Ngô Thanh Vân: Đến cái áo ngực trong 'Cô Ba Sài Gòn' cũng phải chỉn chu

09/11/2017 11:41 GMT+7

Chia sẻ của Ngô Thanh Vân trong buổi ra mắt bộ phim Cô Ba Sài Gòn không hề quá chút nào bởi sự chỉn chu của ê-kíp được thể hiện rõ qua từng chi tiết nhỏ của buổi ra mắt và trong từng ngóc ngách của phim.

Tối 8.11, bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã chính thức ra mắt khán giả tại TP.HCM. Sự chỉn chu là ấn tượng đầu tiên dành cho những ai quan tâm và có theo dõi dự án này. Ngay từ cách "loan tin" với lối hành văn của thập niên 60, tấm poster "diễm lệ" đậm chất Sài Gòn xưa, đến tờ báo Văn Nghệ kiểu cũ và thiệp mời là hộp kim chỉ kèm bức thư của bà chủ tiệm may Thanh Nữ.... có thể thấy là cả một sự kỳ công của Ngô Thanh Vân và ê-kíp. Nhưng quan trọng hơn hết, Cô Ba Sài Gòn đã mang đến một bộ phim thật sự chỉn chu. Chưa bàn đến chuyện hay dở, sự tròn trịa này đã là một điều đáng khích lệ.
Bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 được chăm chút tỉ mỉ trong phim, từ nhà may Thanh Nữ cho đến cách trang điểm, cách làm tóc, kẻ mắt đặc trưng của phụ nữ thời đó, thậm chí cách nói năng, cách "bồi" thêm tiếng Pháp. Như Ngô Thanh Vân đã chia sẻ, mỗi nhân vật đều có stylist riêng để tính toán từng trang phục, phụ kiện khi họ xuất hiện. Kể cả chiếc áo ngực, ê-kíp cũng phải tìm đúng chiếc áo ngực thời xưa.
Dàn diễn viên trong buổi ra mắt phim tối 8.11
Tuy nhiên, bối cảnh Sài Gòn xưa chỉ chiếm 1/3 thời lượng phim. Đó là điều gây bất ngờ lớn cho khán giả bởi thông tin, hình ảnh được tiết lộ trước đó hoàn toàn hướng họ đến một bộ phim về thời xưa, về áo dài. Ngô Thanh Vân thừa nhận việc "đánh lừa" khán giả bằng cách đưa yếu tố xuyên không vào trong phim hoàn toàn nằm trong tính toán của chị. Tuy nhiên, so với Ngày nảy ngày nay (một bộ phim xuyên không của Ngô Thanh Vân) thì kịch bản của Cô Ba Sài Gòn "chắc tay" hơn nhiều.
Bắt đầu từ câu chuyện của Như Ý - cô tiểu thư đài các của nhà may Thanh Nữ (Lan Ngọc thủ vai), khi sự "nổi loạn" đặt cạnh nét văn hóa truyền thống thì mâu thuẫn giữa hai mẹ con dâng cao đã tạo nên nút thắt cho bộ phim. Bất ngờ bị cuốn vào thời điểm 48 năm sau, "cô Ba" Như Ý phải đối mặt với tương lai của chính mình, rệu rã và bệ rạc. Cô không chỉ phải đi tìm lối thoát cho bản thân mà còn phải chuộc lỗi cho những sai phạm của mình, bù đắp cho sự thất bại ngày trước. Câu thoại "mày chửi tao thì chẳng khác gì chửi mày" mà cô An Khánh (Như Ý của hiện tại - NSND Hồng Vân thủ vai) mắng Như Ý của 48 năm trước nghe có vẻ buồn cười nhưng cũng đáng để suy ngẫm.
Phim không chỉ là câu chuyện về Sài Gòn xưa và áo dài...
... mà còn là hành trình đi tìm chính mình của Như Ý (Lan Ngọc)
Nói như biên kịch của phim, áo dài chỉ là cái cớ để nhân vật tìm lại bản ngã. Để làm điều này, biên kịch và đạo diễn đã phải loại bỏ yếu tố romance (lãng mạn) của phim - nghĩa là chuyện tình cảm, yêu đương để tập trung vào hành trình trưởng thành của nhân vật theo kiểu một bộ phim coming-of-age. Tuy nhiên, điều này khiến cho Cô Ba Sài Gòn có phần quá an toàn, kể cả sự xuất hiện của nhân vật Helen (Diễm My 9X) cũng không phải lực cản quá lớn cho nhân vật chính bởi theo chia sẻ của đạo diễn và biên kịch thì phim không có nhân vật phản diện, có chăng là nhân vật phải đối mặt với tính xấu của chính mình. Điều đó góp phần khiến cái kết của phim thiếu kịch tính. 
Dẫu vậy, ít ra thì diễn xuất đồng đều của dàn diễn phim trong phim cũng khiến khán giả không lấy làm khó chịu vì những điều trên. Lan Ngọc và Diễm My đã có những vai diễn - gọi là đột phá thì hơi quá - nhưng cũng đáng được khen ngợi trong phim này. Đặc biệt là Diễm My 9X sau nhiều vai diễn bị cho là một màu đã khá thành công trong nhân vật Helen với hình ảnh một nhà thiết kế thời trang đẳng cấp. Ấn tượng nhất là đoạn thoại nhanh hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới mà nữ diễn viên đã mất nhiều thời gian để học thuộc mặc dù những khán giả không rành về thời trang có thể... nghe không kịp. NSND Hồng Vân cũng đã có một vai diễn thú vị, mang đến nhiều tiếng cười thích thú cho khán giả.
NSND Hồng Vân để lại nhiều ấn tượng với vai diễn cô An Khánh (Như Ý của 48 năm sau)
Nói đến đây cũng phải dành lời khen cho lời thoại trong phim. So với những bộ phim trước "đóng dấu" Ngô Thanh Vân thì lời thoại của Cô Ba Sài Gòn khá tự nhiên, dí dỏm mặc dù lúc đầu có phần gây khó chịu cho khán giả với cách nói điệu đà và liên tục bồi tiếng Pháp của nhân vật Như Ý để thể hiện nét đặc trưng của người Sài Gòn thập niên 60. Yếu tố thời trang trong phim cũng là một điểm nhấn, gợi nhớ bộ phim ăn khách The Devil Wears Prada của đạo diễn David Frankel ra mắt năm 2006. Mặc dù vẫn chưa thật sự đã mắt nhưng ít ra các tình tiết, cách xây dựng nhân vật khiến người ta tin rằng nhân vật đó thật sự làm trong lĩnh vực thời trang.
Ngô Thanh Vân chia sẻ cô biết không bộ phim nào là hoàn toàn tròn vẹn, nhưng thông điệp chiếc áo dài và việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa lâu đời của dân tộc là cái mà nữ diễn viên muốn gửi gắm qua một câu chuyện xuyên không ly kỳ và cái kết đầy nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.