Ca sĩ Khánh Ly trải lòng về tình yêu với áo dài

14/03/2017 15:52 GMT+7

Được khán giả Nhật gọi là 'công chúa áo dài', về lại Việt Nam biểu diễn gần 3 năm đã may gần 100 chiếc áo dài, vì thế Khánh Ly rất sẵn lòng chia sẻ về tình yêu với trang phục duy nhất gắn cùng sự nghiệp.

* Bà có nhớ lần mặc áo dài đầu tiên của mình là khi nào không? Xin bà chia sẻ về kỷ niệm đầu tiến ấy.
- Ca sĩ Khánh Ly: Khoảng đầu thập niên 60, có một ngày Sài Gòn đột nhiên trở rét. Người ta bảo đó là ngày Đông chí. Buổi sáng đi học tôi lại không có áo lạnh. Sài Gòn khi ấy chắc cũng chẳng ai có áo len vì nơi này có bao giờ lạnh đâu. Tôi mò vào tủ áo của Mẹ và tìm được một chiếc áo... lạ, bèn mặc đi học. Ai mà ngờ áo đó là áo dài của Mẹ tôi và càng không ngờ đến bây giờ hơn nửa thế kỷ qua, kiểu áo dài ngày đó lại trở thành "hot" ở thế kỷ 21 này.
Hình ảnh cô Diễm trong Diễm xưa đã đưa tôi đến với chiếc áo dài 1
Với Khánh Ly, trong cuộc đời và sự nghiệp của bà, "âm nhạc là đạo và áo dài cũng là đạo”
* Kể từ lúc nào, bà nghĩ rằng mình sẽ và chỉ mặc áo dài trên sân khấu thôi?
- Năm 1967 khi rời Đà Lạt về Sài Gòn, tôi chưa biết hay nghĩ là sẽ may cho mình một chiếc áo dài. Tôi vẫn mặc áo đầm loại tailleur 2 mảnh. Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn tháng 11.1967 ở Quán Văn, tôi đã mượn bộ váy màu hồng đào của cô em nhưng rồi hình ảnh cô Diễm của ông Trịnh Công Sơn trong Diễm xưa đã đưa tôi đến với chiếc áo dài. Có lẽ tôi là người đầu tiên mặc áo dài dưới đầu gối với quần dài ống xì gà cùng màu. Tôi gọi là áo mini. Kiểu áo này hợp với tuổi trẻ. Rất đẹp…
* Như vậy có thể nói chính âm nhạc Trịnh Công Sơn đã gắn kết hình ảnh chiếc áo dài với sự nghiệp ca hát của bà?
- Ông ấy yêu áo lụa, yêu tóc dài, yêu vai gầy. Ông viết: “Có mặt đường vàng hoa như gấm. Có không gian màu áo bay lên...”. Còn tôi thì yêu ai yêu cả đường đi lối về.
* Nhiều người hay nhắc về hình ảnh bà mặc áo dài đi chân trần hát Diễm xưa trong lần biểu diễn ở Nhật năm 1970, không biết bà còn nhớ nhiều về khoảnh khắc đặc biệt ấy?
- Người Nhật yêu nhạc ông Trịnh Công Sơn và họ rất chú ý đến chiếc áo dài Việt Nam. Tôi đã sướng điên lên khi lúc đó được gọi là "công chúa áo dài”. Cho đến bây giờ tôi luôn tìm cơ hội để được mặc áo dài. Và tôi còn biết thêm có rất nhiều người đến tận bây giờ vẫn nhìn theo chiếc áo dài cùng kiểu tóc để dài của tôi...
Hình ảnh cô Diễm trong Diễm xưa đã đưa tôi đến với chiếc áo dài 4
Hình ảnh cô Diễm trong Diễm xưa đã đưa tôi đến với chiếc áo dài 5
Hơn 50 năm ca hát, hình ảnh Khánh Ly luôn gắn liền với tà áo dài
* Trong “bộ sưu tập” hàng trăm chiếc áo dài của mình, bà “cưng” chiếc nào nhiều hơn, ngoài chiếc áo là kỷ vật gắn với thời con gái mà bà đã tặng cho Bảo tàng Áo dài Việt Nam?
