NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, đưa ý kiến: “Riêng các nhà hát, ở VN tương đối đúng chuẩn chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng cũng chỉ mang tính biểu tượng văn hóa nhiều hơn. Thực sự là nó vẫn không đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội, của nghệ thuật. Thủ đô của một nước mà chưa có một tổ hợp các nhà hát mang tính hiện đại tầm cỡ. Còn Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô cũng cũ rồi, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Chúng ta cần một tổ hợp như thế”.
NSND Phạm Anh Phương cũng cho rằng Nhà hát Ca múa nhạc VN thì cơ sở vật chất cũng tạm được, chưa phải là nhà hát hiện đại. Còn Nhà hát Nhạc vũ kịch VN vẫn chưa có nhà hát để biểu diễn. “Chúng tôi chỉ có một phòng tập luyện hơi giống sân khấu nhưng cũng chưa đủ để đáp ứng như một mô hình sân khấu về kích thước. Nhiều chương trình, chúng tôi còn không dựng nổi phông cảnh lên để chạy vở vì phòng quá bé, không đáp ứng được việc kéo phông lên xuống. Một tổ hợp nhà hát quốc gia thì cần phải có. Trung tâm hội nghị quốc gia đâu có phải nhà hát mà vẫn phải diễn ở đó. Thế mới khổ tâm”, ông Phương nói.
KTS Trần Huy Ánh, Phó chủ tịch Hội KTS TP.Hà Nội, đưa ý kiến: “Sau năm 1975, hầu hết các TP trong nước đều quan tâm xây nhà hát. Địa phương nào cũng có nhu cầu xây hội trường, phòng họp lớn trong các trụ sở cơ quan, CLB thanh niên, thiếu nhi, phụ nữ, công nhân, quân đội, công an, các cơ quan bộ ngành để hội họp, biểu diễn. Có nghĩa là chức năng hơi lẫn lộn, biểu diễn và hội họp mỗi thứ một nửa. Tuy nhiên, hầu hết các công trình tập trung vào bên ngoài mà ít chú ý bên trong, có công trình sao chép nhại cổ như Nhà hát TP.Nam Định. Cũng có công trình tìm tòi mô phỏng truyền thống như Nhà hát Chèo Kim Mã, Hà Nội... Song chưa có công trình nào thực sự ấn tượng về hình thức cũng như chất lượng thiết kế âm thanh ánh sáng được ghi nhận”.
KTS Ánh còn đánh giá việc sửa chữa các nhà hát cũ cũng không ổn. Chẳng hạn, Nhà hát Hải Phòng (được người Pháp xây với kỹ thuật tương tự Nhà hát Lớn Hà Nội) do sửa chữa lại trần đã làm phá hỏng hiệu ứng âm thanh vì thay trần vòm tooc-xi (vôi trộn rơm, giấy) bằng xi măng lưới thép.
Nhiều nhà hát được xây dựng, các KTS thiết kế đơn lẻ, không có ai chuyên về lĩnh vực này. “Chỉ có KTS Lê Văn Lân, Viện trưởng Viện Thiết kế công trình công cộng Hà Nội (người thiết kế Nhà hát Khăn quàng đỏ) là trường hợp rất đặc biệt, thể hiện tính chuyên sâu của mình trong lĩnh vực này. Ông từng tu nghiệp ở nhiều nước về chuyên sâu thiết kế nhà hát. Tôi đã được xem cuốn sổ tay ghi chép các chi tiết cấu tạo nhà hát của Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDC Đức từ những năm 1965 - 1972. Những bản vẽ ghi cấu tạo từng móc treo phông màn, giá đỡ đèn sân khấu, puli kéo phông màn, hệ thống ròng rọc phức tạp, hay hệ thống thông gió âm tường để làm mát nhà hát ở châu Âu. Khi về làm Nhà hát Khăn quàng đỏ, ông Lân đã làm việc với nhiều nghệ nhân chế tạo các chi tiết sân khấu, hộp đèn, ô cửa cho công trình này, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật”, KTS Ánh nói.
KTS Ánh nhận định thêm: “Hiện tại, hầu hết các nhà hát VN được thiết kế đa dụng, không chỉ kết hợp hội họp với biểu diễn mà còn biểu diễn sân khấu với chiếu phim, tạp kỹ… Những ông chủ nhà hát còn không biết yêu cầu cụ thể nào để đặt hàng cho các KTS. Vì thế, đôi khi các KTS phải đảm đương luôn nhiệm vụ đa mục tiêu cho nhà hát tương lai của mình vẽ ra. Có nhiều tình huống phần thiết kế âm thanh khoán trắng cho đơn vị cung cấp thiết bị. Với sự hiểu biết hạn chế của chủ đầu tư và KTS thì giải pháp âm thanh cho nhà hát là thiết bị đắt nhất nhưng hiệu quả thấp nhất”.
Chất lượng nhiều nhà hát có vấn đề
Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên về thực trạng nhiều nhà hát hiện nay. Ông Vương Duy Biên nhìn nhận: “Trường hợp của Nhà hát Trần Hữu Trang, TP.HCM thì chất lượng nhà hát có vấn đề vì chủ đầu tư lại không phải phía nhà hát. Nghệ sĩ nhận nhà hát theo phương thức chìa khóa trao tay sẽ không đáp ứng yêu cầu biểu diễn của họ. Việc này thì Bộ VH-TT-DL cũng không thể có ý kiến với TP.HCM được. Trước đây, khi xây Nhà hát Múa rối VN ở Hà Nội thì chính nghệ sĩ chúng tôi là ban quản lý. Khi đó, chúng tôi biết cần những yêu cầu thế nào để phù hợp với việc biểu diễn của mình. Nói chung, phải chính nghệ sĩ nhà hát quyết định những yêu cầu của nhà hát khi xây dựng thì mới tốt”.
Về việc nhiều nhà hát khi vừa xây xong bị phát hiện kém chất lượng, ông Biên cho rằng: “Xây nhà hát đúng là nhiều khi chất lượng rất kém. Trường hợp Nhà hát Chèo Kim Mã (Hà Nội), tôi nhớ đã bao nhiêu lần nêu ra Quốc hội vì bị nứt. Chất lượng âm thanh ánh sáng của các nhà hát nói chung thực ra là yếu, thiếu thốn, không thể nào đạt chuẩn như mong muốn. Điều đó vừa do thiếu tiền vừa do đầu tư không thỏa đáng”.
|
tin liên quan
Mỏi mòn chờ... nhà hátTình trạng một số nhà hát có từ vài chục năm trước đang xuống cấp nặng chưa được sửa chữa, nhà hát xây mới thì thiết kế không phù hợp khiến nghệ sĩ thiếu đất diễn, còn công chúng thì không có những không gian tốt để thưởng thức văn hóa.
Bình luận (0)