Thông điệp mà Dũng muốn gởi đến mọi người: “Chúng ta chỉ có mẹ một lần trong đời, đừng vì bất kỳ điều gì mà sống hờ hững với người đã yêu thương ta đến tận cuối đời. Hãy nói lời yêu thương đến những người thân trong gia đình khi mình còn có thể”.
Hồ Trung Dũng cho biết, đây còn là món quà âm nhạc hoài niệm về người mẹ kính yêu đã khuất của anh. Bài hát chủ đề MV Đi xa do chính Hồ Trung Dũng sáng tác bằng một cảm xúc rất thật dành cho mẹ mình.
Nhân dịp này, Hồ Trung Dũng đã dành riêng cho PV Thanh Niên những nỗi lòng, những chia sẻ thầm kín nhất mà từ khi vào nghề đến giờ anh ít bao giờ thổ lộ. Một cảm xúc khiến người nghe không ít lần bất ngờ lẫn nhói tim.
|
Má là người thân “duy nhất” của tôi.
Câu chuyện của Hồ Trung Dũng bắt đầu từ hình ảnh gia đình không hạnh phúc của anh. “Nhiều người hay nhìn tôi và nghĩ cuộc sống tôi an nhàn, có lẽ vì tôi giỏi che giấu đi những nỗi buồn của mình. Thật ra, cuộc sống gia đình tôi không thật sự ấm êm khi ba má tôi không hạnh phúc từ rất sớm. Từ năm lớp sáu, gia đình tôi đã lục đục. Từ khi ba má cãi nhau, đến ly thân rồi ly dị là một quá trình mệt mỏi mà không đứa con nào muốn chứng kiến. Những trận cãi vã góp phần khiến má tôi bị bệnh tim và chứng bệnh này cũng là nguyên nhân khiến má rời xa tôi mãi mãi. Ba tôi thì không quan tâm nhiều đến những người xung quanh. Tôi cũng không dựa dẫm nhiều vào anh trai của mình vì tôi biết họ cũng có cuộc sống và gia đình riêng. Tôi gần như chỉ còn má là người thân duy nhất trên đời”.
|
|
Hối hận lớn nhất đời là đã không nghe lời má… bỏ học
Một khởi đầu câu chuyện gần như quá buồn với Hồ Trung Dũng. Hình ảnh một chàng ca sĩ hay cười, luôn nhẹ nhàng lạc quan, yêu đời có vẻ khác lắm một người luôn có nhiều tâm trạng từ tuổi thơ. “Những năm tôi đi du học Đức là lúc má tôi phải chống chọi với căn bệnh tim. Khi đó, tôi hoàn toàn biết về căn bệnh của má nhưng việc phải vĩnh biệt người thân là một thứ gì đó còn mơ hồ, nghe như chuyện sẽ xảy ra với ai khác chứ không phải xảy ra với mình. Và tôi vẫn nghĩ rằng tôi còn có thể sống với má ít nhất mười mấy năm nữa. Năm tôi khoảng 19 tuổi, trong một lần về nhà nghỉ hè, đó cũng là lần đầu tiên mà má nói với tôi: “Thôi con ở lại với má đi, đừng đi học nữa”. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ nghe má nói câu đó. Má tôi là người rất chú trọng về giáo dục, rất muốn con mình được học cao, học rộng, trở thành tiến sĩ, giáo sư và đó là lần đầu má muốn tôi ở nhà và bỏ học. Lúc đó tôi chưa hiểu và đã dùng đến sự giúp đỡ của nhiều người thân và bạn bè để thuyết phục má cho tôi đi học tiếp, cuối cùng má tôi đã đồng ý. Lần cuối cùng tôi cầm vali bước lên taxi, má tôi đứng ở trên lầu nhìn xuống, không dám bước ra, chỉ dám he hé nhìn thôi và ánh mắt má thì buồn lắm. Lúc đó, chút nữa thì tôi đã cầm lòng không được mà quay vào, nhưng rồi tôi lại thuyết phục bản thân rằng tôi đang làm đúng, tôi sẽ học thật nhanh và trở về với má sớm, bà má nào mà chẳng như thế khi con đi du học!
