Khi gió mùa đã nổi

12/10/2014 02:00 GMT+7

Sau thành công của lễ hội âm nhạc Gió mùa - Monsoon Festival Music đầu tháng 10 vừa qua tại Hoàng thành Thăng Long , cơ hội để Hà Nội có tên trên bản đồ các thành phố tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên đang mở ra.

Nhóm Năm Dòng Kẻ - Ảnh: Monsoon
Nhóm Năm Dòng Kẻ - Ảnh: Monsoon 

“Bác cứ yên tâm đưa con vào, chừng này tuổi không cần thêm vé. Cháu bán vé thêm cũng được, nhưng nó phí đi”, một phe vé nói với ông Hoàng Lâm, 53 tuổi, đi với cậu út mới lên 10. Vào đêm thứ ba của lễ hội âm nhạc Gió mùa, trước cửa ra vào của Hoàng thành, đi đến đâu cũng nghe hỏi vé thừa.

Ban tổ chức đã bán những vé cuối trong 1 vạn vé của đêm diễn từ non trưa. Với cơ chế “kèm” lượng người dự ước tính hơn 1 vạn trong đêm cuối. Cùng với các nghệ sĩ trong nước như Thanh Lam, Hà Trần, Năm Dòng Kẻ, nhóm Ngũ Cung…, những ban nhạc đến từ Đan Mạch, Anh, Bỉ… đã đem đến cho khán giả Hà Nội những ngày hội âm nhạc không thể nào quên.

“Tôi nghĩ âm nhạc chính là thành công lớn nhất của Gió mùa”, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ trong đêm cuối, trước khi anh ra lời “hiệu triệu” khán giả nhặt rác, giữ vẻ đẹp cho Hoàng thành Thăng Long. Nhưng âm nhạc đã thành công theo một cách rất khác với những liên hoan, biểu diễn âm nhạc thường thấy.

Những người bỏ về nửa chừng trong đêm gió đầu tiên cho thấy, âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung không phải lúc nào cũng vừa tai với mọi người. Ngay cả Hà Trần với dự án âm nhạc mới Bản nguyên cũng vẫn phải “kèm” thêm bài cũ. Sự háo hức với âm nhạc Hàn Quốc của nhiều nhóm nhỏ cũng cho thấy sự xâm lấn của nền văn hóa này trong công chúng trẻ. Nguy cơ từ hấp lực của văn hóa Hàn là có thể làm mờ đi những nền âm nhạc khác.

Nguồn dinh dưỡng mới

Nhưng tất cả những điều đó không thể che mờ được thành công lớn nhất của liên hoan. Ở đó, công chúng được nghe tận tai, xem tận mắt nghệ sĩ vừa hát thật, vừa hổn hển giao lưu, và nằm cả trên sân khấu khi cảm xúc của họ mách bảo phải thế.

Cây guitar huyền thoại Dominic Miller trong đêm lễ hội âm nhạc Gió mùa
Cây guitar huyền thoại Dominic Miller trong đêm lễ hội âm nhạc Gió mùa  

Trước Gió mùa, không phải công chúng không thích xem biểu diễn trực tiếp, nhưng túi tiền không cho phép họ xem chương trình tiền triệu. Vì thế, họ đành lựa chọn game show âm nhạc kèm quảng cáo và chiêu trò. Trước Gió mùa, không một công viên nào trong thành phố cho họ không gian đẫm âm nhạc để vợ gối đầu lên đùi chồng trên cỏ, nhìn ngắm lũ con đang lắc mông theo tiếng nhạc. Trước Gió mùa, ít khi người trẻ được xem một sân khấu đẹp linh động như thế về ánh sáng.

Với cách thức ấy, Gió mùa đã nói với nhiều người, đánh thức nhiều người rằng mình đã quên cách sống trong môi trường âm nhạc, bị “suy dinh dưỡng” về âm nhạc quá lâu. Hồi hộp như game âm nhạc truyền hình thì nhiều đấy, nhưng món tươi sống thì chẳng mấy khi biết mùi.

“Lễ hội âm nhạc trẻ là một xu hướng không xa lạ trên thế giới. Nhưng ở nước ta, nó vẫn còn lạ”, Quốc Trung nói. Trước Gió mùa, anh đã sang Đan Mạch để trực tiếp tham gia tổ chức festival âm nhạc vài lần, lấy kinh nghiệm.

Trước Gió mùa, các nhạc hội Rock Storm hay Hanoi Sound Stuff cũng đã được tổ chức trong 7 năm với mục đích tương tự sân chơi nhạc sống. Nhưng cả hai đều không đặt mục đích và cũng chưa làm được việc kéo cả gia đình đến sân như cơn gió Monsoon này.

Chính vì thế, với Gió mùa, điều cần hơn chính là lời ước hẹn dài lâu. Về điều này, đại diện sứ quán Đan Mạch cho biết họ sẽ hỗ trợ để liên hoan được tổ chức thường niên. Nhạc sĩ Quốc Trung, cũng đã reo lên trong lời tạ từ: “Hẹn gặp lại các bạn vào tháng 10 năm 2015”.

Hà Nội đang có cơ hội chính thức có tên trong danh sách các thành phố tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên. Và nếu Gió mùa vẫn tiếp tục thổi như năm nay nó sẽ đón các sáng tác mới, xu hướng mới, dự án âm nhạc mới. Trên trang cá nhân của nhạc sĩ Quốc Trung, đã thấy lác đác những lời “chào hàng” về sản phẩm âm nhạc, thiết kế cho mùa gió sang năm.

Tuy nhiên, đường dài, làm thế nào để tiếp tiền, tiếp nhạc, tiếp công chúng cho lễ hội âm nhạc thường niên này cũng còn bộn bề công việc. Chúng ta đã thấy không ít dự án giữa đường đứt gánh sau khi Quỹ Ford rời đi. Vì thế, Hà Nội nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp góp tiền tổ chức lễ hội. Các dự án âm nhạc cá nhân luôn cần quỹ để chạy, và nếu có thể thành phố cũng nên tạo hành lang sớm cho các quỹ bảo trợ nghệ thuật.  

Trinh Nguyễn

>> Ấm áp đêm nhạc hát cho cô dâu Việt trên đất Hàn
>> Ca sĩ, khán giả đội mưa đến với đêm nhạc từ thiện
>> Đêm nhạc Richard Clayderman: Nghe lại ký ức
>> Xúc động đêm nhạc ủng hộ 'vua nhạc sến' Vinh Sử
>> Phương Thanh tái hợp Đàm Vĩnh Hưng làm đêm nhạc từ thiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.