Duyên Dáng Việt Nam 28: Bức họa xuân đa sắc

12/12/2016 05:43 GMT+7

Những mùa xuân vượt qua không gian và thời gian trên khắp mọi miền đất nước được khắc họa bằng âm nhạc trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 28.

Hàng ngàn khán giả đã có mặt trong đêm khai diễn của chương trình vào tối 11.12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Những nét vẽ bằng âm nhạc
Tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng tâm sự rằng ông cảm thấy rất áp lực khi thực hiện chương trình tại Hà Nội và một trong bốn phần của chương trình lại nói về xuân đất bắc. Nhiều khán giả hẳn đã rất tò mò muốn biết một đạo diễn “không sinh ra và lớn lên ở miền Bắc” như Đinh Anh Dũng sẽ làm như thế nào.
Vốn sống của một đạo diễn cộng khoảng thời gian 6 năm sống và học tập cùng 2 lần được đón tết tại Hà Nội giúp Đinh Anh Dũng tạo nên một mùa xuân đất bắc đủ lãng mạn và sâu lắng chạm vào trái tim những người đã và đang sống trên mảnh đất này. Ở đó, người ta bắt gặp dáng hình của những thiếu nữ “em như cô gái hãy còn xuân” (Gái xuân - nhạc Từ Vũ, thơ Nguyễn Bính), “ngây thơ dáng huyền đến trong mơ” (Mộng chiều xuân - Ngọc Bích), những chợ phiên ngày xuân, và cả nỗi lòng của những người con xa Hà Nội. Nếu không có sự tinh tế thì thật khó tạo nên một bức tranh xuân đất bắc. Tiếng hát của Khánh Linh và Tấn Minh hòa cùng tiếng đàn tranh trầm bổng trong Chiều phủ Tây Hồ (Phó Đức Phương), Một thoáng Tây Hồ (Phú Quang) khiến người nghe như chạm được vào sự linh thiêng, tĩnh lặng của Hà Nội.
Tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng và Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Lê Quang đã vẽ nên bức tranh xuân tròn trịa, dẫn khán giả qua những miền xuân ở miền Trung, miền Tây, miền Nam, lên đến những vùng cao. Mỗi miền rõ rệt từng sắc màu với những chất liệu âm nhạc khác nhau, như màu bolero nhuộm sắc xuân miền Nam, những âm thanh của núi rừng qua tiếng kèn của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mang sắc xuân trên những rẻo cao...
Mùa xuân của lịch sử
Nhạc sĩ Lê Quang đã chia sẻ, những ca khúc trong chương trình được lựa chọn một cách kỹ càng để tạo nên câu chuyện xuyên suốt có chủ đề xuân với bốn phần: Xuân đất Bắc, Xuân phương Nam, Những mùa xuân không thể nào quên và Xuân đoàn viên. Không phải ngẫu nhiên âm nhạc của Phạm Duy và Văn Cao được lựa chọn để mở đầu và âm nhạc của Phạm Đình Chương được lựa chọn khép lại chương trình. Tình ca của Phạm Duy với bốn giọng ca đầy nội lực Đức Tuấn, Tấn Minh, Hồ Trung Dũng, Trọng Bắc cùng dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng khiến bất kỳ người con nước Việt nào cũng thấy rưng rưng tự hào về xứ sở: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Ca khúc mở đầu chương trình như một bản hùng ca, để sau đó Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao vang lên như khúc nhạc vui rộn rã của đất nước, và những mùa xuân vui cứ mãi nối dài với Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương.
Để có những mùa xuân vui, đất nước đã trải qua cả những mùa xuân mất mát. Những mùa xuân không thể nào quên là khúc xuân bi hùng của dân tộc. Trên sân khấu, đoạn phim tư liệu khiến người ta rùng mình khi chứng kiến sự hủy diệt ghê rợn của kẻ thù, ánh đèn đỏ phủ xuống những con người đã nằm xuống, hay đang cố gắng để vượt qua nỗi đau thương. Giữa những bi thương ấy, tiếng dương cầm của người nhạc sĩ vang lên: “Em ơi Hà Nội phố...”. Cách mà người Việt vượt qua những mất mát của chiến tranh khiến người ta thấy nhẹ nhàng như tiếng dương cầm. Cuộc đối thoại giữa kèn saxophone (Trần Mạnh Tuấn), guitar (Quang Lê) và trống (Khắc Triệu) như một lần nữa khiến người ta thấy rõ sự lạc quan của con người ở mảnh đất này.
Tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng và nhạc sĩ Lê Quang đã cùng làm việc với ê kíp trong hàng tháng trời. Những nghệ sĩ như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Thu Minh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Khánh Linh, Hà Anh Tuấn, Tấn Minh, Đức Tuấn, danh ca hải ngoại Elvis Phương, Duy Trường và những ca sĩ trẻ như Pha Lê, Thu Hằng, Tố My... không hát những ca khúc “tủ” quen thuộc của mình, mà mỗi người đều góp cho bản hòa ca chung của Duyên dáng Việt Nam. Không thể không nói đến sự đầu tư về mặt sân khấu của chương trình với màn hình led biến ảo, khi là cả một vườn sen, khi là những ngôi nhà cổ liêu xiêu, khi là những con đò ra khơi lúc bình minh... đã tạo nên không gian 3D sống động. Trong thời điểm hiện tại, khó có thể tìm được một chương trình âm nhạc nào “chịu chơi” như Duyên dáng Việt Nam khi đưa một dàn nhạc giao hưởng, dàn dây và ban nhạc lên sân khấu. Đó không chỉ là việc tốn kém kinh phí "khủng" mà còn đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu, chuyên nghiệp và đẳng cấp trong chất lượng nghệ thuật.
Sự kết hợp giữa âm nhạc, múa, hoạt cảnh, trình diễn thời trang điểm tô những màu sắc khác nhau ở mỗi miền xuân, nhưng vẫn tạo nên một bức tranh xuân thật hài hòa. Những người con của mảnh đất này, trẻ và già, hay những người con đang xa xứ đều có thể tìm thấy mùa xuân của mình ở đó.
Sau Hà Nội, Duyên dáng Việt Nam 28 sẽ đến TP.HCM. Chương trình diễn ra vào ngày 14.1.2017 tại Nhà thi đấu Quân khu 7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.