'Lên đàng', 'Tự nguyện'... cũng chưa được cấp phép phổ biến?

13/04/2017 06:38 GMT+7

Dù đã là ca khúc hết sức quen thuộc với giới trẻ và được biểu diễn trong hàng trăm chương trình lớn nhỏ, nhưng mãi đến chiều 12.4, Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài hát sáng tác trước năm 1975 đang được sử dụng thường xuyên trong các chương trình của thanh niên, thậm chí bài hát chính thức của Hội LHTN VN, cũng không có trong danh mục các ca khúc được cấp giấy phép phổ biến của Cục!
Bài cần phổ biến chưa được cấp phép phổ biến !
Chiều 12.4, khi vào danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến của trang web Cục Nghệ thuật biểu diễn lẫn trang web của Bộ VH-TT-DL, chúng tôi thấy những bài hát gắn liền với hoạt động của Đoàn, Hội, các hoạt động của thanh niên hàng mấy chục năm nay như Lên đàng (nhạc Lưu Hữu Phước - lời Huỳnh Văn Tiểng), Tự nguyện (nhạc Trương Quốc Khánh - ý thơ Tố Hữu) hay Bài ca tạm biệt (Viết Chung)... đều không có trong danh mục!
Theo quy định hiện hành, các cá nhân, đơn vị tổ chức biểu diễn muốn sử dụng tác phẩm sáng tác trước 1975 tại các tỉnh phía nam hoặc tác phẩm của người VN đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải làm hồ sơ xin phép. Trong khi đó, Bài ca tạm biệt (Gặp nhau đây rồi chia tay/Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây…) được nhạc sĩ Viết Chung sáng tác tại miền Nam năm 1972; Tự nguyện được nhạc sĩ Trương Quốc Khánh sáng tác trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe tại miền Nam năm 1968, cổ vũ tinh thần yêu nước, xả thân cho lý tưởng; còn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết Lên đàng năm 1944, khi ông được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vào Nam tham gia vận động cách mạng. Như thế có nghĩa là nếu một đơn vị nào đó muốn biểu diễn các ca khúc này trong chương trình của mình sẽ phải làm hồ sơ xin phép Cục!
Đáng nói, Lên đàng hiện là bài hát chính thức của Hội LHTN VN, được quy định tại điều 1 - chương 1 thuộc Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội LHTN VN, theo Quyết định số 1176/QĐ-BNV ngày 14.10.2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đây được xem là một trong những bài hát truyền thống hay nhất của thanh niên, với giai điệu hào hùng, ca từ khơi gợi tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến cho đất nước. Gần đây nhất, DVD Bài ca không quên ra mắt dịp 30.4.2016 của ca sĩ Đức Tuấn (do Phương Nam Phim phát hành) cũng có ca khúc Tự nguyện; còn Lên đàng cũng đã được ca sĩ Trọng Tấn thể hiện trong chương trình Khát vọng trẻ 10 - Niềm tin dâng Bác được Báo Thanh Niên thực hiện dưới sự chỉ đạo của T.Ư Hội LHTN VN - UBND tỉnh Nghệ An, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Hội LHTN VN, phát trực tiếp trên VTV1 vào tháng 10.2016. Tuy nhiên, 2 tác phẩm này chỉ được duyệt theo chương trình cụ thể, còn được cấp phép phổ biến rộng rãi thì... chưa!
