Học lịch sử ở di tích

01/12/2016 06:11 GMT+7

Thay vì những bài giảng “chay” trên lớp, nhiều học sinh ở Hải Phòng được học lịch sử ở các di tích bằng những chuyên đề sinh động và nhiều sắc màu.

Được làm trạng nguyên, nhân sĩ


Nhìn các em say mê dàn dựng lại các trận đánh, tích sử, tôi mới thấy khiến học sinh yêu sử không khó, quan trọng là làm thế nào thôi

Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên môn lịch sử, Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng

Trên sân khấu đặt tại đình Hàng Kênh, Q.Lê Chân, một cậu học trò trong vai danh sĩ Phạm Sư Mạnh đời nhà Trần mặc bộ quần áo quan lại triều đình làm lễ bái ân sư Chu Văn An. Bên dưới, hàng trăm cô cậu học trò say mê theo dõi lời thoại. Sau đó, lần lượt các câu chuyện về trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trạng nguyên Lê Ích Mộc, trạng nguyên Trần Tất Văn được các em nhập vai và thể hiện nhuần nhuyễn, chuyển tải nhiều kiến thức.
Theo cô giáo Nguyễn Hồng Sim, Hiệu phó Trường THCS Trương Công Định, Q.Lê Chân, đây là các buổi học lịch sử với chuyên đề Tìm hiểu và phát huy truyền thống hiếu học của nhân dân. Để có được buổi học ở sân đình, các thầy cô phải xây dựng giáo án từ đầu năm học nhằm làm sao “tiết kiệm” được 6 tiết học. Sau khi chọn đề tài, thầy cô giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh để các em tự tìm hiểu kiến thức cơ bản, rồi đưa học sinh đến các di tích. Cuối cùng, thầy trò cùng nhau chọn kịch bản, dựng hoạt cảnh, coi như một báo cáo về chuyên đề.
Cô giáo Đỗ Thị Bình, giáo viên Trường THPT Trương Công Định, cho biết: “Học sinh rất hào hứng. Khi chúng tôi chọn người đóng các hoạt cảnh, các em học sinh tranh nhau làm. Các em còn tự nhập vai thi với nhau xem ai diễn tốt hơn. Có em không được chọn nên buồn mấy ngày liền đến nỗi phụ huynh phải gọi điện hỏi tôi nguyên nhân. Em được chọn thì đứng trên lớp tuyên bố: Tớ sẽ phải cố gắng học như Phạm Sư Mạnh”.
Học sinh học lịch sử tại đình Hàng Kênh (Q.Lê Chân)
Khơi niềm hứng thú với sử Việt
Cũng tại Trường THCS Trương Công Định, 1 tháng 1 lần học sinh sẽ được ra đình Hàng Kênh chơi trò chơi dân gian, học viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Các em còn được đi tham quan đình, chùa, di tích trong thành phố. “Chúng tôi muốn các em học sinh hiểu rõ nơi mình sống, chứ sống ở phố Mê Linh mà không biết đền Nghè thờ ai thì buồn lắm”, cô Sim nói về ngôi đền thờ nữ tướng Lê Chân có một mặt nhìn ra phố Mê Linh.
Cũng ở Q.Lê Chân, thầy trò Trường THCS Trần Phú đang tích cực chuẩn bị cho tiết học sử tại di tích. Thầy giáo Nguyễn Văn Công cho biết: “Chúng tôi chọn chủ đề là hệ thống hành chính quốc gia VN thời phong kiến. Nghe thôi đã thấy khó và khô rồi. Thế nhưng khi triển khai theo cách mới, mọi chuyện lại rất thú vị”. Theo đó, thầy cô sẽ hướng dẫn học sinh vẽ “cây hành chính” làm bản lề kiến thức. Sau đó, học sinh được đến Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (H.Kiến Thụy), Khu di tích Tràng Kênh (H.Thủy Nguyên). Để báo cáo, mỗi nhóm học sinh sẽ chọn cho mình một triều đại rồi dựng hoạt cảnh một buổi thiết triều. Một số em đóng vai các nhà sử học như Phan Huy Chú, Ngô Sĩ Liên ngồi trên sân