Nghệ sĩ sau ánh hào quang - Lan Hương: Bướng bỉnh theo nghề

21/05/2009 22:58 GMT+7

Sau thành công của Em bé Hà Nội khi mới mười tuổi, cuộc sống Lan Hương gặp không ít xáo trộn. “Cuộc chiến” dai dẳng giữa cấm đoán của mẹ và niềm đam mê điện ảnh của Lan Hương cứ diễn ra ngày càng gay gắt. Nghe đọc bài

Trong vòng tay bà ngoại

Nằm trong bụng mẹ mới được bảy tháng, Lan Hương đã chào đời. Ngay sau khi được sinh ra, Lan Hương phải xa mẹ, sống trong lồng kính. Khi Lan Hương được ba tháng, mẹ gửi bà ngoại và vợ chồng anh ruột nuôi, lên đường công tác. Những ngày không được sống bên mẹ cứ kéo dài đằng đẵng suốt cả tuổi ấu thơ của Lan Hương.

Lan Hương sinh ra trong một gia đình mà mẹ là nữ kỹ sư thiết kế cầu đường đầu tiên của Việt Nam, bố là đặc công nước công tác trong ngành hải quân, cả hai đều thường xuyên công tác vắng nhà, vì thế, bà ngoại trở thành người mẹ thứ hai hết mực chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương chị.  Không rõ vì sao từ bà ngoại đến mẹ đều rất phản đối việc con, cháu đi theo nghệ thuật. Oái oăm thay, càng phản đối bao nhiêu, con, cháu lại “bất tuân lời” bấy nhiêu. Về sau, khi lớn lên được kể lại, chị mới hay nguyên nhân từ bà cố. Bà cố (người sinh ra ngoại) xưa vốn là một đào nương nức tiếng Hà thành. Mê nghề quá, sau khi sinh con ra, bà cố bỏ con đi diễn biệt xứ. Nỗi đau buồn đó ngấm vào tận sâu trong ngoại. Mặc dầu ngoại thừa hưởng gen từ mẹ, hát hay, múa giỏi nhưng bà nhất quyết không theo nghề. Chỉ khi con cháu thích bà hát, bà mới đứng trên giường (giả đò làm sân khấu), diễn các tích tuồng cho con cháu xem. Bác ruột của Lan Hương (đạo diễn Lưu Xuân Thư, người quay phim ở Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975, và các bộ phim: Trên vĩ tuyến 17, Một chiến công, Tiền tuyến gọi, Hoa thiên lý...) ban đầu đi theo nghề diễn viên cũng phải hết sức giấu giếm, sau khi đã trở thành nhà quay phim, đạo diễn, Giám đốc Hãng phim Tài liệu (coi như chứng tỏ mình lựa chọn đúng), mới nhận được sự thông cảm của ông bà. Bác trai lấy vợ, lại là người làm trang điểm cho các diễn viên. Khi cả nhà chuyển về sống bên trong xưởng phim, theo chân bà, bác đi xem phim ngày hai buổi, Lan Hương cứ thế yêu thích nghệ thuật... một cách tự nhiên. Đã yêu thích rồi thì không làm thế nào bắt xa rời được.

Bướng bỉnh theo nghề

Một lần, sau khi đoàn làm phim đã dựng xong bối cảnh ở hồ Thiền Quang, Lan Hương lại bị lên cơn hen. Nhìn con nằm co rút, thở khó khăn, mẹ Lan Hương dứt khoát từ chối không cho đoàn đưa xe sang đón. Lan Hương bảo mẹ: “Đoàn làm phim đã tốn bao nhiêu tiền để dựng bối cảnh, con không thể không diễn được. Mẹ đưa con sang đó, chỉ cần được đứng trước ống kính là con khỏi bệnh ngay”. Nhưng có lẽ, đỉnh điểm nhất là khi Lan Hương nói: “Con học dốt lắm, không theo học được nữa, con muốn nghỉ học”. Mẹ nhất quyết “từ” chị. Lan Hương rời nhà, đến ở một mình trong khu nội trú của Nhà hát Tuổi trẻ, quyết tâm theo đuổi nghề diễn. Thời gian đầu, đang được ông bà bố mẹ hai bác cưng chiều, bỗng dưng phải ở một mình, Lan Hương cảm thấy rất khó khăn. Quan hệ với bạn diễn ngày càng xấu vì chị quen sống nội tâm, không ưa chào hỏi, vồn vã, suốt ngày im lặng, cứ chờ bạn bè hỏi thăm trước rồi mới trả lời. Vì thế, chị bị cả đoàn phê bình rằng không thân ái, hòa đồng với tập thể. Về sau, Lan Hương mới nhận ra rằng, muốn có thì phải cho đi trước. Trong nhà hát, Lan Hương nhận được nhiều ưu ái của các thầy cô. Hễ đoàn được đi nhận giải ở đâu là cô được theo cùng. Về sau, chính các thầy cô sợ “Lan Hương như một bình hoa, và chỉ dừng lại như thế”, Lan Hương mới ý thức được để thành công trong nghề, việc rèn luyện còn quan trọng hơn là tài năng: “Chính vì việc thiếu rèn luyện, ỷ lại vào bản năng diễn của mình, thế nên vai diễn đầu tiên của tôi tại nhà hát trong vở Mùa hạ cuối cùng (tác giả: Lưu Quang Vũ) mặc dù đạt một số thành công nhưng chẳng có gì đặc biệt”.

