia các tổ chức đối lập với chính quyền Sài Gòn, vừa chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vừa nêu cao những bài giảng về lòng yêu nước cho học sinh của mình. Nhiều bạn hữu, nhiều đàn em, nhiều học sinh của Ngô Kha đã không bao giờ quên được dáng vẻ hiền hậu và tinh thần trí thức của anh, sự độc lập trong suy nghĩ và sự quyết liệt trong hành động yêu nước của anh. Vậy mà nhà thơ ấy, khi làm thơ, lại làm thơ… siêu thực. Như dòng sông Hương chảy qua trước nhà Ngô Kha ở 42 Bạch Đằng, Huế, vừa phẳng lặng hiền hòa vừa chất chứa những sóng ngầm những linh hồn những cổ vật những câu chuyện cổ tích từ bao đời, thơ Ngô Kha cũng giống hệt dòng sông Hương thương thiết của anh.
Nhà thơ Ngô Kha (1935 - 1973) Ảnh: T.L
Trong sáng tạo thơ ca và trong số phận Ngô Kha có gì cứ khiến tôi nhớ đến Federico Garcia Lorca - nhà thơ siêu thực và yêu nước vĩ đại của Tây Ban Nha. Lorca cũng làm thơ siêu thực, và cũng đấu tranh chống chế độ độc tài của phát xít Franco, và cuối cùng, cũng bị bọn phát xít thủ tiêu vào năm 1936, đúng như cái cách Ngô Kha đã bị thủ tiêu sau đó 37 năm, vào năm 1973. Hài cốt Lorca và Ngô Kha đều vĩnh viễn không được tìm thấy, vĩnh viễn hài hòa trong Đất Mẹ. Lorca (1898-1936) và Ngô Kha (1935-1973) đều bị thủ tiêu ở tuổi 38. Cả Lorca và Ngô Kha đều có những bài thơ như nhìn thấy trước cái chết của chính mình.
người say rượu lẩm nhẩm một mình
mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp
tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh
người con gái đứng nhìn cánh sao lạc loài
trên nét mặt hiền hòa bất động của em
tôi thấy nốt ruồi son chói lọi
tiếng chim sành hót trong tiềm thức người say rượu
vỏ cây nứt một loài hoa vô sắc
tôi lạc vào miền vô vi
bài diễn văn cuốn theo lớp lá khô
người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ
đêm sửa soạn bài ngụ ngôn của người đãng trí
lá từ giã cành cây làm lễ đọc kinh
người con gái lặng yên xem chúc thư
bó hoa tôi mang đến dòng sông bây giờ đã héo.
Ngô Kha đã nhìn thấy trước cái chết của mình như vậy đó. Nhưng anh không lùi bước, không trốn chạy. Anh bình thản đón nhận cái chết từ những kẻ giết người hèn nhát và giấu mặt. Đúng như cách Lorca đón nhận cái chết của mình từ lũ sát nhân phát xít.
Vì sao lại là thơ siêu thực?
Có lẽ vì thơ siêu thực “đột nhập” được vào những khoảng bất chợt trong tâm hồn sâu thẳm con người, với những hình ảnh mờ chồng tự động và nhiều khi sẫm tối, nó phát hiện cho ta thấy sự phong phú nhiều khi đáng kinh ngạc của đời sống nội tâm một con người, ở đây là một thi sĩ. Thơ siêu thực không dễ làm, và dĩ nhiên, khó hay, nhưng khi đã thành công, thì nó vụt sáng. Đó cũng là phần không thể thiếu được trong thơ ca hiện đại. Khi chọn hình thức thơ siêu thực, một trí thức tranh đấu can trường như Ngô Kha đã chọn cho mình một phương thức biểu đạt không trực tiếp. Thơ Ngô Kha không làm khẩu hiệu xuống đường như thơ Trần Quang Long, nhưng nó cần thiết biết bao cho tâm hồn con người đương đại. Ngay trong cuộc chiến đấu, con người vẫn là một sinh thể vô cùng phức hợp, và thơ siêu thực cũng là một trong những nhu cầu tinh thần của con người. Trong cuộc kháng chiến vì Độc lập Tự do của dân tộc ta, đã xuất hiện nhiều dạng thơ yêu nước, và mỗi dạng thơ đều có đóng góp riêng của mình vào cuộc tranh đấu ấy. Vui mừng biết bao, khi trong dòng thơ lớn ấy, có thơ siêu thực của nhà thơ-liệt sĩ Ngô Kha. Anh chính là một F.G.Lorca của Việt Nam, với cây đàn lya và bài ca lãng đãng trên con đường đơn độc về một miền xa thẳm nào.
Tôi yêu Lorca. Tôi yêu Ngô Kha. Những nhà thơ quý hiếm như luôn sống mãi trong tâm hồn dân tộc mình, trong hành trình về tương lai của đất nước mình. Những kẻ sát nhân luôn bị quên lãng, bị lịch sử bỏ qua. Còn những nhà thơ-liệt sĩ thì luôn được tưởng nhớ bởi nhiều thế hệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.