Ký ức thời bao cấp - Kỳ 1: Xếp loại A, B, C để mua hàng hóa

18/05/2015 06:00 GMT+7

Nhân Triển lãm và trải nghiệm không gian văn hóa Hà Nội thời bao cấp diễn ra tại Indochina Plaza (Hà Nội), từ ngày 16 - 21.5, Thanh Niên khởi đăng loạt bài của nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội trong khoảng thời gian cách đây hơn 30 - 40 năm.

Nhân Triển lãm và trải nghiệm không gian văn hóa Hà Nội thời bao cấp diễn ra tại Indochina Plaza (Hà Nội), từ ngày 16 - 21.5, Thanh Niên khởi đăng loạt bài của nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội trong khoảng thời gian cách đây hơn 30 - 40 năm.
Xếp hàng mua lương thực thời bao cấp - Ảnh: BTC triển lãm cung cấpXếp hàng mua lương thực thời bao cấp - Ảnh: BTC triển lãm cung cấp
Thời bao cấp, nhà nước chia ra 11 mức được hưởng chế độ cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Mua thực phẩm bằng tem phiếu
Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn ĐB (đặc biệt), cấp bộ trưởng hưởng tương đương tiêu chuẩn A, cấp thứ trưởng tiêu chuẩn B; cấp trưởng của các “cục, vụ, viện”, các chuyên viên cấp cao, giám đốc... được tiêu chuẩn C. Còn cán bộ, công nhân viên chức hưởng tem phiếu E nhưng tùy theo mức lương sẽ được tiêu chuẩn tem phiếu E1 hay E2. Cán bộ độc thân là tiêu chuẩn D, công nhân làm trong môi trường độc hại thì hưởng tiêu chuẩn I hay II và cuối cùng nhân dân là tiêu chuẩn N.
Công nhân lao động nặng trước 1975 phiếu I, hưởng 1,5 kg thịt, 0,75 kg đường/tháng còn tiêu chuẩn nhân dân trước và sau năm 1975 vẫn là phiếu N với 0,3 kg thịt và 0,1 kg đường/tháng. Ngoài ra, trong phiếu thực phẩm còn có ô đậu phụ, nước mắm. Người ta phát tem phiếu theo quý, trên phiếu ghi rõ tháng, ai quên không mua là thôi.
Trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989 (NXB Tri thức 2008), Giáo sư Đặng Phong đã kể ra tiêu chuẩn của cấp bộ trưởng hoặc tương đương là phiếu A, trước 1975 hưởng 6 kg thịt, 3 kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2 kg thịt, 2 kg đường/tháng. Cán bộ trung cấp phiếu C trước 1975 hưởng 1,5 kg thịt, 1 kg đường/tháng, sau 1975 hưởng 1 kg thịt, 0,8 kg đường/tháng… Về lương thực, tiêu chuẩn A, B hay C là 21 kg/tháng, cao hơn cán bộ bình thường nhưng thấp hơn tiêu chuẩn công nhân độc hại. Còn vải, ngoài tiêu chuẩn 5 m/năm thì cán bộ tiêu chuẩn A có sổ giao tế có thể tự do mua thêm các loại vải khác mà không cần phiếu.
Cửa hàng phục vụ cán bộ cao cấp
Để phục vụ cán bộ tiêu chuẩn A, B, Bộ Nội thương cho mở các cửa hàng riêng. Ở phố Ngô Quyền (Q.Hoàn Kiếm) là cửa hàng chuyên bán gạo. Tuy tiêu chuẩn không nhiều hơn so với cán bộ bình thường nhưng tiêu chuẩn A, B không phải ăn độn, chất lượng gạo ngon hơn. Ngoài bán cho cán bộ tiêu chuẩn A, B, cửa hàng Ngô Quyền còn bán cho gia đình các vị, tất nhiên vẫn phải ăn độn như quy định nhưng không bao giờ có gạo mốc, hôi và đen như các cửa hàng lương thực bán cho nhân dân.
Cửa hàng 17 phố Tông Đản thì chuyên bán thực phẩm và rau quả, nói chung thịt cá bao giờ cũng tươi ngon còn rau quả không bao giờ có rau héo. Đúng ra cửa hàng này chỉ dành riêng cho cán bộ cấp cao, tuy nhiên nếu có quan hệ thì gia đình họ vẫn có thể mua thực phẩm ở đây, tiêu chuẩn thì theo quy định nhưng mua ở đây không phải xếp hàng, không phải ăn thịt ướp lạnh, không phải chịu cảnh cửa hàng có gì mua nấy. Và nói chung nhân viên bán hàng này rất biết họ đang phục vụ ai nên nhã nhặn, lịch sự không vênh váo như mấy bà bán tại các cửa hàng dành cho nhân dân.
Cán bộ tiêu chuẩn A và B còn được cấp sổ mua hàng ở cửa hàng giao tế (nay là Intimex, phố Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm). Tiêu chuẩn của mỗi sổ giao tế được mua mấy cây thuốc lá trong một tháng, đường, xà phòng bán theo tiêu chuẩn nhưng bánh, kẹo, bơ, vải, pin... mua tự do. Đó là những mặt hàng rất hiếm, có mặt hàng không có ngoài thị trường nên mức chênh lệch giá rất lớn. Bạn tôi là con trai ông Nguyễn Tạo, trước năm 1975, ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, sau đó làm Phó ban Nông nghiệp Trung ương, nên ông có tiêu chuẩn giao tế. Thi thoảng tôi theo bạn vào giao tế, cái gì cũng lạ vì nhiều thứ ngoài thị trường không có ví dụ như sô cô la hay sâm bột Triều Tiên. Còn cán bộ tiêu chuẩn C cũng có cửa hàng thực phẩm riêng. Q.Hai Bà Trưng có cửa hàng Vân Hồ, Q.Ba Đình có cửa hàng Đặng Dung, Q.Hoàn Kiếm có cửa hàng ở số 1 phố Nhà Thờ.
Sự ra đời các cửa hàng đặc biệt dành riêng cho cán bộ cao cấp bắt đầu từ sau tiếp quản thủ đô 10.10.1954, ban đầu nó hình thành do đề xuất của ngành công an vì muốn bảo vệ cán bộ, tránh bị đầu độc, nhưng năm 1965, giá cả nhiều mặt hàng ngoài thị trường tăng trong khi cửa hàng lại không thể tăng theo và lương cán bộ thì vẫn giữ nguyên. Để đảm bảo đời sống cho cán bộ cao cấp nên đã sinh ra chế độ như vậy. Nhưng đâu chỉ có cán bộ cao cấp mà còn rất đông cán bộ trung cấp nên mới sinh ra tiêu chuẩn C.
Trước tiêu chuẩn của các cán bộ “đi xe Volga ăn gà Tông Đản”, dư luận xã hội cũng ì xèo. Nhưng xóa bỏ hệ thống này lại đụng chạm quyền lợi của những người mà tiếng nói của họ có trọng lượng trong cơ chế.
Năm 1982, có một người đã dám làm việc này là Bộ trưởng Bộ Nội thương - Giáo sư Trần Phương. Giáo sư Đặng Phong đã thuật lại chuyện này trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan ngoạn mục 1975 -1989 là ông Trần Phương đã trình bày với Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ kèm theo đó là một xấp hóa đơn phu nhân một cán bộ mua tới 180 m vải tuýt si len ở cửa hàng giao tế.
Dù được chấp thuận nhưng khi đưa ra họp bàn thì chỉ xóa bỏ 33 mặt hàng trong tổng số 42 mặt hàng cung cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.