Đạo diễn Phan Đăng Di: 'Nếu không ra biển, sẽ tụt lại trong ao'

14/12/2015 12:23 GMT+7

"Nếu chúng ta không nỗ lực và đoàn kết thì chỉ vài năm nữa thôi chúng ta sẽ bị điện ảnh Camphuchia bỏ lại phía sau như đã từng bị bỏ lại bởi các hàng xóm khác", đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.

"Nếu chúng ta không nỗ lực và đoàn kết thì chỉ vài năm nữa thôi chúng ta sẽ bị điện ảnh Camphuchia bỏ lại phía sau như đã từng bị bỏ lại bởi các hàng xóm khác", đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.

Các nhà làm phim trẻ và các giảng viên trong khóa học Gặp gỡ mùa thu - Ảnh: N.V.C.CCác nhà làm phim trẻ và các giảng viên trong khóa học Gặp gỡ mùa thu - Ảnh: N.V.C.C

Không có sự hỗ trợ tài chính của nhà nước, khóa học Gặp gỡ mùa thu (GGMT) do các cá nhân tự nỗ lực tổ chức, đạo diễn Phan Đăng Di là một trong những người khởi xướng. Gặp gỡ mùa thu đang cho ra lò lứa đạo diễn mới, bắt đầu tiếp cận với liên hoan phim quốc tế.

Khóa học GGMT năm thứ ba vừa diễn ra trong tuần qua, đạo diễn Phan Đăng Di đã dành cho PV Thanh Niên cuộc trò chuyện về những trăn trở của anh với điện ảnh Việt và thế hệ làm phim trẻ.

“Chúng ta vẫn là một nền điện ảnh vô danh”

* GGMT đã bước sang năm thứ ba và thu được những trái ngọt. Nhiều nhà làm phim trẻ trong nước bước ra từ đây đã tiếp cận được với các liên hoan phim quốc tế. Đến giờ, những tín hiệu lạc quan ấy đã khiến những người “lao tâm khổ tứ” để GGMT ra đời có thể thở phào chưa?

- Đạo diễn Phan Đăng Di: Không đâu, không ai trong ban tổ chức chúng tôi có thể thở phào được. Và nói chung, nhìn vào thực lực của nền điện ảnh chúng ta hiện nay, tôi nghĩ ít ai có thể thở phào. Chúng ta vẫn là một nền điện ảnh vô danh trước thế giới. Chúng ta có 90 triệu dân, có một nền văn hóa hết sức đa dạng, một lịch sử lẫm liệt, bi thương và cũng đang trong những bước chuyển mạnh mẽ để hòa nhập với thế giới hiện đại, tất cả những chất liệu đặc biệt và hiếm có đó lẽ ra phải biến thành vàng cho điện ảnh, vậy mà chúng ta thực sự chẳng thấy vàng đâu. Và nếu thế, đó chắc chắn là lỗi của tất cả chúng ta.  

Có một điều chúng tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại với các bạn trẻ ở GGMT rằng, nền điện ảnh của chúng ta thực sự chẳng được biết đến, rằng khi các bạn đi được một bước thì đồng nghiệp của các bạn ở ngay hàng xóm thôi đã đi được bốn, năm bước rồi. Hãy nhìn sang Camphuchia mà xem! Nền công nghiệp điện ảnh ở đó gần như đang phải xây lại từ đầu, nhưng họ đang có một thế hệ các nhà làm phim trẻ cực kỳ năng động, giỏi tiếng Anh, không ngại xông pha ra thế giới và đặc biệt rất đoàn kết. Nhìn vào các bạn để thấy nếu chúng ta không nỗ lực và đoàn kết thì chỉ vài năm nữa thôi chúng ta sẽ bị điện ảnh Camphuchia bỏ lại phía sau như đã từng bị bỏ lại bởi các hàng xóm khác.

Nếu không ra biển, sẽ bị bỏ lại trong ao

* Có vẻ như lo ngại của anh là đúng vì những người ngoài cuộc cũng nhận thấy sự chuyển dịch của những người trẻ trong lĩnh vực này vẫn còn chậm, hay anh đang dẫn họ đi theo cách “chậm mà chắc”?

- Có những việc thực ra không vội được, chẳng hạn như phải đến năm thứ ba, chúng tôi mới có thể mạnh dạn chuyển dần lớp đạo diễn sang giảng bằng tiếng Anh và mở cửa cho cả các học viên quốc tế. Những bước đi như vậy là để cho các nhà làm phim trong nước có thời gian chuẩn bị hơn, ít nhất là mặt ngoại ngữ. Nhưng cũng mừng là khả năng đáp ứng của các học viên Việt Nam hóa ra nhanh hơn chúng tôi tưởng. Như năm nay, các bạn trong lớp đạo diễn trao đổi và giao tiếp các vấn đề học thuật bằng tiếng Anh lưu loát, các buổi pitching (chào hàng) dự án phim nghệ thuật cũng diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, với một ban giám khảo quốc tế. Chất lượng của các buổi học và chào hàng theo phản hồi của các khách mời quốc tế là rất tốt. 

