Bốn nhà văn miền Nam cùng 'lò'

27/11/2016 06:50 GMT+7

Trong một vài bài về lịch sử văn học miền Nam thời kỳ tạm chiếm của Cao Huy Khanh và Võ Phiến... có nhắc đến “nhóm Nhân Loại” (1956 - 1959), “dòng văn học và nông thôn Nam bộ” ám chỉ đến những cây bút đã thành danh từ tờ tuần báo Nhân Loại: Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy và Ngọc Linh.

Một nhà văn bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình ắt hẳn rất cần một tờ báo văn nghệ có cùng chí hướng. Có tờ báo nghĩa là có đất dụng võ, tạo đà cho tài năng phát triển. Noi theo những nhà văn miền Nam đã nổi tiếng như Tô Nguyệt Đình, Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà…, các cây bút trẻ lúc ấy như Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy, Ngọc Linh đã bắt đầu gieo trồng chữ nghĩa của mình trên “cánh đồng” Nhân Loại.
Bước khởi nghiệp của những cây bút đình đám
Nhà văn Trang Thế Hy có truyện ngắn đầu tiên là Bức tranh không bán đăng trên Nhân Loại số 69 (30.8.1957). Ngoài một vài truyện ngắn đăng trên Bách Khoa, ít nhất ông đã có 16 truyện đã đăng trên Nhân Loại như: Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng, Vừng trăng bên kia sông… GS Trần Hữu Tá đã nhận xét: “Trang Thế Hy đã dựng lên những cảnh trí Nam bộ với đặc trưng khó lẫn. Những rặng tràm thưa, những cội vông đồng soi bóng đỏ ối trên gương nước, những xuồng con lắt lẻo trên đồng sâu, những biển cỏ mênh mông xào xạc, những con kinh mùa nắng nước phèn trong như lọc, nhìn thì đẹp nhưng hớp vào chua quéo miệng...”.
Thế nhưng khi có điều kiện Trang Thế Hy cũng không ngần ngại đề cập đến mặt trái của xã hội Sài Gòn đang trượt dài trên dốc của lối sống vật chất chủ nghĩa: cô con gái nhà lành phải nuốt nhục, bán mình nuôi em ăn học, nhưng rồi không chịu nổi sự ô nhục ghê gớm đó, cô gái đã tự tử (Một thiếu nữ không đáng kể).
Nếu như Trang Thế Hy bắt đầu đăng truyện ngắn đầu tiên trên Nhân Loại vào năm 33 tuổi thì Lê Vĩnh Hòa bắt đầu có truyện ngắn đầu tay của mình trên Nhân Loại khi ông 24 tuổi. Hầu như tất cả truyện ngắn của ông viết trong thời kỳ 1956 - 1958 đều đăng trên Nhân Loại, trừ một tùy bút đăng trên báo Bông Lúa. Theo ước tính từ năm 1956 đến khi bị bắt (1958) ông đã sáng tác 29 truyện, tùy bút (và 5 bài thơ) trên báo Nhân Loại. Lê Vĩnh Hòa dùng truyện ngắn của mình để vạch trần sự tàn bạo của cuộc chiến tranh phi nghĩa, đã giết chết những ước mơ giản dị. Ông có cách viết ngắn gọn, cô đọng, phong phú và đa dạng. Thực ra, ông sinh trưởng tại Bình Định nhưng vì đã theo cha vào sống ở xã Vĩnh Hòa (Rạch Giá) từ nhỏ nên ông đã ảnh hưởng lối sống, suy nghĩ và phong cách viết của người miền Nam: giản dị trong ngôn ngữ đối thoại, đôi lúc trữ tình kết hợp với hài hước.
Còn Sơn Nam đã bắt đầu sự nghiệp, để rồi sau này trở thành nhà Nam bộ học, bằng ký sự đường rừng Lên đỉnh Tà Lơn khởi đăng trên Nhân Loại. Tại sao ông chuyên khảo cứu về Nam bộ? Hãy đọc những dòng tâm sự chân thành của ông: “Đọc chơi mấy tập san mua lúc mới lên Sài Gòn, tôi sực nhớ còn một nhu cầu cấp bách về học hỏi. Nếu người ta chú ý đến vai trò con ba khía trong tầng lớp nghèo ở ven biển, tại sao ta không thử nghiên cứu đến những con lươn, con rùa, con ếch, con rắn trong sinh hoạt của dân khẩn hoang vùng U Minh, vùng ven biển Cà Mau… Muốn hiểu hồn dân tộc thì nên xem việc khẩn hoang với những trung tâm văn hóa dân gian, tại sao phát sanh bản vọng cổ…”. Tâm niệm này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời viết văn của Sơn Nam. Và tất cả những Chuyện xưa tích cũ (1958), Tìm hiểu đất Hậu Giang (1959), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963)… đều là những truyện ngắn, biên khảo đã đăng trên Nhân Loại.
Bìa tuần báo Nhân Loại Ảnh: L.V.N
Thư ký tòa soạn 21 tuổi
Nói đến Nhân Loại, ngoài Nguyễn Văn Hiếu, Tô Nguyệt Đình, Trường Xuân Trúc, Nguyên Hùng… không thể không nói đến vai trò “bếp núc” của Ngọc Linh - người làm thư ký tòa soạn năm mới 21 tuổi. Chính danh thì ông có tên trên manchette tuần báo Nhân Loại từ số 41 (15.2.1957) năm ông 26 tuổi. Mặc dầu vậy, ông đã xuất hiện với bài báo viết về một nghệ sĩ cải lương từ số 8, rồi truyện ngắn Tàn một ngọn đèn trên số 11. Từ đó ông thường xuyên xuất hiện với những bài phóng sự như Đồng tiền rắc máu, viết truyện lịch sử bằng tranh. Và tiểu thuyết đầu tay của ông là Trên sông hoàng hôn in vào số 88 (10.1.1958). Đến ngày 22.8.1958, tuần báo Nhân Loại ra bộ mới số 1, khổ 18x21 cm với tính chất là tập san văn nghệ vẫn do Ngọc Linh làm thư ký tòa soạn. Lần cuối độc giả thấy tên ông với nhiệm vụ thư ký tòa soạn là số xuân Kỷ Hợi phát hành vào tháng 2.1959.
Tuy số tác phẩm của Ngọc Linh trong thời kỳ này để lại không nhiều (có lẽ do nhiệm vụ thư ký tòa soạn) nhưng những truyện ngắn và tác phẩm của ông luôn cảnh báo về sự phân hóa suy đồi ở các đô thị miền Nam. Sau này, ông tiếp tục làm cho báo Lẽ Sống.
Phải nói là tất cả những tác phẩm của Sơn Nam, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Ngọc Linh đăng trên Nhân Loại đều được in thành sách. Từ năm 1957, tập truyện ngắn Chiếc áo thiên thanh của 4 tác giả: Lê Vĩnh Hòa (8 truyện), Tiêu Kim Thủy, Viễn Phương, Ngọc Linh - mỗi người 1 truyện được NXB Trùng Dương phát hành. Rồi sau đó Nắng đẹp miền quê ngoại (Văn Phụng Mỹ - Trang Thế Hy) được nhà văn Tô Nguyệt Đình tập hợp từ những truyện ngắn đã đăng trên Nhân Loại để xuất bản. Mái nhà thơ (1964) của Lê Vĩnh Hòa được nhà văn Ngọc Linh đặt in cho người bạn văn của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.