Kể từ tối 23.5, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới ăn cùng đầu bếp Anthony Bourdain tại quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội), quán này đã được gọi vui là quán “bún chả Obama” và “cháy hàng” ngay trưa 24.5 dù Hà Nội mưa nặng hạt. Trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp hôm 24.5 tại Hà Nội, ông Obama cũng đề cập đến món ăn đậm đà bản sắc Việt này: “Hôm qua tôi đến thăm phố cổ và được ăn một món rất ngon là bún chả, uống bia Hà Nội”.
Theo các chuyên gia truyền thông, đây là cơ hội quảng bá ẩm thực quốc gia ra thế giới, để món bún chả sẽ được nâng tầm như vị thế của phở và bánh mì. Đặc biệt, cơ hội quảng bá này sẽ nhân lên cao hơn khi đoạn phim truyền hình thực tế có cảnh ông Obama ăn bún chả được phát trên kênh CNN.
Người nước ngoài quảng bá ẩm thực Việt
Báo Politico (Mỹ) có bài viết Obama ăn tối với Anthony Bourdain tại VN, trong đó có đoạn: “Nhân chuyến sang thăm VN, Tổng thống Obama đã nhận lời ghi hình một phân đoạn trong chương trình sắp tới của đài CNN là Anthony Bourdain - Parts Unknown (tạm dịch: Anthony Bourdain - Những vùng đất xa lạ). Cuộc trò chuyện giữa hai người trong quán bún chả sẽ xuất hiện trong tập phim thứ 8 phát trên kênh CNN vào tháng 9 tới, một phát ngôn của CNN cho biết. Nội dung của tập phim ghi hình trong quán bún chả xoay quanh văn hóa ẩm thực VN, những nét chung - riêng so với văn hóa ẩm thực Mỹ và Anthony Bourdain trò chuyện, tìm hiểu mục đích chuyến đi của tổng thống cũng như mối quan tâm của ông với người dân, ẩm thực và văn hóa Việt.
Trang tin CNN (Mỹ) cũng xác nhận thông tin và cho biết Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự chương trình ẩm thực này. Đây là hình thức mới trong chiến dịch tuyên truyền của Nhà Trắng, nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến khán giả Mỹ và toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ẩm thực. Mỗi tập phim, đầu bếp Anthony Bourdain đến một số địa điểm trên thế giới để khám phá văn hóa của nơi đó, chủ yếu bằng cách chia sẻ các món ăn có nguồn gốc khác nhau”.
Tờ Daily Mail (Anh) đăng: Trên trang cá nhân, Anthony Bourdain đưa thông tin chi phí phần ăn của tổng thống khoảng 6 USD gồm đồ ăn, thức uống tại một quán ăn bình dân với thực khách đông đúc và Bourdain nhận trả tiền. Bourdain viết trên Twitter về bữa ăn tối với tổng thống: “Ghế nhựa thấp, món ăn và bia Hà Nội rất ngon, lại rẻ. Tổng thống sử dụng đũa tuyệt vời”. Tờ Daily Mail bình luận, kỹ năng cầm đũa này có lẽ do Obama từng có thời gian sinh sống với mẹ tại Indonesia cuối thập niên 1960 và đầu những năm 1970.
Anthony Bourdain đã tới Huế, ghi hình cho tập 5 chương trình Anthony Bourdain - Parts Unknown vào năm 2014. Ông thưởng thức nhiều đặc sản xứ Huế như bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc ở quán ăn ven đường và nhà hàng. Ông cũng đã tới thăm chợ Đông Ba, thưởng thức ẩm thực cung đình Huế ở nhà một nghệ sĩ và tham quan làng chài.
Định vị thương hiệu ẩm thực quốc gia
Không phải tới bây giờ chúng ta mới có các cơ hội quảng bá ẩm thực với thế giới. Với vua đầu bếp và chương trình truyền hình Yan Can Cook, hoặc khi Christina Hà đăng quang MasterChef ở Mỹ, chúng ta đã có những cơ hội như vậy. Năm 2015, nhà hàng Old Hà Nội (4 Tôn Thất Thiệp, Hà Nội), cũng đã được giám khảo chính của cuộc thi MasterChef Mỹ, ông Gordon Ramsay chọn để quay chương trình truyền hình thực tế Gordon’s Great Escape. Chương trình này sau đó đã phát trên kênh truyền hình BBC (Anh).
