"Đêm lạnh chùa hoang" hoài niệm một thời

23/08/2009 23:30 GMT+7

Sân khấu Vàng dựng lại vở Đêm lạnh chùa hoang, diễn vào tối 20.8.2009, gây quỹ trao tặng căn nhà tình thương thứ 27 cho bà con nghèo. Khán phòng đông kín người, và vẫn hoa, vẫn pháo tay, vẫn nụ cười rạng rỡ...

Thật sự đây là kịch bản ăn khách của đoàn cải lương Kim Chung vào thập niên 70 (thế kỷ 20), nên sau 40 năm được tái dựng xem ra khán giả đã rất "nhớ nhung". Nhiều khán giả chỉ được nghe qua băng đĩa mà cũng thuộc lòng từng bài bản trong vở. Cho nên, không ít người đã cất giọng ca theo nghệ sĩ trên sân khấu, và chân thì nhịp theo từng tiếng song loan.

Khách quan mà nói, về nội dung thì không có gì quá đặc sắc bởi đây là một vở hương xa, nhưng về bài bản trong vở, từ bản vắn tới vọng cổ, đều được soạn giả Yên Lang viết rất chuẩn mực nên người mới tập tành ca cũng không đến nỗi gặp khó khăn, và chất tình tứ, ngọt ngào của ngôn từ khiến người ta dễ rung động, thấm thía.

Có thể nói, không biết bao nhiêu người đã từng thổn thức cất lên: "Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu. Ta gối đầu trên đá, thèm giấc mơ yêu. Đắm hồn vào mộng liêu trai. Để yêu em được trọn lòng. Không ngăn cách bởi biên thùy... Sầu đêm này và ngàn đêm nữa đi. Em vẫn yêu vẫn yêu một mình anh. Dù mai này tình đôi phương cách ngăn. Ngủ đi anh một giấc mơ thần tiên...". Điều đó lý giải tại sao kịch bản mới chỉ diễn được vài suất rồi thôi, trong khi kịch bản cũ cứ lấy ra "xài lại" mà khán giả vẫn mua vé xem hoài.

Chúng ta ngồi trách ai đây khi chúng ta chưa có chiến lược giúp cải lương tiếp cận với lớp trẻ, tiếp cận đến mức các em phải hát được vài bài bản thì các em mới thấm, mới yêu. Và đừng bắt cải lương phải "đao to búa lớn" như kịch hay phim, chỉ nên xoáy vào chất trữ tình, ngọt ngào để người ta hát trong rung động là đủ lắm rồi.

Khán giả gặp lại NSƯT Lệ Thủy trong vai Hồ Bảo Xuyên và NSƯT Minh Vương trong vai Tần Lĩnh Sơn quen thuộc, như tìm lại những ký ức rất đẹp. Hai nghệ sĩ này giọng ca và nét diễn vẫn khá thanh xuân, hơi hám còn khỏe lạ lùng. Khán giả vỗ tay từng chặp. Đặc biệt nghệ sĩ Tuấn Thanh vai Cao Nguyên Bình cũng hát rất hay bằng giọng trầm ấm, luyến láy điệu nghệ, vượt cả lòng mong mỏi của khán giả. Lâu lắm mới thấy anh xuất hiện, trông vẫn phong độ.

Có nghĩa là mừng cho những "cố nhân", ai nấy đều U.60, U.70 nhưng còn sức đứng trên sân khấu gặp lại những "cố nhân" ngồi dưới khán phòng. Những người bạn cũ gặp nhau, đôi bên đều già, đều gắng hoài niệm một thời vàng son của cải lương. Không biết rồi mai này có còn ai ngồi nghe lại những điệu Sương chiều, Tú anh... ngọt ngào ấy nữa! Thế cho nên, có lẽ cũng bỏ qua cho nhau khi thấy nghệ sĩ mình yêu mến không còn vung tay kiếm mạnh mẽ như xưa, đường gươm nào cũng chỉ vờn như... múa. Tuồng hương xa, chiến trận lẽ ra đao kiếm phải vèo vèo, vũ đạo gọn gàng, nhanh nhạy, đằng này xem mà bắt... tức cười! Không biết khán giả trẻ có chấp nhận hay không, hay lại khó chịu vì thấy không đúng tên "tuồng kiếm hiệp"? Bán cái vé đâu phải dễ dàng, người mua là thượng đế, có quyền đòi hỏi. Người trẻ đâu phải "cố nhân" mà thông cảm!

Chuyện trang phục cũng lắm điều suy nghĩ. Đành rằng vở hương xa thì phải nhiều màu sắc, phải cách điệu, biến tấu, nhưng vẫn thấy băn khoăn làm sao với những bộ đồ Mông Cổ và Tống triều lộn xộn màu sắc, tây ta. Nhớ cải lương xưa, thiếu vải vóc, chất liệu, coi vậy mà có vẻ "thật" hơn. Bây giờ ren, nhung, da bóng, lông chồn, kim tuyến, lưới, xoa, voan, giày bốt, cao gót, hài mũi cong... chen nhau đến ngỡ ngàng. Chợt nghĩ, có ai học trường sân khấu mà chuyên tâm làm một luận án, luận văn, hay công trình nghiên cứu gì gì đó chuyên về trang phục cải lương? Rồi có một xưởng trang phục tử tế, thiết kế bài bản, đừng để nghệ sĩ tự phát "sắm tuồng" dễ dãi. Lớp trẻ hoặc người trí thức mà đi xem cải lương vài lần như vậy coi chừng họ sẽ "dị ứng". 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.