Khi Michael Moore "soi" chủ nghĩa tư bản

30/08/2009 22:57 GMT+7

Liên hoan phim Venice (Ý) sẽ khai mạc bằng bộ phim soi rọi chủ nghĩa tư bản. Tác giả không ai khác, chính là đạo diễn nổi tiếng phản biện Michael Moore. Phim do Overture Films sản xuất và Paramount Vantage phát hành.

Điều gì làm khán giả đồng tình với Michael Moore khi ông có mặt tại Liên hoan phim Venice từ ngày 2 đến 12.9? Đó chính là những con số biết nói trong phim Capitalism: A love story (tạm dịch Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình).

Cứ mỗi giờ trôi qua, trong cuộc đại suy thoái kinh tế, chủ nghĩa tư bản "thải" hàng chục ngàn người ra khỏi công sở, nhà máy... Phim xoáy mạnh và tìm nguyên nhân tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. "Một bộ phim với đủ cảm xúc, hẹn hò, đam mê, cám dỗ, lãng mạn... trong một mối tình bị cấm đoán, và chẳng ai dám gọi tên, khi mà hàng giờ, 14.000 con người bị thất nghiệp... Chỉ cần gói gọn thế này: Chủ nghĩa tư bản đã tạo nên điều thống khổ đó", Michael Moore kết luận.

Ông đã mất thì giờ để thuyết phục nhiều vị "tai to" trong ngành tài chính Mỹ - đang làm việc tại Phố Wall - phát biểu, bình luận về nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng. Michael Moore còn "kể tội” các tập đoàn tư bản đã thống trị thế giới để xa hoa hưởng thụ, cùng lối sống phung phí tài nguyên mà người Mỹ đang thực thi đã tạo nên cú "hồi mã thương", gây cú sốc kinh tế thổi tung tất cả mọi kinh nghiệm, kiến thức của các nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới. Ác thay, điều đó ảnh hưởng đến cả công dân các nước nghèo, vốn không hề góp phần gây ra thảm họa.

Michael Moore từng gây nhiều tranh cãi khi trình chiếu nhiều bộ phim mang tính phản biện cao trước đây như: Sicko, Fahrenheit 9/11, Bowling for Columbine...

Michael Moore sinh ngày 23.4.1945 tại Flint - bang Michigan (Mỹ), tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Michigan. Năm 1972, khi mới 18 tuổi, ông đã là thành viên ban lãnh đạo sinh viên của trường. Sau đó là chuỗi ngày viết sách, viết báo và cầm máy quay phim tài liệu. Năm 1989, bộ phim đầu tay của Michael Moore là Roger & Me (Roger và tôi) ra đời. Bộ phim là cuộc phỏng vấn hóc búa của Moore với Roger Smith, Chủ tịch Hội đồng quản trị General Motors khi nhà máy của công ty này đóng cửa khiến 30.000 người mất việc.

Tại buổi chiếu ra mắt LHP Cannes 2004 và 2007, Michael Moore đã làm cả thế giới sững sờ khi giới thiệu 2 tác phẩm: Fahrenheit 9/11 và Sicko, khiến sau đó ông được mệnh danh là "kẻ khủng bố chuyên nghiệp". Ông mạnh dạn chỉ trích Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến Iraq qua Fahrenheit 9/11 và lên án hệ thống y tế Mỹ, khi nhiều người buộc phải hiến tặng bộ phận cơ thể chỉ vì không thanh toán nổi viện phí... qua Sicko. Nhiều người cho rằng Sicko như cái gai trong mắt chính quyền Mỹ. Ngay cả bản thân Michael Moore cũng nhận ra điều đó, và đôi lúc ông phải câm nín để quay những cảnh rất đáng ngại về chính sách y tế - xã hội ở chính quê hương mình.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.