Ông Nguyễn Quang Việt, bếp trưởng nhà hàng Ao Ta, cho biết đúng là Hà Nội hiện vẫn chậm chân trong việc đa dạng hóa, nghiên cứu các món ăn. “Khi tôi làm việc ở Thái Lan, ở đó có một công ty chuyên nghiên cứu về món ăn Thái Lan và xúc tiến quảng bá chúng ở nước ngoài. Ở VN có các hội đầu bếp, nhưng chỉ nhỏ lẻ. Chúng tôi cũng chỉ chủ yếu trao đổi về cách nấu nướng, dạy nấu nướng chứ không quảng bá món Việt có hệ thống”, ông Việt nói.
Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc tư vấn truyền thông tại Sunshine Holdings, cho rằng cơ hội ẩm thực mà ông Obama mang đến nói cho cùng cũng chỉ là cơ hội do người khác tạo ra. Và hiện đó cũng chỉ là cơ hội cho một cửa hàng, hoặc một món bún chả. Muốn xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt, cần có hệ thống, có các hiệp hội, ví dụ Hiệp hội ẩm thực VN. Ông cho biết ở Pháp, có nhiều hiệp hội ẩm thực khác nhau như Hiệp hội Gan ngỗng béo, Hiệp hội Champagne... “Họ đã có thói quen tập trung lại để nhân sức mạnh. Còn chúng ta vẫn chỉ là doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có sự liên kết lẫn nhau”, ông Thành nhận định.
Cũng theo ông Thành, ngoài chương trình quảng bá ẩm thực Việt còn cần có thêm các bộ chuẩn. Chẳng hạn, làm thế nào để chuẩn hóa món nem, món bún chả Hà Nội. “Chúng ta cần có tiêu chuẩn cả về cách trình bày, về độ tươi của nguyên liệu để chuẩn hóa nó”, ông Thành nói.
Ngoại giao ẩm thực, thương mại ẩm thực
Ăn bún chả ở VN, hình ảnh mà vị nguyên thủ quốc gia Mỹ mang lại rất gần gũi. Có thể nói, đó chính là một cách ngoại giao văn hóa, ngoại giao ẩm thực. Trong quan hệ đối ngoại, xây dựng hình ảnh, nhiều nước đã áp dụng chiến lược này. Nhưng không chỉ là ngoại giao, đằng sau nó còn có những hiệu ứng kinh tế, du lịch.
Chương trình ẩm thực Gout de France do Bộ Ngoại giao Pháp tổ chức trên toàn thế giới không chỉ mang đến những bữa ăn ngon. Nó còn là lời chào của nền ẩm thực này tới các vị khách du lịch tiềm năng. Một quốc gia khác, vốn nổi tiếng về những bộ óc kinh doanh là Israel cũng thường xuyên tổ chức các tuần lễ ẩm thực Israel tại VN. Họ mời tới đây những đầu bếp nổi tiếng để giới thiệu món ăn nước mình. Trong tuần lễ mới nhất được tổ chức tại Hà Nội, đại sứ ẩm thực là một siêu đầu bếp - bà Ruthie Russo. Nhưng điều quan trọng hơn, từ những món ăn ấy, người ta hình dung rõ hơn về nền nông nghiệp của Israel. Họ có món xốt vừng tahini để chế ra nhiều món ngon từ salad đến nhân bánh túi. Chà là thơm dẻo và cả những quả cà chua cherie ngọt đến mức có thể nấu mứt.
Cũng sát với Tuần lễ ẩm thực Israel, Đại sứ quán Haiti mời siêu đầu bếp Verna Cynthia sang “biểu diễn” ẩm thực. Đằng sau những món ăn pha trộn nguyên liệu bản địa với chất Pháp và Tây Ban Nha ấy, người ta có thể nhìn thấy lời mời trải nghiệm du lịch một quốc gia.
|
Bình luận (0)