Không biết là hên hay xui, ở Đức năm đó bão lụt rất lớn, nước dâng cao làm hư hại toàn bộ hệ thống giao thông công cộng. Tôi vì muốn tiết kiệm cho má đã thuê nhà cách xa trường đến tận hai giờ đồng hồ và việc đi lại trở thành một chặng đường gian nan. Hôm đó, trời lạnh xuống 5 độ C, mưa gió thì rả rích suốt ngày, tôi phải đi bộ hàng giờ dưới mưa để đến được các trạm xe buýt và mòn mỏi chờ đợi cả tiếng mà không hề biết là các tuyến xe vì lụt nên đã bị hủy. Sau bao gian nan trong cô đơn vượt qua mưa giông và gió rét, tôi cũng về được đến nhà khi trời đã khuya. Ngày hôm sau, cổ họng tôi sưng vù và hoàn toàn tắt giọng. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được cảm giác của má - cảm giác sắp chết đến nơi và không còn gì quan trọng trên đời này nữa. Khi đó tôi mới biết là mình muốn bên cạnh ai, và vì sao một người mê học như má tôi lại muốn con bỏ học. Ngay sau đó, tôi đặt vé máy bay để trở về Việt Nam và chỉ ba tháng sau thì má tôi mất. Có lẽ tôi phải cám ơn ông trời vì đã cho tôi trải qua cảm giác tuyệt vọng cùng cực tại Đức, nhờ vậy tôi đã kịp về với má những tháng cuối đời”.
Người viết cũng quá bất ngờ với câu chuyện mà Dũng từng nghĩ sẽ không nói ra. Nhưng cảm giác khi nhớ về mẹ mình, nhớ về người thân yêu duy nhất làm anh không còn giấu riêng cho mình nữa.
Dũng nói tiếp: “Ở tuổi hai mươi, chúng ta háo thắng và đặt những mục tiêu rất khác cho cuộc đời. Hiện tại, khi bước qua tuổi ba mươi, nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ chẳng bao giờ chọn cách ra đi như năm ấy. Dù rằng tôi vẫn kịp về với má nhưng tôi luôn cảm thấy ân hận khi đã để má phải trải qua cảm giác tuyệt vọng nhìn con trai sắp rời xa mình mà lại chẳng thể làm gì để níu kéo nó lại”.
Sau ngày má mất, Dũng kể, anh không hề rơi một giọt nước mắt nào. Những người đến đám tang mẹ anh hẳn thấy quá ngạc nhiên vì anh chẳng những không khóc, mà lại còn… cười. Những người không thật sự thân thiết, họ nắm lấy tay Dũng động viên rằng: “Nhìn Dũng thế này mình cũng thấy yên tâm phần nào!”. Những người bạn, người chị thân thiết thì chỉ nói với Dũng: “Nhìn Dũng cười mà thấy kỳ kỳ thế nào đó!”.
“Khác với cái đau trong tình yêu, nó đến ngay, rất nhanh và những tác động của nó là thứ mà cơ thể của bạn có thể hoàn toàn cảm nhận được, nhưng nỗi đau mất người thân thì nó là một sự… trống rỗng kinh khủng. Có lẽ khi nỗi buồn đạt đến tột độ, thì nó trở nên trống rỗng chứ không còn là nỗi buồn nữa. Tôi đã từng nghe nhiều người kể về chuyện ba má họ ra đi, tôi cảm thấy buồn nhưng không đồng cảm cho đến khi thực sự trải qua cảm giác ấy. Nỗi đau mất người thân là sự hụt hẫng khi bạn luôn cảm thấy như họ vẫn ở quanh mình. Tất cả mọi thứ trong nhà vẫn vẹn nguyên và thân thuộc như thể chốc nữa họ vẫn sẽ cùng ngồi ăn cơm với bạn hoặc mở cửa đón bạn về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng rồi tâm trí bạn được thức tỉnh và nhận ra sự thật là họ chẳng còn tồn tại trên cõi đời này”, Dũng kể.
