Di tích ngàn năm phơi nắng chờ... giải tỏa mặt bằng

14/04/2017 06:35 GMT+7

Sau nhiều năm khai quật, di tích duy nhất trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng, kiến trúc lại đang phơi nắng chờ... giải tỏa.

Di tích Chăm Phong Lệ được đánh giá tiêu biểu tại Đà Nẵng nhưng để tìm ra không phải dễ, bởi trên các tuyến đường dẫn về khu di tích ở P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ hầu như không có bất cứ chỉ dẫn nào. Ông Nguyễn Văn Khương (73 tuổi), một người dân sống cạnh khu di tích cho biết, từ khi khai quật xong vào năm 2012, chỉ một phần hố được che tạm mái tôn, phần còn lại cứ thế nằm phơi nắng mưa. Nhiều hiện vật bằng đá nằm lăn lóc, thậm chí có hiện vật đang phải ở tạm trong vườn nhà dân cạnh đó.
Năm 2011, lần đầu tiên Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện khai quật khảo cổ trên diện tích 200 m2 và mở 5 hố, phát lộ 2 di tích lớn đồng thời thu thập được 58 hiện vật. Đợt thứ 2, bảo tàng tiếp tục khai quật trên diện tích 500 m2. Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết kết quả khảo cổ cho thấy di tích có 3 ngôi tháp Chăm với niên đại khoảng 1.000 năm. Hố thiêng có kích thước 4,2 x 4,2 m với đầy đủ các đặc điểm kiến trúc, vật thiêng trấn yểm tiêu biểu.
Ông Lê Kim Anh, cán bộ văn hóa UBND P.Hòa Thọ Đông, nhìn nhận việc bảo vệ di tích Chăm Phong Lệ hiện vẫn chưa thỏa đáng. Các hố sau khi khai quật chỉ được bảo vệ sơ sài. “Hiện có 2 hộ dân sống trên nền di tích thuộc diện phải giải tỏa. Nhưng đến nay công tác di dời vẫn chưa triển khai xong khiến người dân rất sốt ruột vì nhiều năm qua muốn làm nhà hay cơi nới đều không được. Địa phương chỉ nhắc nhở, vận động người dân không xâm hại di tích và ghi nhận kiến nghị của người dân để phản ảnh lên cấp trên chứ cũng không có giải pháp nào tốt hơn vì kinh phí hạn chế”, ông Kim Anh nói.
Di tích ngàn năm phơi nắng chờ... giải tỏa mặt bằng 1
Một hiện vật được kê tạm trong vườn nhà dân cạnh di tích Ảnh: Hoàng Sơn
Chờ quy hoạch mới
Kể từ khi có quyết định phê duyệt quy hoạch khu di tích Chăm Phong Lệ, đã gần 4 năm trôi qua mà di tích này vẫn phơi mưa nắng chờ quy hoạch. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT, cho rằng do đây là công trình khảo cổ học liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích nên cần phải làm hết sức cẩn trọng. Một nguyên nhân chậm trễ nữa, theo ông Hùng, là do ngành chuyên môn chưa tích cực triển khai. Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, vào năm 2015, Sở VH-TT-DL cũ (nay là Sở VH-TT) đề xuất mở rộng ranh giới quy hoạch thêm 17.000 m2 ngoài vùng lõi di tích 2.653 m2 đã được phê duyệt trước đó. Đến cuối năm 2016, hồ sơ mới hoàn chỉnh và được sở trình lại UBND TP xem xét. Ngày 3.3 vừa qua, Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ và đang nghiên cứu để báo cáo UBND TP.
Theo tờ trình của Sở VH-TT vào ngày 23.2.2017 về quy hoạch tổng thể khai quật và bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích, vị trí quy hoạch gồm 3 khu vực với quy mô lên đến 20.000 m2. Tuy nhiên, để tiến hành khai quật thì đòi hỏi quy hoạch phải được phê duyệt, chưa kể phải đạt được thỏa thuận với người dân thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất. Một cán bộ Sở VH-TT cho hay hiện có 13 hồ sơ liên quan, bao gồm 2 hộ dân thuộc diện phải giải tỏa nhà; trong đó mới có 6 hộ dân chấp thuận nhận tiền đền bù.
“Sau khi hoàn thành quy hoạch, khai quật đồng thời hoàn tất các thủ tục giao đất, chúng tôi sẽ kiến nghị công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.