NSND Lan Hương, tên đầy đủ là Nguyễn Lan Hương, sinh năm 1963 tại Hà Nội. Bắt đầu làm nghệ thuật năm 1972, vào đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ năm 1978, năm 1981, nhận vai diễn chính đầu tiên trong vở Mùa hạ cuối cùng của cố đạo diễn Lưu Quang Vũ. Các vở diễn tiêu biểu: Mùa hạ cuối cùng, Cuộc đời tôi, Tôi đi tìm tôi, Băng nhi, Bến bờ xa lắc, Rừng trúc, Giấc mơ hạnh phúc, Vườn thiên đàng, Chuyện tình thế kỷ... 7 HCV và 1 HCB trong các hội diễn. Giải thưởng diễn viên được khán giả yêu thích nhất năm 1998. Giải thưởng lớn quốc tế về sân khấu hình thể năm 2004. Giải đạo diễn xuất sắc của Hội diễn sân khấu thể nghiệm 2008. Nhận nhiều bằng khen của Nhà nước và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Đến vở Chim sơn ca (tác giả: Jean Anouilh), được nhận vai chính - Gian-đa, và làm việc với J.Buoc Bol - đạo diễn người Pháp, song do tính tự ái cá nhân, Lan Hương xin rút khỏi. Sau khi về Pháp, J.Buoc Bol đã viết thư cho chị. Trong thư, ông nói: “Cô là một diễn viên tài năng, nhưng lẽ ra cô phải rất vui khi được nhận vai đó. Ở nước chúng tôi, một nghệ sĩ mà nhận được vai Gian-đa này, họ sẽ sung sướng phát điên. Tôi chúc cô và hy vọng cô đừng đánh mất tài năng của mình bởi những điều lẽ ra không nên có”.

Sau lá thư, Lan Hương được động viên rất nhiều và cũng nhận ra khiếm khuyết của bản thân. Chị lao vào luyện tập. Nhận được vai diễn nào cũng cố gắng suy nghĩ, tìm tòi. Ngoài những buổi tập trên sân khấu với bạn bè, sau khi vở kịch được công diễn, chị thường nán lại, đi thật gần khán giả. Nếu thấy khán giả không hoặc thiếu hồ hởi với mình, chị biết mình diễn chưa đạt. Lan Hương cố gắng tập lại những đoạn hoặc động tác mà chị cho rằng còn có thể diễn tốt hơn nữa. Từ ánh mắt đến cách đi đứng, rũ vai, đưa tay... phải làm sao thật biểu cảm. Nhờ vậy, đến vở Tôi đi tìm tôi (tác giả: Sĩ Hanh), chị đã diễn rất thành công.

Giờ đây, nghĩ đến những gửi gắm, mong ước trước đây của bà ngoại, của mẹ, mặc dù đã đạt được danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ nhân dân, thế nhưng Lan Hương vẫn ngày một buổi đến trường để học. Thời gian này, vừa lo diễn tập cùng anh em trong đoàn (có hôm tập từ sáng đến nửa đêm), vừa chuẩn bị cho việc bảo vệ luận án tốt nghiệp thạc sĩ Nghệ thuật học vào tháng 10 tới, cùng với nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, làm bà..., NSND Lan Hương còn lo lắng cho bức tranh còn dang dở ở nhà mà không biết khi nào chị mới có thời gian để hoàn thành được.

Trang Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.