Nem chợ huyện

25/01/2015 04:00 GMT+7

Vốn nhiều xê dịch, từng cơm hàng cháo chợ từ bắc vô nam nửa đời dư, sao chiều nay bỗng nhớ và thèm mấy cái 'nem chua chợ huyện'.

Vốn nhiều xê dịch, từng cơm hàng cháo chợ từ bắc vô nam nửa đời dư, sao chiều nay bỗng nhớ và thèm mấy cái “nem chua chợ huyện”.
Lần ấy đi Quy Nhơn, bạn tôi tỏ vẻ ân hận vì không có đặc sản đãi anh em. Hỏi ra mới hay hai thứ đặc sản ấy chính là “nem chợ huyện” và rượu Bàu Đá. Đó là thứ nem chua, như bao thứ nem chua làm từ thịt nạc giã nhuyễn trộn thính, cuốn lại bằng lá chuối, để vài ngày đem bán nhưng cứ đinh ninh không đâu có thứ nem ngon và ám ảnh như nem chợ huyện xứ này.
Ai đó sẽ hỏi: Chợ huyện nào? Đất nước mình có mấy trăm cái chợ huyện? Vâng! Đúng thế. Nhân đây cũng xin đề xuất, nếu thương hiệu nem chợ huyện Tuy Phước mà đi đăng ký bản quyền xuất xứ thì hãy ghi ba chữ “NEM CHỢ HUYỆN” bằng chữ viết hoa để phân biệt chợ huyện Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định với những chợ huyện khác…
Bạn tôi, một nhà thơ ở Bình Định lâu ngày sống phố thị nhưng cái hương quê nơi chợ huyện nghèo vẫn day dứt tâm can. Lần ấy bạn bảo nợ bọn tôi bữa nem chợ huyện. Và lần khác, khi đến Quy Nhơn, chúng tôi được bạn cho thưởng thức món còn... nợ từ mấy năm trước. Quả là công phu. Chao ôi, những cái nem chua quấn trong lá chuối kiểu nem chua xứ Thanh hoặc nem Thủ Đức (Sài Gòn) thôi nhưng ăn vào ngon ngọt và thơm giòn hơn hẳn. Ám ảnh lắm, cái món dân dã được làm từ chợ quê ấy. Rượu Bàu Đá, An Nhơn thơm nồng mà nói như Văn Cao, rất “dày”, được nhắm với nem chợ huyện bữa đó làm chuếnh choáng gần hết đám chúng tôi. Trở ra bắc, có nem chua Thanh Hóa, cũng rất ngon nhưng bây giờ người ta đua nhau sản xuất nhiều quá, nhanh quá và ẩu nữa nên chất lượng phần nhiều không được như xưa.
Biết tôi thích món “nem chợ huyện”, nên lâu lâu ra Hà Nội bạn tôi lại mang bó nem chua làm quà. Thực cảm động, không phải vì bạn cho quà, mà bởi cái tình, quý mến nhau nên mới công phu vậy. Chuyện món ăn đơn sơ thôi nhưng nó là một phần di sản ẩm thực mỗi vùng quê đấy. Cuộc sống luôn đổi thay, nhiều món ăn truyền thống, nhiều thứ quà quê đang dần phai nhạt nhưng có những thứ quý báu, có thương hiệu như “nem chợ huyện” thì cần được giữ lại cho muôn sau. Nói thế thôi, chả biết rồi đến một ngày những “nghệ nhân” của món ăn đó ra đi, hậu duệ họ liệu có ai kế thừa? Tôi là người lạc quan và luôn nghĩ rằng sản vật cũng như món ăn, và rộng ra là di sản văn hóa cái gì ngon, quý thì người ta giữ. Đừng quá lo xa. “Cái gì hợp lý thì tồn tại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.