Ngay cả các cựu sinh viên của GGMT hai năm đầu tiên, tuy việc thành thạo tiếng Anh chưa phải yêu cầu bắt buộc, nhưng thực tế hai năm qua khi các bạn như Trần Dũng Thanh Huy, Đô Quốc Trung, Võ Thạch Thảo bắt đầu đươc mời tham dự các chợ dự án hay các liên hoan phim quốc tế sau GGMT đã tự thấy, để tham dự vào cuộc đua điện ảnh toàn cầu hiện tại, các bạn không thể bình chân như vại nữa.

Chính các bạn chứ không phải ai khác phải tự nói tiếng Anh để kết nối với hệ thống, để tìm lấy cơ hội làm phim. Khi đã bước chân vào hệ thống này, dù muốn dù không, các bạn cũng không thể chậm được nữa. Vì nếu các bạn không đủ tự tin và đủ phương tiện (ngoại ngữ, sự thích ứng với hoàn cảnh) để bơi ra biển lớn thì hoặc các bạn sẽ chìm, hoặc sẽ bị bỏ lại trong ao thôi.

Phan-Dang-DiĐạo diễn Phan Đăng Di (giữa) hướng dẫn diễn viên trong bộ phim Cha và con và... được đề cử giải thưởng Gấu vàng

* GGMT là “cuộc chơi” của những cá nhân, liệu có dễ “ba chìm bảy nổi”?

- Sáng tác mới là việc cá nhân nhưng việc tập hợp các nhà làm phim lại trong một hoạt động trao đổi nghề nghiệp và giao lưu quốc tế như GGMT thì hoàn toàn chẳng phải việc cá nhân nữa. Ba năm qua, chúng tôi tồn tại và phát triển được là nhờ vào một tinh thần tương thân tương ái vì nghệ thuật của tất cả các thành viên tham gia, các đối tác và các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Cứ sau mỗi năm, các giảng viên và học viên lại bịn rịn khi phải chia tay.

Một khóa học ngắn ngủi trong hơn một tuần, tại một thành phố xinh đẹp và thanh bình có tên Đà Nẵng hóa ra lại trở thành ký ức khó quên không chỉ với các bạn trẻ đang hăm hở bước những bước đầu tiên trên con đường làm phim mà còn với cả những người thầy đã chinh chiến khắp đông tây, có thành tích được biết đến rộng rãi trên thế giới. Đó là vì, bất kỳ ai chia sẻ một tình yêu điện ảnh thuần khiết đều nhận ra, chính những khóa học như thế này sẽ nuôi dưỡng sáng tạo, khuyến khích tinh thần ái hữu giữa những người làm nghề để hướng đến một thứ điện ảnh văn minh, nhân văn. Thiếu đi tinh thần đó, điện ảnh sẽ chỉ còn là cái võ rỗng hào nhoáng, hoặc tệ hơn một món hàng không hơn không kém.

Rất may là sau buổi bế mạc GGMT năm nay, chúng tôi tiếp tục nhận được những cam kết hợp tác từ các cá nhân như đạo diễn Trần Anh Hùng, những đối tác truyền thống như Ủy ban Điện ảnh Quốc gia Hàn Quốc - KOFIC, Học viện Điện ảnh Quốc gia Hàn Quốc - KAFA đến các nghệ sĩ điện ảnh trong nước, các hãng sản xuất, phát hành phim...

Những cam kết này là động lực không chỉ cho ban tổ chức chúng tôi tiếp tục chương trình GGMT mà quan trọng hơn là cho các nhà làm phim trẻ, những người đang cần những cơ hội thực tế, cụ thể để bắt đầu sự nghiệp của mình. "Ba chìm bảy nổi" là một thực tế mà bất kỳ người làm phim nào rồi cũng phải đối mặt, vì bản chất của công việc này vốn đầy rủi ro và bất trắc. Nhưng nếu biết đoàn kết và tận dụng được mọi sự hỗ trợ, thì những chìm nổi đó sẽ nhẹ đi và được hóa giải. Chúng tôi tin vào điều này.

* Anh chờ đợi gì vào những “cuộc chơi” tiếp theo của mình?

- Tôi vẫn tiếp tục những dự án phim riêng của mình bên cạnh công việc giảng dạy, mùa hè này nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ khởi quay Tiệc trăng tròn, dự án phim thứ ba của mình. Tôi cũng đang chuẩn bị dự án phim chiến tranh có tên All my Daughter đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu, dài hơi và phức tạp. Ngoài ra, cả ê kíp GGMT chúng tôi đang tích cực đi tìm cơ hội cho dự án của các học viên GGMT mà trước mắt là Cha Cha Cha của Đỗ Quốc Trung, Thằng Ròm của Trần Dũng Thanh Huy và Lam của Lê Bảo. Rất nhiều việc phải làm nhưng tất cả chúng tôi đều đang sẵn sàng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.