Cuộc gặp gỡ sau 48 năm

25/11/2015 05:39 GMT+7

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 26.11, chương trình Tạp chí văn nghệ của Hãng phim TFS (HTV9) sẽ giới thiệu về bộ phim tài liệu Cuộc gặp gỡ sau 48 năm (đạo diễn Trần Quốc Sơn).

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 26.11, chương trình Tạp chí văn nghệ của Hãng phim TFS (HTV9) sẽ giới thiệu về bộ phim tài liệu Cuộc gặp gỡ sau 48 năm (đạo diễn Trần Quốc Sơn).

Ông Charlie Plumb (quấn khăn rằn ở cổ) và ông Bảy (đội khăn) tại nhà ở Đồng Tháp - Ảnh: Trần Quốc Sơn cung cấpÔng Charlie Plumb (quấn khăn rằn ở cổ) và ông Bảy (đội khăn) tại nhà ở Đồng Tháp - Ảnh: Trần Quốc Sơn cung cấp
Đây cũng là bộ phim tài liệu dự thi LHP Truyền hình toàn quốc tháng 12.2015 tại Quảng Bình. 
Gặp nhau trên trời
48 năm trước, ngày 24.4.1967, một phi đội chiến đấu cơ F4 của hải quân Mỹ xuất phát từ tàu sân bay Kitty Hawk, trong đó có trung úy Charlie Plumb đã chạm trán với biên đội Mig 17 của Nguyễn Văn Bảy trên bầu trời Quảng Yên. Một máy bay F4 bị Nguyễn Văn Bảy bắn hạ, Plumb bay thoát.
Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936 tại H.Lai Vung (Đồng Tháp), 17 tuổi trở thành du kích. Tính từ trận xuất kích đầu tiên của Nguyễn Văn Bảy vào ngày 7.10.1965 đến hết chiến tranh, Nguyễn Văn Bảy đã 13 lần nổ súng, bắn rơi 7 máy bay Mỹ mà không bị bắn hạ một lần nào (trong khi máy bay Mỹ sử dụng tên lửa hồng ngoại, tự tìm mục tiêu thì Nguyễn Văn Bảy chỉ được trang bị đại bác 37 mm, bắn bằng... mắt thường).
Đạo diễn Trần Quốc Sơn, ông Nguyễn Văn Bảy và Charlie Plumb (từ trái sang)
Đạo diễn Trần Quốc Sơn, ông Nguyễn Văn Bảy và Charlie Plumb (từ trái sang)
Phi công Nguyễn Văn Bảy là một trong 3 phi công đầu tiên được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang (1967). Năm 1990, đại tá Nguyễn Văn Bảy xin nghỉ hưu khi mới 55 tuổi, về quê đào ao nuôi cá, lên liếp trồng cây, sống giữa bà con xóm ấp. Với chòm râu bạc và chiếc khăn rằn Nam bộ, khó ai biết lão nông lấm lem bùn đất này từng là phi công huyền thoại đã bắn hạ 4 chiếc F4, 1 chiếc F8 và 2 chiếc F105.
Joseph Charlie Plumb sinh năm 1942 tại Indiana, tốt nghiệp Học viện Hải quân San Diego và trở thành phi công trong lực lượng hải quân Mỹ. Gần một tháng sau lần “chạm trán” với Nguyễn Văn Bảy trên không phận Bắc Việt và chạy thoát, trong phi vụ thứ 76 của mình (ngày 19.5.1967), máy bay của Plumb bị tên lửa của Sư đoàn Phòng không 361 bắn rơi trên bầu trời Hà Nội . Plumb nhảy dù và bị bắt giam ở Hỏa Lò - nơi được mệnh danh là “Khách sạn Hilton - Hà Nội”. 6 năm sau, trung úy Plumb có tên trong số các tù binh được trao trả theo Hiệp định Paris. Ngày 18.2.1973, Plumb được đưa từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) về căn cứ không quân Clark (Philippines). Charlie Plumb tiếp tục phục vụ trong binh nghiệp, chức vụ cuối cùng là thiếu tá. Khi về hưu, ông đi diễn thuyết ở nhiều nơi và trở thành một diễn giả được yêu thích. Ông cũng là tác giả của 2 cuốn sách I’m no hero (Tôi không phải là người hùng) và The last domino (Quân bài domino cuối cùng).