Phải thay đổi cách quản lý
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long ngạc nhiên: “Nếu cứ chiếu theo quy định và giống như cách giải quyết ca khúc Nối vòng tay lớn, những ca khúc Lên đàng, Tự nguyện… cũng vi phạm vì chưa được cấp phép phổ biến, thì tất cả các cấp, ban, ngành, đoàn, hội mấy chục năm nay đều sử dụng các ca khúc chưa được phép phổ biến. Nghĩ tới việc bây giờ Hội LHTN VN muốn sử dụng ca khúc Lên đàng trong sinh hoạt của hội phải làm văn bản, có bản ghi âm và bản nhạc giấy có chữ ký xác nhận của tác giả hay chủ sở hữu thì thật buồn cười”. Ông cho rằng, những bài hát sinh hoạt cộng đồng rơi vào trường hợp sáng tác trước 1975 tại miền Nam và đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng lâu nay thì không nên "gò" vào quy định phải xin phép phổ biến vì bản thân những ca khúc có nội dung tốt, khích lệ tinh thần yêu nước đoàn kết dân tộc càng cần được nhân rộng. “Nhưng để có thể áp dụng được điều này, theo tôi, một mặt cần điều chỉnh bổ sung các quy định hoặc ghi chú rõ ràng; một mặt khác, cần lập ngay danh sách và có quy định riêng với việc sử dụng các ca khúc sinh hoạt cộng đồng. Cần có một danh sách chính thức những ca khúc sinh hoạt cộng đồng và Cục dựa vào đó làm cơ sở không áp quy định như vậy. Tôi biết cách đây vài năm, Nhà xuất bản Âm nhạc đã thực hiện cuốn sách tập hợp nhiều ca khúc sinh hoạt cộng đồng, tập thể. Nếu cần, Cục có thể dựa vào cuốn sách để lập danh sách”, ông Long nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cũng ngạc nhiên khi biết Lên đàng, Tự nguyện… vẫn đang nằm “ngoài vùng cấp phép”. Ông khẳng định: “Những ca khúc này bằng cách này hay cách khác còn phải cho phổ biến, cấp phép nhanh nhất. Rõ ràng đây là những bài hát công chúng cả nước đều biết, đều hát, nội dung tốt thì hà cớ gì lại chưa được phổ biến? Rồi cũng cần cải tiến cách thức, còn bây giờ tạm thời cần có danh sách ca khúc có nội dung tốt thì tự động công bố cho mọi người sử dụng”.
“Không thể thu thập hết để tạo ra danh sách các bài cấm hát”
Trước ý kiến cho rằng thay vì cấp phép phổ biến, cơ quan quản lý nên đưa ra danh sách bài hát không được phổ biến, người sử dụng dựa vào đây để biết và sử dụng, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ VH-TT-DL chiều 12.4, ông Đào Văn Hoàn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhìn nhận “không thể thực hiện việc đưa ra một danh mục bài hát phải cấm”. “Cục không thể biết có bao nhiêu ca khúc, làm sao có thể thu thập được hết để tạo ra danh sách các bài cấm. Vì thế, Cục mới thực hiện cấp phép cho các bài hát đã xin phép nếu đầy đủ điều kiện”, ông Hoàn nói.
Về việc thời gian tới có thay đổi quy định để các tác phẩm sáng tác trước 1975 ở miền Nam có nội dung hay, không chống phá chế độ nhà nước được hát nhiều hơn, ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói: “Vấn đề này chúng tôi sẽ có tổng hợp đánh giá và báo cáo lãnh đạo Bộ để xem có sửa hay không”.
Hiện tại, danh sách các bài hát đã được cấp phép phổ biến trên trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VH-TT-DL đang có những thông tin vênh nhau về bài hát được cấp phép. Trang của Cục còn có những tác phẩm được công bố sai tên tác giả, chẳng hạn một số bài hát của nhạc sĩ Văn Cao bị nhầm sang thành Văn Chung. Bộ cho biết sẽ xem xét cả hai trang này và chỉnh sửa lại cho đúng.
Trinh Nguyễn
Nối vòng tay lớn đã có trong SGK đã thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định
Báo Thanh Niên số ra ngày 12.4 đăng thông tin bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có trong SGK môn âm nhạc lớp 9 hiện hành, cho dù chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến. Cùng ngày 12.4, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục VN, khẳng định: “Việc đưa bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào SGK lớp 9 được dựa trên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, được Cục Xuất bản, in và phát hành của Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép xuất bản. Sách đã được sử dụng ổn định trong nhiều năm nay”.
Trong một diễn biến khác, sau khi hay tin ca khúc Nối vòng tay lớn đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến trong chương trình của Trường đại học Y Dược Huế, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), đại diện gia đình nhạc sĩ, cho PV Thanh Niên biết: “Chúng tôi cần nói rõ, gia đình Trịnh Công Sơn chưa hề ký bất cứ văn bản nào liên quan đến việc xin giấy phép biểu diễn ca khúc này ngoài một lá thư miễn tác quyền đối với các ca khúc của Trịnh Công Sơn biểu diễn trong chương trình của Trường đại học Y Dược Huế”.
Tuệ Nguyễn - Dạ Ly
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.