khấu hỏi đáp với học sinh toàn trường các câu hỏi liên quan đến đề tài. “Ngày xưa cháu cứ thắc mắc sao nhà Trần có đến 2 vua. Bây giờ thì cháu biết đó là vua và thái thượng hoàng. Sắp tới cháu sẽ đóng vua Trần Thánh Tông, bạn Đinh Hồng Minh sẽ làm Thái thượng hoàng Trần Cảnh”, em Đào Ngọc Trâm, học sinh lớp 7C10 Trường THCS Trần Phú, cười tít mắt nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên môn lịch sử Sở GD-ĐT, việc xây dựng các chuyên đề học sử ở di tích được triển khai từ năm 2013 theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Theo đó, mỗi tháng sẽ có một trường làm chuyên đề cấp thành phố, còn chuyên đề cấp trường thì làm liên tục. Làm về ai, chủ đề gì thì tổ chức ở di tích gắn liền với danh nhân, sự kiện đó. Từ tháng 9.2016, đã có các chuyên đề: Tiếng trống Kim Sơn tổ chức ở đình làng Kim Sơn, xã Tân Trào nói về phong trào chiếm kho thóc của phát xít Nhật ở Kiến Thụy; Kiến Thụy xưa và nay ở Trường THCS Đại Hợp, H.Kiến Thụy; Vương triều nhà Mạc ở Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc; Kiến An mảnh đất anh hùng của Phòng Giáo dục Q.Kiến An; Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Trường THPT Q.Ngô Quyền.
“Nhìn các em say mê dàn dựng lại các trận đánh, tích sử, tôi mới thấy khiến học sinh yêu sử không khó, quan trọng là làm thế nào thôi”, bà Hoài nói. Được biết, cách học sử này sẽ áp dụng cho tất cả các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Sau khi kết thúc năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục TP.Hải Phòng sẽ tổng kết và thi các tiết mục xuất sắc nhất trong các chuyên đề.
Học sử là môn đặc thù với nhiều sự kiện có dữ liệu ngày tháng năm khó nhớ. Vì thế, việc giáo viên vận dụng mọi khả năng phù hợp để chuyển tải kiến thức đến học trò là điều cần thiết. Điều đó phụ thuộc khả năng và tài năng của từng giáo viên. Còn vấn đề kịch chẳng qua là hình thức thôi. Còn nội dung của nó thì không thay đổi. Nghĩa là sân khấu hóa lịch sử đấy. Nói nôm na là vừa học vừa chơi. Các sân chơi trên truyền hình cũng vậy.
Tuy nhiên cần lưu ý, giáo viên phải đóng vai trò cố vấn cho các em về kịch bản, về lịch sử. Ngay cả các câu hội thoại, nhiều khi các em ngẫu hứng, đùa có thể trở thành sai lệch lịch sử. Chỉ vài câu “chém gió” có thể mất đi tính nghiêm túc của lịch sử thậm chí xuyên tạc lịch sử. Cũng nên chọn bài hợp với hình thức chuyển tải đó chứ không thể bài nào cũng làm như vậy.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên chuyên sử Phan Bội Châu, người nhiều năm dạy đội tuyển quốc gia môn lịch sử
Đây là một cách để học trò tự học với nhau, học đi đôi với hành. Nhưng cần lưu ý khi tìm tài liệu trên mạng, vì các tài liệu đó cũng có nhiều cái sai. Vì thế, thầy cô có thể giới thiệu sách tham khảo là sách truyện lịch sử để các em dựa trên đó để xây dựng kịch bản. Thậm chí, các em có thể là biên kịch và thầy cô góp ý chữa cho các em. Cũng có thể quay clip các tiết mục đó lưu làm tài liệu để các em xem lại cho vui, và trao đổi giữa các trường với nhau. Điều đó làm các em hứng khởi khi học sử.
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học
Trinh Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.