Và hội ngộ dưới đất
Gần đây, Plumb có đọc được cuốn Không chiến trên bầu trời VN 1965 - 1975 nhìn từ hai phía của trung tá không quân Nguyễn Sỹ Hưng (bản dịch tiếng Anh). Tác giả cuốn sách kể: “Charlie Plumb nhớ vào chiều ngày 24.4.1967 ở vùng trời đó, ông đụng độ 3 chiếc Mig 17, trong đó có 2 chiếc màu tối, 1 chiếc màu sáng. Ông nói có cách gì tìm được danh tính những người đó. Tra cứu tư liệu thì tôi biết đó là biên đội của Nguyễn Văn Bảy. Plumb quyết định sang VN gặp lại “cố nhân”.
48 năm sau, khi chiến tranh đã lùi xa, họ mới thật sự biết mặt nhau trong bữa tiệc hội ngộ ở một miền quê sông nước Đồng Tháp với thịt gà thả vườn, cá dưới ao và rượu tự nấu. Bộ phim tài liệu Cuộc gặp gỡ sau 48 năm của đạo diễn Trần Quốc Sơn (dài 2 tập, phát sóng trong tháng 12.2015 trên kênh HTV9) về cuộc gặp gỡ giữa Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, nay đã thành lão nông Bảy Lúa, với viên cựu thiếu tá phi công hải quân Mỹ Charlie Plumb.
Đạo diễn Trần Quốc Sơn chia sẻ: “Tất cả những hình ảnh, nhân chứng chúng tôi quay ở Hà Nội, Đồng Tháp, TP.HCM, Thanh Hóa... đều đong đầy cảm xúc. Đoàn làm phim cũng gặp khó khăn do thời gian ông Plumb lưu lại tại Đồng Tháp và TP.HCM chỉ vỏn vẹn 2 ngày mà rất nhiều cảnh quay phải thực hiện cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngoài ra tư liệu về thời trẻ của 2 nhân vật chính rất khó tìm, phải liên hệ từ nhiều nơi và từ nhiều nguồn. Bộ phim là niềm tự hào với những chiến công không tưởng trước đối phương hùng mạnh, của phi công VN nói chung và anh hùng Nguyễn Văn Bảy nói riêng. Đó còn là sự chia sẻ với nỗi xúc động vô bờ của gia đình phi công Mỹ Charlie Plumb khi chứng kiến giây phút ông được trao trả, trở về nhà với hình hài nguyên vẹn”.
Cựu thiếu tá phi công Charlie Plumb xúc động nói: “Ông Bảy là anh hùng. Ông ấy mời tôi về nhà chơi, gặp vợ ông ấy nữa; và đãi tôi bằng một loại rượu do chính tay ông ấy nấu, đó là rượu cây nhà lá vườn, rất ngon. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi có một gia đình luôn gần gũi gắn bó, yêu thương nhau. Lịch sử đã đứng về phía các bạn khi cuối cùng các bạn đã giành được độc lập thống nhất đất nước. Cả hai bên phải chịu nhiều đau thương. Các bạn có những câu chuyện của các bạn, chúng tôi cũng có những câu chuyện của chúng tôi. Nhưng cả hai bên bây giờ đều là bạn bè. Và tôi rất vui mừng nhận thấy hai đất nước của chúng ta đã cùng nhau phát triển mối quan hệ rất tốt đẹp”.
Từng là kẻ thù của nhau, giờ đây họ thanh thản bắt tay nhau như hai con người đều đã làm tròn nghĩa vụ với đất nước mình, cùng may mắn sống sót qua cuộc chiến để thấm thía giá trị của hòa bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.