Chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục cm nên mỗi năm, gần 4 tháng mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 11), nhà cửa ruộng vườn của người dân vùng càng ở H.Hải Lăng (Quảng Trị) ngập trong nước bạc.
Nghề sông nước luôn là nguồn thu đáng kể của người dân trong vùng - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Đó cũng chính là nguyên cớ nhiều người yêu quý ví vùng càng (những rẻo đất xâm xấp nước hoặc chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục cm, nằm trơ trọi giữa đồng) là “miền Tây” của Quảng Trị. Nơi đây, mỗi khi lũ tràn về, nước không vội vàng chảy tuột đi mà ứ lại trên những cánh đồng, ngày này qua ngày khác. Để rồi sau khi đã dâng tặng hết phù sa cho đất, con nước chỉ còn một màu bàng bạc... Và cũng như người dân miền Tây Nam bộ, người dân vùng càng sống hòa thuận với lũ, biết lựa con nước đục trong để kiếm miếng cơm, manh áo cho gia đình.
Mong ngóng những... mùa lụt
Đất đai ở vùng càng luôn ít ỏi nên lúa gạo nơi đây bao giờ cũng thiếu. Ở những càng lớn như Cây Da (xã Hải Thọ) trung bình đầu người chỉ có 180 m2 đất sản xuất. “Mang tiếng làm lúa nhưng ngày xưa, ông bà tôi ăn khoai sắn nhiều hơn gạo cơm”, bà Lê Thị Tình, ở càng Hưng Nhơn nói.
Nhưng như để “bù đắp”, ông trời lại cho vùng càng ăm ắp cá tôm. Mỗi mùa nước lũ về, cả càng chèo đò đánh bắt mà không sao hết được. Cũng vì nhiều, vì vượt quá nhu cầu nên có thời cả rổ cá chỉ đổi được có một lon gạo bé tẻo teo. Hoặc nếu không đổi gạo thì dân vùng càng cũng phải nghĩ ra đủ cách chế biến món ăn dân dã từ cá để ăn cho bằng hết, không phải bỏ đi: cá kho nghệ, cá nấu gốc chuối, cá nấu dưa môn, khô cá bóp khế...
Cư dân vùng càng bảo ngày nay cá không nhiều như ngày xưa, nhưng một thực tế mà không ai phủ nhận được đó là vào mùa lũ, dân vùng càng có thêm việc làm, có thêm thu nhập nhờ con cá con tôm, hơn hẳn ngày nắng ráo. Vậy nên phàm là dân vùng càng, bất kể nam phụ lão ấu, ai cũng biết chèo ghe, bủa lưới, tát đìa bắt cá... Vùng càng mùa lũ khung cảnh cũng miên man, ảo diệu không kém gì trong Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Cụ Nguyễn Văn Song ở càng Câu Nhi (xã Hải Tân) nói: “Đi ghe đi đò quen rồi, đi bộ trên đường lại... mỏi cẳng (chân). Vậy nên việc dân vùng càng lao ra đồng nước mênh mông để bắt cá tôm đã ngấm vào máu thịt. Không đi, khác nào tự chặt chân tay”. Khác với nhiều vùng miền sợ ngập lũ, sợ bùn non, người dân 7 vùng càng ở Hải Lăng sẽ buồn xo khi chưa thấy lũ về. Bởi họ đang đợi phù sa đắp bồi chân ruộng lúa và đợi những con lóc, con trê, con trắm... béo ngậy, quẫy đuôi trên những cánh đồng sâu.
Sống, chết vì con nước
Ở càng, chỉ vài cơn mưa nhỏ cũng có thể làm người dân phải bì bõm trên đường làng. Tưởng như chuyện chơi nhưng nhiều khi ở TP.Đông Hà, trời đang ráo thì ở vùng càng, cách đó hơn 30 cây số, nước lũ đã về trắng đồng. Lũ mang cá tôm, phù sa nhưng cũng từng mang về tai vạ. Dù được mệnh danh là những con người có kinh nghiệm sống chung với “Thủy Tinh” nhưng hầu như năm nào ở vùng càng cũng có người chết vì lũ. Cách đây 4 năm, người viết cũng đã chứng kiến một cái chết như thế ở càng Cây Da, đó là một cái chết trẻ, cháu bé tên Vi ra đi chỉ mới 18 tháng tuổi. Giữa mênh mông nước thời điểm đó, đến một mảnh đất khô ráo để chôn, gia đình tìm cuống cuồng mà không ra...
Dù lớn nhỏ nhưng hầu như năm nào, lũ cũng “ghé thăm” vùng càng. Nghe người dân nơi đây kể về chuyện chạy bão, chạy lũ chắc cũng phải tốn không ít thời gian. Chỉ biết rằng, khi một trận lũ lớn ập đến, dân vùng càng có hai sự lựa chọn, hoặc chạy vào làng chính, cao ráo hơn hoặc trèo lên tra (sát mái nhà) để trú ẩn. Bà Lê Thị Tình, trú càng Hưng Nhơn, kể rằng đã sống qua 60 mùa lũ nhưng bà vẫn sởn gai óc khi nhớ đến trận lũ lịch sử năm 1999. “Nước lên ngót cả bàn thờ. Cả càng đều bị nhấn chìm. Gia đình tôi 3 ngày đêm liền không có gì ăn. Cuối cùng, chồng tôi phải lặn tìm số khoai khô ngâm nước mấy ngày, phủi bùn mà nhai. Xé tập vở của con để nhen lửa nấu nước, uống cho ấm bụng”, bà Tình rùng mình kể.
Cũng theo bà Tình, phải sau trận lũ kinh hoàng ấy, càng Hưng Nhơn mới bắt đầu có những ngôi nhà xây bằng gạch đầu tiên thay thế cho những ngôi nhà bằng phên đất ọp ẹp, thấp le te. Trưởng càng Hưng Nhơn, ông Võ Văn Ân bảo rằng: “Lụt to thì càng như ốc đảo, nhà nào lo nhà nấy, chứ ai cứu ai được, mỗi người đều có gia đình của mình”. Vị trưởng càng cũng kể rằng, không chi khổ bằng mùa lũ mà đau ốm hoặc sinh nở. “Đường ngập hết rồi, đi đâu cũng phải chèo ghe thôi. Ngày trước tôi nhớ có thai phụ vì đi bệnh viện không kịp mà đẻ rớt ngay trên ghe”, ông Ân nói. Trong cuộc chuyện trò với những người dân vùng càng, không khó để biết họ muốn lắm những công trình trú ẩn, tránh lũ kiên cố. “Người ta bảo sắp có rồi nhưng mãi vẫn chưa thấy, mùa lũ năm nay chúng tôi lại phải tiếp tục đợi”, bà Tình thở dài.
Bình luận (0)