Nhưng rồi gần hai năm sau ngày mẹ anh mất, Dũng không khóc dù chỉ một lần. Thế nhưng hằng đêm anh chẳng thể ngủ được: “Tôi chỉ biết ra ban công, đứng lặng thinh nhìn lên bầu trời trong gần ba mươi phút rồi lại quay trở vào trong. Chuỗi ngày đó cứ lặp đi lặp lại trong suốt hai năm, cho đến một ngày cũng như bao ngày, khi tôi cũng đang nhìn lên bầu trời với một tâm trạng trống rỗng thì không biết nước mắt từ đâu trào ra và tôi… khóc nức nở. Khi đó, tôi đã gọi cho người chị thân thiết của mình, chị ơi, em vừa khóc. Người chị ấy chỉ nói một câu, chúc mừng em, cuối cùng em cũng khóc được!”. Lần khóc đó ít nhiều giúp tôi giải tỏa cảm xúc, dù vậy nỗi đau mất má vẫn theo đuổi tôi âm ỉ, dai dẳng đến tận bây giờ. Nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ và bật khóc vì nhớ má, và má luôn là người tôi nghĩ đến nhiều nhất khi cô đơn. Sự chia ly với người thân, dù chỉ mới xảy ra một lần nhưng vẫn tác động không nhỏ con người và tính cách của tôi đến tận bây giờ. Tôi có xu hướng khi yêu thương ai sẽ sợ đánh mất người đó. Tôi chỉ muốn yêu những người đã từng trải qua nỗi đau mất người thân giống như tôi, và tôi luôn tìm cách “trốn chạy” mỗi khi dịp tết đến. Tôi sợ phải trải qua cảm giác những ngày cận tết tôi phải chạy show liên tục, được khán giả vây quanh và tôi cảm thấy mình được yêu thương thật nhiều. Nhưng khi ngày tết thực sự đến tôi phải trở về với ngôi nhà cô đơn không bóng người của mình và nhìn loạt quảng cáo và chương trình tràn ngập hình ảnh đoàn tụ gia đình hạnh phúc lòng tôi nhói đau”.
Những ai còn mẹ xin đừng làm mẹ buồn
Nỗi đau mất người thân khi mà chưa trải qua thì khó lòng mà hiểu được, vậy nên tôi vừa thương vừa tức với những người bạn của mình khi mà họ còn cơ hội để ở cạnh mẹ nhưng lại không biết trân trọng những giây phút quý báu này. Dũng vẫn hay nói với những người bạn của mình: “Làm việc bớt bớt lại, dành thêm thời gian cho má đi!”, “Lâu lâu có về quê thì ráng ghé qua thăm má tí”… nhưng có lẽ trong mắt họ Dũng chỉ là thằng bạn thật phiền phức. Dù vậy, Dũng chẳng những không cảm thấy thất vọng, mà còn xem đó là động lực để thực hiện tốt dự án cộng đồng thông qua album Trong tim luôn có mẹ. “Tôi không biết rằng, sau dự án này, sẽ có bao nhiêu người con thay đổi và yêu mẹ mình hơn, nhưng dù chỉ một người, hai người, tôi vẫn thấy vui vì ít ra tôi biết đã có một - hai người mẹ được hạnh phúc. Một nguyên do khác thôi thúc tôi thực hiện dự án về mẹ lần này chính là tôi muốn má tôi có thể tự hào về đứa con trai của mình. Má đã từng không ủng hộ tôi trở thành ca sĩ vì lo sợ tôi sẽ sa vào các cám dỗ showbiz, qua dự án này, má tôi, dù đang ở một nơi xa nào đó, sẽ thấy rằng con trai của má chẳng những vượt qua được điều má lo lắng mà còn dùng nghề nghiệp mà nó yêu thích mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người má khác”, Dũng kết lại câu chuyện trong ánh mắt đã bớt đi nỗi buồn.
|
|
Bình luận (0)