Bản in cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX do NXB Văn học liên kết với Nhà sách Minh Lâm (2014) có 500 trang nội dung nhưng lỗi thì nhiều không kể xiết, gồm cả lỗi morasse nhan nhản hầu như trang nào cũng có và lỗi nội dung khiến bạn đọc hiểu sai nội hàm ý nghĩa tác giả viết.
Phan Thanh Giản khuyên… quan tài ?
Những lỗi sai morasse sơ đẳng nhất có ở tên các địa danh và nhân vật rất quen thuộc như Đà Nẵng thành Đà Năng, Võ Tánh thành Võ Tránh, Chương Mỹ (Hà Đông) thành Chứng Mỹ. Thậm chí, Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung) cũng sai thành Nguyên Huệ (trang 386), Tôn Đản sai thành Tôn Đàn (trang 184), Nùng Tồn Phúc sai thành Nùng Tồn Phú (trang 186)...
Còn những lỗi khiến bạn đọc hiểu sai nội hàm ý nghĩa có thể kể như việc Địch Thanh là tướng nhà Tống năm 1053 đến Tân Châu để hội chư quân thì viết sai, đẩy thời gian lùi gần 500 năm sau thành năm 1503 (trang 183); việc vua Louis XVI ký với giám mục Bá Đa Lộc bản Hiệp ước Versailles năm 1787 cũng sai thành năm 1887 (trang 403)…
Đặc biệt, khi quân Pháp đánh Nam kỳ, có đoạn viết: “Thấy thế không chống nổi, Phan Thanh Giản khuyên quan tài ba tỉnh nên nộp thành trì cho giặc” (trang 461). Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: Quan tài, còn gọi là áo quan, là hòm bằng gỗ đựng thi thể người chết. Viết đúng phải là Phan Thanh Giản khuyên “quan lại” ba tỉnh nên nộp thành cho Pháp.
Nhà Trần “lộn tông”
Cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, trong bản in năm 2016 do NXB Khoa học Xã hội liên kết với Nhà sách Anh Khoa, tuy số lỗi morasse ít hơn nhưng việc biên tập vẫn là điều đáng bàn tới vì lỗi sai vẫn nghiêm trọng, trong khi NXB Khoa học Xã hội là đơn vị xuất bản đúng chuyên ngành.
Nhà Trần vốn đã bị sử sách đánh giá là loạn luân khi anh em cận huyết lấy nhau để giữ ngôi. Nay đọc sách thì thấy trang 247 viết: “Trần Ích Tắc là em ruột Trần Khoán”. Sang trang sau ghi: “Em Trần Khâm là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc”. Cũng trang 248 này viết: Trần Khâm phải sai người đem em ruột là An Tư công chúa để hiến cho Thoát Hoan để mong hoãn binh”. Trần Khoán là ai thì chúng tôi chưa rõ, chắc phải đợi NXB Khoa học Xã hội lý giải giúp cho. Còn Trần Khâm là tên húy của vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Mà so sánh trong phả hệ tôn thất nhà Trần thì vua Trần Nhân Tông phải gọi Trần Ích Tắc bằng chú và gọi An Tư công chúa bằng cô, làm sao có chuyện hai vị đó lại là em của Trần Khâm được? Họ chỉ có thể là em của thượng hoàng Trần Thánh Tông mà thôi…
Việt Nam sử lược tái bản: Đẹp mà sai sót
Cuốn sách Việt Nam sử lược của sử gia Trần Trọng Kim (1882 - 1953) được NXB Văn học và Nhã Nam tái bản năm 2015 là một ấn phẩm có hình thức đẹp, trang trọng nhưng nội dung còn nhiều sai sót.
Đầu tiên phải nói tới là thể lệ biên tập. Trang 21, sách này cho biết: “Một bảng Sách dẫn (Index) đặt ở cuối sách giúp độc giả tra cứu nhanh tên các nhân vật và một số nhân danh, địa danh” (Mục 5). Đáng tiếc, lật hết 500 trang sách khổ lớn 17 x 25 cm đều không thấy có Sách dẫn (Index).
Tiếp đến, nhiều lỗi về nội dung kiến thức lịch sử vẫn còn trong sách. Trang 63, viết về thời Nam Bắc Triều, đã viết sai tên nhà Tống thành nhà Tấn trong sự kiện đánh nước Lâm Ấp năm 433. Trang 111 viết: Tháng chạp năm Quý Mùi (1228) Tự Khánh mất. Viết đúng phải là 1223. Sơ đồ “Nguyễn Triều thế phổ” viết sai tên Kiên Thái Vương - Nguyễn Phúc Hồng Cai thành Khiên Thái Vương (trang 449)...
Sai do cẩu thả mà ra
Trong thời gian gần đây, trên diễn đàn báo chí đã có nhiều trao đổi về chất lượng của sách. Việc làm này đáng hoan nghênh. Chẳng ai tài thánh gì. Sai sót là điều luôn có thể xảy ra, dù người viết sách/làm sách đã nỗ lực nhưng cũng khó tránh khỏi. Lực bất tòng tâm là vậy. Nhờ những trao đổi, góp ý, chỉ ra sự sai sót ấy, khi sách tái bản thì tác giả/đơn vị làm sách có sự chỉnh sửa cho hoàn hảo hơn. Không vì sai sót mà có thái độ miệt thị, xem thường đơn vị xuất bản sách và tác giả. Tinh thần góp ý vì xây dựng trong bối cảnh chung hiện nay rất cần thiết.
Tuy nhiên, có một (hoặc nhiều) loại sách nếu để sai sót quyết không thể cảm thông, chấp nhận được. Có thể kể đến sách thuộc loại kinh điển, chuẩn mực, có giá trị hoặc đã nhiều thế hệ đã thừa nhận của các học giả hàng đầu nước ta (nay hầu hết đã quá cố), nếu tái bản (xin nhấn mạnh) thì tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Những công trình khảo cứu của các cụ Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Trần Quốc Vượng... khi tái bản, cần chính xác theo văn bản gốc. Nếu được nên có thêm chú thích, chú giải những từ khó hiểu... để phục vụ bạn đọc hiện nay.
Với hai cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX và Việt Nam sử lược nêu trên, thú thật chúng tôi đã giật mình, sửng sốt. Những sai sót ấy không thuộc về học thuật, trình độ mà do sự cẩu thả mà ra. Cẩu thả từ khâu “nhập liệu” đến sửa morasse. Vì thế, nó sai từ cách viết danh từ riêng, địa danh đến sai cả chính tả... không một ai có thể chấp nhận. Với kiểu chụp giật, ẩu tả, cẩu thả này, Truyện Kiều có câu: “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.
Thời đi học, nói thật, tôi ngưỡng mộ văn hóa Pháp vì có lần thầy giáo kể rằng khi thực hiện bộ Tự điển bách khoa Larousse, ông Pierre Larousse (1817 - 1875) cực kỳ cẩn trọng, nếu sách đã in ra mà sai sót, dù 1 từ thì cũng hủy toàn bộ, in lại. Nhờ đó, Larousse đã trở thành sách tra cứu gối đầu giường của người hiếu học từ nhiều thế hệ. Bao giờ các nhà xuất bản của chúng ta cũng làm sách theo tinh thần, ý nghĩa của sự cầu toàn này?
Nhà văn Lê Minh Quốc
|
Bình luận (0)