- Tôi biết một điều rằng mọi người chỉ muốn tôi hát thì phải mặc áo dài mà thôi. Và tôi cũng muốn thế. Nên áo dài tôi có nhiều lắm, nhiều người thiết kế cho tôi đủ họa tiết, nhưng rốt cuộc những chiếc một màu trơn, đơn giản thì tôi thấy hợp với mình hơn.
* Bà thường chọn những nhà thiết kế áo dài nào? Và vì sao?
- Lâu nay tôi thường tự lựa vải và không muốn thay đổi nhiều mẫu áo dài. Làm mới áo dài truyền thống Việt Nam thường chỉ làm cho nó... xấu hơn vì nó đã biến dạng, không thể coi đó là áo dài truyền thống Việt Nam được nữa. Thế nên áo tôi thường đơn giản, không cầu kỳ. Ở Mỹ tôi thường đặt áo của Calvin Hiệp và ở Lụa Đào. Khi về hát ở Việt Nam, chương trình đầu tiên ở Hà Nội tôi mặc áo dài của nhà thiết kế Công Trí và sau đó là các em Tiến Doãn, Đức Hùng. Họ lo trang phục cho tôi vì quý tôi...
Hình ảnh cô Diễm trong Diễm xưa đã đưa tôi đến với chiếc áo dài 7
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn
* Kiểu tóc nào của mình khiến bà ưng ý nhất khi mặc áo dài?
- Theo thời gian nhiều thứ đã bỏ ta đi. Nhiều thứ ta không thể làm lại được nên dẫu vẫn luôn luôn mơ ước giữ được mái tóc mà mọi người đã yêu, tôi cũng đành phải ngậm ngùi... Thôi đành vậy. Tôi vừa bước vào tuổi 73 (sinh nhật của bà ngày 6.3 - PV). Nhìn vào gương tôi thấy một bà mẹ Việt Nam nụ cười không còn tươi, chỉ mới hơi heo héo, tóc bới củ hành trông cũng... thương lắm!
* Những lần về nước biểu diễn, thấy bà rất hay mặc áo dài vàng, đó là màu yêu thích hay có ý nghĩa nào khác với bà?
- Đôi khi màu sắc cũng đi theo mùa riêng. Màu nào cũng có cái đẹp riêng của nó. Nhưng, tôi yêu màu vàng. Mà thật ra màu nào tôi cũng yêu, tuy nhiên màu vàng luôn cho tôi cảm giác được an ủi, luôn đưa tôi trở lại với kỷ niệm... Màu vàng cho tôi giữ lại tuổi xuân và khiến tôi không xa rời mộng ước. Tôi luôn cảm thấy ấm áp và tự tin với màu vàng quen thuộc xưa ấy...
* Có vẻ như có một câu chuyện đằng sau “màu vàng quen thuộc xưa ấy”?
- Tôi xin được giữ lại cho riêng mình. Ông bà mình thường hay nói “yêu” thì phải “giấu”.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Ca sĩ Quang Thành, người đã đồng hành 10 năm với Khánh Ly trên chặng đường ca hát lẫn thiện nguyện kể có lần trong buổi quay hình một chương trình, khi mọi người đã sẵn sàng bấm máy thì ca sĩ Khánh Ly yêu cầu dừng lại, chỉ vì các em nữ dàn bè mặc áo dài nhăn tà. Công việc chỉ tiếp tục trở lại sau khi các em ủi thẳng áo. Sau này có nhiều đêm hát ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn... bất kể ca sĩ xưa hay nay khi hát chung chương trình nếu mặc áo dài cũng đều qua khâu “soi áo” của cô. Cô ấy cứ nhất định "với áo dài màu gì cũng đẹp, biến tấu kiểu gì cũng có thể được nhưng vui lòng đừng mặc áo dài nhăn, trông xúc phạm lắm".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.