Tòa nhà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nếu xây 21 tầng, cách hồ Gươm 300 m, nhiều khả năng sẽ biến hồ trở thành đáy giếng trời.
Hồ Gươm - Ảnh: Ngọc Thắng |
TS-KTS Khuất Tân Hưng, Phó trưởng bộ môn di sản, ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: “Hồ Gươm là di sản văn hóa quốc gia nhưng cảm giác còn quá nhỏ trong tương quan với công trình xung quanh. Thậm chí, từ hồ nhìn lên trên hay xung quanh sẽ có cảm giác như nhìn từ đáy giếng trời”, ông Hưng nói.
Nhiều tiền lệ xấu
Tòa nhà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện là một công trình cao 4 tầng, được xây dựng thời Pháp thuộc (công trình xây dựng trước năm 1954) tại số 164 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ba mặt tòa nhà giáp phố Lò Sũ, phố Hàng Vôi, phố Trần Quang Khải, gắn bó với không gian phố cổ, phố cũ của Hà Nội. Trong quá trình sử dụng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cải tạo và xây dựng thêm mới 1 công trình phía đường Trần Quang Khải.
|
Công văn số 7963/UBND-QHKT ngày 9.11.2015, UBND TP.Hà Nội thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về xây dựng công trình cao tầng (tối đa 21 tầng) để bổ sung diện tích trụ sở làm việc cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội hiện đang gửi văn bản xin ý kiến Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TP về công trình sắp xây này. “Để lựa chọn phương án có hình thức kiến trúc đóng góp hiệu quả, tăng giá trị kiến trúc trong khu vực trung tâm TP, các phương án quy hoạch kiến trúc cần được tham vấn Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TP để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đơn vị tư vấn hoàn thiện phương án quy hoạch kiến trúc với chất lượng cao”, văn bản nêu rõ. Trong cả hai phương án được đưa ra xin ý kiến, tòa nhà này sẽ có tối đa là 21 tầng.
“Cái tốt nhất là không chất tải lên khu phố cổ, phố cũ nữa”, PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN nói. KTS Hoàng Thúc Hào, người từng nhận giải thưởng kiến trúc về kiến thiết không gian xung quanh hồ Gươm cũng cho rằng tốt nhất không nên xây những công trình cao lớn đồ sộ quanh hồ và vùng phụ cận. Tuy nhiên, điều này dường như đã muộn. Tiền lệ là tòa nhà của Vietcombank, tòa nhà BIDV, cũng ở trên tuyến đường Trần Quang Khải này.
KTS Nguyễn Hoàng Phương, chủ nhân của nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, đánh giá: “Nếu cao 21 tầng thì tòa nhà sẽ chắn hết hướng đông của hồ Gươm. Xây một bức tường cao từng đó lên chỉ cách hồ 300 m thì quá khủng khiếp”. Ông Phương nói, theo chuẩn quốc tế, việc xây những tòa nhà ở hướng đông và tây sẽ che ánh sáng của khu vực.
Mặc dù vậy, ông Khuất Tân Hưng cho rằng: “Nhưng ngay cả khi có tiền lệ thì cũng không có nghĩa là mình lại tiếp tục cho phép làm việc đó. Không thể để việc công trình xây sau không cần hòa hợp với không gian lân cận mãi”. Theo ông, bản thân việc xây tòa nhà đang có nguy cơ trở thành tiền lệ xấu tiếp theo.
Kiến trúc tòa nhà phải hài hòa
Việc không thể tiếp tục để mất không gian di sản hồ Gươm, theo nhiều chuyên gia, nếu không thể tránh được việc xây thì cũng không được để có những tòa nhà phản cảm kiểu như tòa nhà “Hàm cá mập”, tạo thành một khối kính đen lù lù ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, là một điển hình xấu cho tới tận bây giờ dù đã chỉnh sửa.
PGS-TS Nguyễn Quốc Thông cho rằng: “Nếu bắt buộc phải xây thì tầng dưới phải theo ngôn ngữ kiến trúc khu vực đó, để người đi trên vỉa hè cảm thấy sự liên tục của không gian. Hình thức của khối thấp tòa nhà phải thế, không như tòa nhà Vietcombank, hoàn toàn lạc lõng với xung quanh, khi trên phố xinh xắn, bỗng nhiên là cái tường kính, to ngộc nghệch”.
Theo kinh nghiệm quốc tế, ở sát khu phố cổ, nếu xây những công trình lớn thì công trình đó cần được quy hoạch theo hướng giải tỏa mật độ cho phố cổ. Ở Paris, Pháp thì đa số công trình mới phải có thêm chức năng công cộng.
Bình luận (0)