Dân thiết kế không mặn mà cuộc thi lễ phục

23/09/2013 03:05 GMT+7

Cuộc thi tuyển chọn thiết kế lễ phục nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phát động chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết thời gian nhận mẫu, nhưng đến nay dường như vẫn còn... khá im ắng.

Cuộc thi tuyển chọn thiết kế lễ phục nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phát động chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết thời gian nhận mẫu, nhưng đến nay dường như vẫn còn... khá im ắng.

Dân thiết kế không mặn mà cuộc thi lễ phục
Trình diễn trang phục áo dài - Ảnh: Bạch Dương

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đơn vị đảm trách thực hiện cuộc thi, thừa nhận nhiều nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp trong nước dường như không mấy mặn mà với cuộc thi này.

“Đứng ngoài để bàn tán”

 

Chúng tôi thấy băn khoăn trước hiện tượng nhiều nhà thiết kế thời trang Việt không tham gia cuộc thi

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

“Chúng tôi rất kỳ vọng các nhà thiết kế thời trang VN cùng tham gia cuộc thi tuyển lễ phục nhà nước vì họ giàu kinh nghiệm và sát sao nhất về thời trang. Tuy nhiên, qua thăm dò với những người trong nghề, chúng tôi thấy băn khoăn trước hiện tượng nhiều nhà thiết kế thời trang không tham gia cuộc thi. Có lẽ họ không đủ bản lĩnh để dám chơi trong cuộc chơi này, e ngại sự thắng thua về giải thưởng sẽ làm tác động ít nhiều, thậm chí mất đi thương hiệu họ đang có. Họ đã chọn cách đứng ngoài để bàn tán, bình phẩm hơn là bước vào cuộc thi như người trong cuộc”, ông Thành nói.

Ông Thành cho biết, 20 mẫu lễ phục được chọn từ vòng sơ khảo sẽ được đầu tư tiền bạc để các thí sinh thiết kế thực hiện bằng chất liệu vải thực tế, tổ chức mặc thử và trình diễn với quyết tâm chậm nhất tới tháng 12 sẽ chọn được mẫu lễ phục thống nhất cho cả nước.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng nhìn nhận, nhiều nhà thiết kế chưa nhiệt tình tham dự cuộc thi, dù đây là dự án lớn và cũng là trách nhiệm của các nhà thiết kế đối với đất nước. Tuy nhiên, ông nói: “Tôi nghĩ lời mời cao hơn mâm cỗ. Với những nhà thiết kế hàng đầu hiện nay thì lời mời, cách mời sẽ thuyết phục họ hơn là những chuyện khác”.

 

Tôi nghĩ lời mời cao hơn mâm cỗ. Với những nhà thiết kế hàng đầu hiện nay thì lời mời, cách mời sẽ thuyết phục họ hơn là những chuyện khác

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Kéo dài thêm thời gian

NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), người từng thiết kế phục trang cho không ít bộ phim truyện và truyền hình, lại cho rằng thời gian sơ khảo nhận mẫu thiết kế chỉ 2 tháng (1.8 - 1.10.2013) là quá ngắn, lo ngại sẽ làm giới hạn ý tưởng sáng tạo của người dự thi và gây khó khăn cho việc thực hiện mẫu thiết kế, đó là chưa kể tới độ chênh nhau từ khi bản vẽ trên giấy lên mẫu thật. “Một cuộc thi quan trọng như vậy sao không thể kéo dài rộng rãi thêm thời gian sơ khảo cho mẫu thiết kế”, bà Hà đề xuất. Trong khi đó, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng thời gian 2 tháng để thực hiện mẫu thiết kế trên giấy là đủ.

Để giải đáp những băn khoăn về vấn đề thời gian thiết kế, Cục trưởng Vi Kiến Thành xác nhận sau ngày 5.10 vẫn kéo dài ít nhất 1 tuần để tiếp tục nhận mẫu từ các địa phương gửi tới qua bưu điện. Các mẫu được chọn vào chung khảo sẽ có đủ thời gian rộng rãi để thực hiện trên chất liệu thật, hoàn toàn không quá bí bách về thời gian như một số thí sinh e ngại.

Lại tranh cãi

NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà góp ý rằng lễ phục nhà nước nên sử dụng chất liệu mới như chống nhăn, chống nhàu, nhằm bảo đảm tính nghiêm túc của bộ lễ phục, đồng thời giảm thiểu được chi phí, đưa vào sử dụng trong thực tế rộng rãi hơn. Bà Hà cũng cho rằng lẽ ra cuộc thi nên tập trung vào một tiêu chí là lễ phục truyền thống để thí sinh dự thi không bị phân tán.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu - nghệ nhân Trịnh Bách, người phục dựng hiện vật cung đình triều Nguyễn, lại nhận xét việc thi thiết kế lễ phục truyền thống là không cần thiết, vì đã có nguyên mẫu áo dài truyền thống của người Việt từ hàng ngàn năm mà thế giới không có. Tuy nhiên theo ông, khoảng 20 năm qua áo dài cho nam giới đã bị mai một nhiều, nét nam tính, trang trọng bị biến mất, thay vào đó là sự thõng thượt, õng ẹo, ẻo lả. Bên cạnh đó, khăn đóng trước đây lẫn vào tóc, trông trang trọng, nam tính nhưng ngày nay do làm không đúng nên người sử dụng trông bị ngố đi.

Còn theo nữ đạo diễn Nguyễn Hải Anh (biên kịch - đạo diễn bộ phim tài liệu 24 tập Đi tìm trang phục Việt): “Có thể sử dụng nguyên xi trang phục truyền thống VN thời kỳ đầu thế kỷ 20 vào mẫu lễ phục ngày nay, tức là đàn ông mặc áo dài khăn đóng, phụ nữ mặc áo dài nhưng không chiết eo, để eo rộng. Có thể bỏ khăn đóng vì khăn hơi nặng do có nhiều lớp quấn và dễ gây cho người đội cảm giác bị đè xuống, bị đàn áp xuống bởi khuynh hướng Nho giáo trước kia. Chất liệu sử dụng có thể là tơ tằm hoặc cotton, sẽ đem lại cảm giác mát mẻ, nhẹ và giá thành rẻ”.

Ngọc Bi

>> Sẽ đưa các mẫu lễ phục Nhà nước ra lấy ý kiến công chúng
>> Tìm lễ phục truyền thống và hiện đại
>> Thị trường bán lẻ phục hồi?
>> Lễ phục liệu có u hóa ?
>> Cấp bách tìm kiếm lễ phục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.