Một thời guốc gỗ dép mo

09/07/2017 05:00 GMT+7

Dạo trước về quê, gặp bà chị nay đã hơn 80 tuổi, là chị họ nhưng đã già, tuổi gần bằng mẹ tôi.

Chị cầm tay cười nói, phô hàm răng đen nhánh khiến tôi bật cười, lại nhớ chuyện hồi xưa chị thường hay đi đôi dép mo cau. Thường mỗi dịp mấy cây cau trước sân trổ buồng, những chiếc mo cau rơi xuống, là mấy bà già lại lấy vào cất, để khô đem ra làm dép hay cắt thành quạt mo. Công đoạn làm một đôi dép mo cau cũng đơn giản: lấy dao cau (là dao thường dùng để bổ cau) cắt mo khoanh vừa bàn chân, đục ba lỗ như loại dép Lào bây giờ, xong kiếm một loại dây cho bền chắc xâu vào lỗ chính giữa sẽ đặt ngón cái và ngón áp cái, hai dây choàng qua hai bên bàn chân để giữ dép gắn liền với chân. Bước đi lẹp xẹp nhưng hiệu quả vô cùng. Khi ra nắng mùa hè (mà mùa hè ở miền Trung thì nóng vô cùng) khỏi bị nóng chân. Mùa đông, mo cau giữ cho bàn chân êm dịu ấm áp. Vậy là điềm nhiên đi khắp xóm khắp làng hoặc ra đồng cấy gặt, cũng chỉ với đôi dép mo cau mỏng mảnh. Nó như gắn liền với cái sự lam lũ tất bật yêu thương của người phụ nữ lớn tuổi chốn quê nhà.
Còn với đàn ông, thì hình ảnh đôi guốc gỗ lẹp kẹp có lẽ chẳng bao giờ phai trong tâm trí của những kẻ lớn tuổi tha hương. Ở quê, người ta thường chọn loại gỗ mít đã già, nhất là mấy cây mít luống tuổi không may bị sâu đục chết, đẵn vào cắt ra từng khúc nhỏ rồi đẽo gọt thành hình dạng chiếc guốc mộc vừa với bàn chân, kiếm một miếng bố lốp xe hình chữ nhật choàng qua phía trước, sao cho miếng bố bao trọn khoảng một phần ba bàn chân phía trên, rồi đóng đinh cố định giữ chặt lại phần trên chiếc guốc. Vậy là có cái để mang đi, lúc hội hè, lễ lạt hay thăm hỏi nhau dịp tết nhất, khi giỗ chạp. Thời gian còn lại, thì chủ yếu là “chân đất vạn dặm”, chứ chẳng thể mang guốc khi làm vườn, ra ruộng được.
Có thể có bạn hỏi rằng còn thanh nam thanh nữ hay trẻ con thì mang gì dưới chân? Xin thưa, với các con độ tuổi mười sáu, mười bảy trở lên thì ba mẹ cũng cố gắng làm sao mua sắm cho được đôi dép nhựa, hay đôi guốc thiếu nữ có vẽ sơn hình bông hoa, con bướm. Còn trẻ con thì hầu như chân đất, có nhà khá giả thì sắm cho đôi dép nhựa. Chạy nhảy suốt ngày cho đến khi lên giường ngủ, siêng thì rửa chân, còn không thì cặp hai bàn chân lại xoa vào nhau vỗ bèm bẹp mấy cái là lăn ra say giấc nồng. Vậy thôi!
Đến đây, lại bùi ngùi nhớ câu chuyện một người bạn thân kể. Bạn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhà rất nghèo, đi học chẳng có dép. Con đường cát dẫn đến trường xa hun hút, phải đi bộ. Mùa đông lạnh tê tái, nhưng mùa hè mới thật là nỗi ám ảnh. Vì sợ nóng chân, bạn phải kiếm chiếc lá bàng to kẹp nách, vừa đi vừa chạy, đến đoạn nóng không chịu nổi, lại rút chiếc lá ra bỏ xuống đường, chụm 2 chân nhảy vào lá, để làm dịu bớt cái nóng. Cứ thế, mà mải miết đi kiếm cái chữ cho đến ngày vào đại học, xa quê và thành đạt.
Thiển nghĩ, sức chịu đựng và sự dung nạp của con người có lẽ bắt đầu từ đôi bàn chân. Dù thế nào cũng phải đi, mới thấy được nhiều thứ trên đời!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.