Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Nền hành chính xứ Đàng Ngoài

20/05/2016 06:00 GMT+7

Xứ này trước kia là một trong những tỉnh thuộc đại quốc gia Tàu và theo luật pháp Trung Hoa, nhưng rồi từ khi dân ở đây quật cường nổi lên khôi phục nền độc lập tự chủ thì có thay đổi trong chế độ quân chủ.

Cuộc tổng khởi nghĩa đã đưa một ông vua mới lên ngôi. Ngài tùy tiện, tùy ý cân nhắc và xét xử rất nhiều sự việc mà không cần hỏi ý kiến ai. Thật ra trong các đại sự, ngài thường bàn với các cố vấn.
Vì thế trong triều có Viện tối cao, gồm một số đông tiến sĩ quyết định và tối hậu xét xử những vụ thuộc dân chính, hình sự. Viện này có thể bác bỏ án các quan và tòa án thành lập ở các tỉnh. Ngoài viện này thì quan tổng trấn trong mỗi tỉnh có chức vụ cũng như quyền hành, có thể xử tử nếu là trường hợp phải thi hành ngay, nhất là khi tỉnh đó cách xa triều đình. Thế nhưng những vụ tử hình thường được gửi về Viện tối cao. Nói chung thì việc thi hành pháp lý trong nước này thu vào hai thủ lĩnh, một thuộc hàng văn và một thuộc hàng vũ (võ). Hàng văn thì có các tiến sĩ giải thích pháp luật, họ luôn mặc áo dài màu đen, đầu đội mũ đen có cắm cành lá cọ, trừ khi đến chầu chúa, lúc đó họ chỉ được mặc áo theo chức vụ nhưng màu tím. Còn hàng vũ thì là những người có khả năng chọn ngành các tướng lãnh để xử kiện, họ đi đâu cũng mang võ khí. Đó là những tổng trấn các tỉnh, thường được chọn trong các hoàng tử hoặc hoàng gia và các tướng lãnh chính yếu trong nước, mỗi vị được kèm thêm một tiến sĩ là phó và cố vấn trong các vụ xử án.
Ngoài ra còn hai tòa án đặt ở tỉnh lỵ mỗi tỉnh. Một là tòa cao cấp hơn để xử những vụ quan trọng gọi là nha tố, hai là tòa thấp hơn để xử những vụ thông thường gọi là nha hiến, cả hai đều dùng chung cho toàn tỉnh. Ngoài hai tòa án chung cho tỉnh còn có ba tòa án riêng phụ thuộc lẫn nhau. Thấp hơn là trong mỗi huyện những công dân và những kỳ mục để xử những vụ thuộc dân sự giữa người đồng hương. Từ tòa này có thể nại tới tòa cao hơn gọi là nha huyện gồm chừng mười hay mười hai huyện có một quan riêng gọi là cai huyện để xử những vụ đưa tới tòa. Từ tòa này có thể nại thẳng lên tòa cai phủ và sau đó có thể nại thẳng tới tòa đã nói ở trên chung cho toàn tỉnh. Lý do sự phân chia về pháp lý này là vì tỉnh quá rộng lớn, phải chia nhỏ ra cho người khiếu nại ở địa phương. Tòa cai phủ được trao cho một quan hoặc một tướng lãnh chính yếu, có thể so về chức với bá tước hay hầu tước của ta. Và mỗi phủ lại chia thành huyện như chúng tôi đã nói, dưới quyền một quan, có thể so với nam tước của ta. Sau cùng mỗi huyện gồm một số xã có một quan cấp dưới gọi là cai xã có thể so với các lãnh chúa của ta. Thế nhưng những so sánh về các chức tước tôi đưa ra ở đây thì không hoàn toàn đúng. Những vị này chỉ có chức vụ cai trị khi sinh thời, không có quyền truyền lại cho con và cả những trấn thủ các tỉnh thường cũng được giữ nhiệm vụ trong ba năm.
Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Nền hành chính xứ Đàng Ngoài 2
Tiền Vĩnh Thọ thông bảo đời vua Lê Thần Tông, thế kỷ 17
Tiền bạc trao đổi trong nước
Ở nước này người ta không đúc tiền như ở Trung Quốc, trừ tiền bằng đồng. Người Đàng Ngoài dùng vàng và bạc để buôn bán những hàng hóa quan trọng, nhưng họ không dùng vàng bạc giáp khuôn hay cối đúc, chỉ chặt thành miếng hay thành thỏi sau khi nấu trong lò. Về bạc họ dùng trong việc thương mại, thường là bạc nén, tương đương với mười ecu, còn về vàng thì nhẹ hơn nhiều, về giá thì tùy theo trọng lượng, tùy theo giá cao hay thấp.
Hơn nữa về bạc, không bao giờ nhận mà không cho thử và cân trước. Nếu ai còn nghi ngờ về vàng hay bạc tốt xấu thì có quyền đập ra thành mảnh con để dễ nhận hơn.
Còn thứ tiền đồng trao đổi giữa người Đàng Ngoài thì có hai loại, loại lớn hay loại bé. Loại lớn thông dụng trong khắp nước và đa số do thương gia Tàu đem tới, xưa kia do người Nhật nữa. Còn loại nhỏ thì chỉ dùng trong kinh thành và trong bốn tỉnh ở chung quanh chứ không dùng ở Đàng Trong. Tất cả loại tiền đồng, lớn hay bé đều nhẵn và tròn, khắc bốn chữ trên mặt và tất cả đều có lỗ ở giữa, để dùng dây xỏ vào như thường lệ. Vì thế mỗi dây buộc chừng sáu trăm hoặc mười lần sáu mươi có đánh dấu để phân biệt mỗi sáu chục đồng. Như vậy rất thuận tiện để quàng vào cánh tay hay khoác lên vai khi đi chợ, không cần dùng túi như chúng ta, chỉ dùng dây mà thôi. Còn về giá của thứ tiền này, thì chưa bao giờ chắc chắn và hay thay đổi, theo quy luật cung cầu trong nước. Do đó mấy năm trước đây một trăm tiền đồng lớn giá bằng năm đồng nhỏ. Nhưng vào một thời gian khác, giá những đồng này thay đổi và cao hơn vì trong nước có ít bạc hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.