Người Sài Gòn yêu sách

Chưa bao giờ giới xuất bản cả nước lại có cuộc gặp gỡ đông đảo, quy mô như ở Hội sách TP.HCM 2016.

Chưa bao giờ giới xuất bản cả nước lại có cuộc gặp gỡ đông đảo, quy mô như ở Hội sách TP.HCM 2016.

Giao lưu với tác giả tại hội sách - Ảnh: Quỳnh TrânGiao lưu với tác giả tại hội sách - Ảnh: Quỳnh Trân
Còn người đọc thì được dịp trò chuyện với những tác giả nổi tiếng, thậm chí xếp hàng dài để chờ... gửi xe và được ký tặng sách.
Để nhà văn đến gần độc giả hơn
Suốt mấy ngày qua, cả công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM) nườm nượp người đổ tới Hội sách TP.HCM lần 9 (21 - 27.3) bất chấp trời nắng như đổ lửa, bãi giữ xe đông nghịt người chen chúc chờ hàng nửa tiếng mới đến lượt gửi.

 
Giải thưởng Fahasa - Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn lần 3 - 2016, đã được trao vào tối 25.3 tại Hội sách TP.HCM. Cuốn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Nguyễn Nhật Ánh) dẫn đầu ở 3 hạng mục: top 10 tác phẩm đoạt giải thưởng Fahasa với giải vàng, top 20 tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất, top 10 tên sách thiếu nhi được bạn đọc bình chọn nhiều nhất. Các cuốn Đắc nhân tâm (nhóm biên dịch First News), Trên đường băng (Tony Buổi Sáng) đoạt giải bạc. Thám tử lừng danh Conan (nhóm dịch NXB Kim Đồng) và Cà phê cùng Tony (Tony Buổi Sáng) đoạt giải đồng.


Sáng 26.3, trong khuôn viên Hội sách TP.HCM 2016 diễn ra cuộc giao lưu hóm hỉnh của nhà thơ Lê Minh Quốc xung quanh chuyện đời, chuyện nghề viết văn “thâm cung bí sử” của anh. Không khí luôn nóng với nhiều chất vấn về tình yêu, sức sáng tạo không mệt mỏi và các dự định trong tương lai đôi lúc cũng khiến nhà thơ toát mồ hôi hột.
Trước đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng có buổi giao lưu và ký tặng sách, có sự tham gia của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nghệ sĩ hài Việt Anh và diễn viên điện ảnh Việt Trinh. Người đọc thoải mái đặt câu hỏi khó, nếu nhà văn… bí thì người đặt câu hỏi sẽ nhận quà thưởng. Còn nghệ sĩ thì đến góp vui kể về những kỷ niệm với ông. Có lẽ nhờ những sự tương tác này mà Ngọc trong đá và Vĩnh biệt Facebook của Nguyễn Đông Thức bán rất chạy.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ - tác giả Thân phận và hào quang - cũng có cuộc giao lưu trả lời những tò mò về nội dung cùng hai nhân vật trong sách: Kim Anh và nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương. Nhã Nam tổ chức cuộc giao lưu với tác giả Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau, tập hợp nhiều bài viết của TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu xoay quanh vấn đề bảo tồn đô thị, bản sắc văn hóa và đời sống tinh thần… Giải đáp thắc mắc tâm sinh lý tuổi mới lớn Yêu đương gì giờ này xoay quanh chủ đề ế, sợ yêu và tình cảm thời hiện đại có sâu sắc và sến như ngày xưa không, với sự tham gia dẫn dắt chương trình của đạo diễn nổi tiếng khó tính Lê Hoàng. Hai nữ tác giả trẻ Nguyễn Thiên Ngân và Khải Đơn cũng đến gặp gỡ và ký tặng cho các tác phẩm Đừng tháo xuống nụ cười Sài Gòn, thị thành hoang dại. Cũng dịp này, nhà văn trẻ Nguyễn Thiên Ngân giới thiệu đến bạn đọc tập truyện Đường còn dài, còn dài vừa được tái bản với diện mạo mới. Nhà báo Phạm Công Luận, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả Hamlet Trương, Võ Diệu Thanh, Phương Huyền... cũng tạo được sức hút đặc biệt với độc giả trong sự kiện năm nay.
Thói quen dễ thương
Trung Kiên, một học sinh cấp 3 ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), vừa quệt mồ hôi nhễ nhại vừa khoe đây là ngày thứ 3 Kiên tới hội sách, và sẽ đi tiếp cho tới khi bế mạc. “Nhiều hoạt động vui lắm như mua sách được tặng vẽ Henna (vẽ hình nghệ thuật lên da) miễn phí, được tô tượng thư giãn, được chụp hình chung với các cosplay fantasy (đóng giả nhân vật phiêu lưu giả tưởng) và các nhân tượng (người đứng mẫu như tượng). Nhà xuất bản nào cũng có những chương trình rất khác lạ nên tụi em cố gắng đi, không thì tiếc lắm”, Kiên nói.
Đồng quan điểm với Kiên, Hoa Mai - sinh viên năm 4 ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho biết ngoài việc tìm kiếm một số đầu sách giá rẻ, Mai còn tranh thủ đi nghe ca sĩ Hà Vân hát văn của Phương Huyền - tác giả cuốn Không có gì là mãi mãi, trong buổi ra mắt cuốn sách này vào sáng 25.3, cũng như ủng hộ sách cũ cho Quỹ cầu vồng để chuyển cho trẻ em vùng sâu vùng xa. “Em thấy lời kêu gọi Một cái ôm - một cuốn sách của quỹ này cùng chú khỉ đại diện đứng chờ ôm tại gian Cá Chép thực sự rất dễ thương, nên đã tới ủng hộ. Em và các bạn muốn tham gia nhiều hoạt động sách thú vị và có ý nghĩa như vậy, chứ không chỉ đến đây mua sách giá rẻ”, Mai nói thêm.
Chị Hương Xuân - bà mẹ của hai nhóc tì 4 và 6 tuổi - cho biết đi hội sách luôn là thói quen của vợ chồng chị từ khi còn yêu nhau, lấy nhau và tới nay khi đã có đủ hai mặt con. Ngoài việc tha hồ lựa sách hay, sách mới cho con với giá quá mềm, vợ chồng chị cũng mong muốn cho các con được cảm nhận bầu không khí yêu thích sách vở và chụp hình lưu niệm với các nhân vật hoạt hình quen thuộc tại các gian bán sách thiếu nhi như Kim Đồng... “Gia đình tôi rất vui. Nhìn các con ríu rít lựa sách, ngồi tô tượng, tô tranh, ghép hình trong hội sách, thấy thanh bình lắm”, chị Xuân nói.
Đừng biến hội sách thành hội chợ
Nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, cho rằng: “Hội sách ngày càng sôi động, phong phú khiến nghề văn có giá, kích thích sức sáng tạo của nhiều cây viết và hình thành một lớp nhà văn trẻ, năng động kế thừa. Tuy nhiên, phải có sự điều tiết phù hợp để hội sách không biến tướng thành... hội chợ”. Bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM, kiến nghị: “Những hội sách lần tới cần nâng tầm đẳng cấp hơn, tránh tình trạng mạnh ai nấy... tiếp thị, tra tấn bằng loa gây khó chịu cho những độc giả lớn tuổi đến xem sách, sưu tầm sách. Một thú chơi tao nhã văn chương rất cần một không gian văn hóa vừa phải”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.