Khi đất sét có tình…

23/05/2017 15:23 GMT+7

Nếu mang theo hành trang là một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu thương và sự chân thành, bạn có thể chinh phục được tất cả những nơi mình đi qua.

Đó là phương châm sống của cô gái Đà Lạt, người đang điều hành cơ sở hoa đất...
Trong hàng chục gian sản phẩm nghề thủ công truyền thống mở trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ nam sông Hương (TP.Huế) trong những ngày diễn ra Festival nghề truyền thống Huế (kết thúc hồi đầu tháng 5), có một gian hàng đã níu chân hàng ngàn khách. Đó là nơi trưng bày và trình diễn sản phẩm hoa làm bằng chất liệu... đất sét, của HTX Hoa đất sét thời gian đến từ TP.Đà Lạt.

tin liên quan

Quyến rũ đất sét 'hóa' thành... hoa
Hàng trăm người, trong đó có không ít người Huế 'khó tính' đã dừng thật lâu, thậm chí quay về nhà rồi vẫn trở lại gian hàng trưng bày hoa bằng đất sét của một phụ nữ đến từ Đà Lạt.
Chị Lê Thanh Bình, một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử ở Huế, đã quay lại “quầy đất sét” lần thứ 2 trước khi chủ nhân rời Huế. Tình cờ gặp chúng tôi tại quầy, chị Bình thổ lộ: “Nhìn vào hoa, có vẻ như chưa được hoàn mỹ lắm, nhưng phải nói là có hồn. Tôi nghĩ tay nghề các bạn rất là cao, bởi làm các sản phẩm này không hề đơn giản tí nào”. Điều gây chú ý ở chị chính là nét gần gũi và “bắt nhịp” đời sống của những sản phẩm làm từ đất. Phía sau những tác phẩm ấy là việc làm cho sinh viên mới ra trường và câu chuyện khởi nghiệp.
Điều hành HTX Hoa đất sét thời gian là Đỗ Trương Phương Vân, 38 tuổi. Cùng tham gia chuyến đi Huế còn có 2 nữ sinh viên ĐH Đà Lạt. Đây chỉ là số ít trong hơn 20 học viên học nghề miễn phí tại cơ sở của chị Phương Vân ở 36 Phù Đổng Thiên Vương, P.8 (TP.Đà Lạt). Nhóm cô trò Phương Vân đến Huế lần này còn ấp ủ ý định quảng bá về cơ sở truyền nghề cho người khuyết tật. Chính vì thế, ngoài hàng trăm sản phẩm mô phỏng hàng chục loài hoa cỏ, cây trái y như thật, còn có một lá thư ngỏ trên khổ giấy A4 gửi cho khách, ngỏ ý mời gọi tiếp học viên khuyết tật, khiếm thính, có hoàn cảnh đặc biệt hãy đến với cơ sở Hoa đất sét thời gian để được học nghề miễn phí.
Đoàn Thị Như Ý, một trong số hàng chục học viên, khi lên TP.Đà Lạt nhập học hồi năm 2016 đã may mắn tìm đến với cơ sở hoa đất này. Khi đó, Như Ý đang tìm việc làm thêm... “Em đăng ký, rồi không ngờ bây giờ cùng với mọi người quây quần trong một ngôi nhà, ăn chung, ngủ chung, xưng nhau bằng chị bằng em rất hạnh phúc. Việc học nghề làm hoa từ đất sét không đơn giản, em cứ bị chị Phương Vân la hoài. Phải gần 1 năm sau mới có thể tự chủ làm được mẫu hoa hồng và hoa cát tường”, Như Ý kể.
Một tác phẩm từ chất liệu đất sét Ảnh: Đ.T
Cô chủ Phương Vân không giải thích ngay vì sao lại chọn giúp các học viên có hoàn cảnh khó khăn khi chúng tôi đề cập nguyên do, mà lại chia sẻ những lát cắt số phận của chính mình. Đó là cuộc hôn nhân chóng tan sau khi đã có một con nhỏ. Đó là công việc tưởng yên ổn tại một ngân hàng sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng rồi suýt rơi vòng lao lý phải nghỉ việc... Năm 2014, Đỗ Trương Phương Thủy, 35 tuổi, em gái của Phương Vân khi đến TP.HCM chữa bệnh đã gặp một phụ nữ Thái Lan và được người này truyền nghề làm hoa từ đất sét. Sau khóa đào tạo ngắn hạn nhưng chi phí khá cao, Phương Thủy đủ sức lập cơ sở mới, một thời gian sau giao hẳn công việc cho chị gái trông nom. “Hiện Đà Lạt có 2 cơ sở như thế. Tại cơ sở của mình, học viên đều là con nhà nghèo, một số người còn bị khuyết tật. Doanh thu của hợp tác xã chủ yếu để “nuôi sống” và phục vụ cho lực lượng đặc biệt này”, chị Phương Vân tâm sự.
Sản phẩm Hoa bình bằng đất sét của HTX Hoa đất sét thời gian vừa đoạt giải nhì tại cuộc thi bầu chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2017. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, thành viên ban giám khảo, chia sẻ: “Đất sét là một trong những chất liệu cho nghệ thuật tạo hình mới. Sản phẩm hoa của các bạn ấy đánh lừa được thị giác, nhìn vào y như thật, có tình và sống động”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.