Yêu tranh dân gian khi còn bé
Đặng Hồng Quân đặt phiến gỗ dày 8 cm có những vệt sần tự nhiên lên bàn rồi bắt đầu vẽ. Mỗi tấm gỗ như thế sẽ có 1 - 2 hình minh họa. Những vệt sần dài này sau đó sẽ tạo hiệu ứng trên giấy như các vệt giấy dó khi scan lại. “Tôi dùng nét vẽ mực tàu, tô màu bằng màu nước Leningrad. Sau đó, bản vẽ cuối cũng sẽ có hiệu ứng của các chất liệu đan xen nhưng vẫn gần với tranh dân gian. Hiệu ứng của gỗ sau khi quét cũng rất đã mắt”, chàng họa sĩ 30 tuổi chia sẻ về cách vẽ minh họa cho cuốn Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam do Công ty sách Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn VN ấn hành. Trong đó Quân đã vẽ 82 hình minh họa cho 82 câu tục ngữ, thành ngữ.
Dự án vẽ minh họa thành ngữ và tục ngữ VN của Quân tuy chỉ mất 1 năm, nhưng dường như đã được khơi nguồn từ rất lâu, khi Quân còn là một cậu bé. Khi đó, hằng ngày cậu ngồi ngắm những bức tranh dân gian do cha mình, họa sĩ Đặng Bá Cường của Bảo tàng Mỹ thuật VN, phục dựng. “Tôi đã xem rất nhiều tranh dân gian đến mức đủ ngấm vào người. Và khi hợp tác với Nhã Nam để vẽ minh họa cho các thành ngữ, tục ngữ dựa trên phần giải thích nghĩa rất hay của tác giả Trần Quang Đức và Linh Giang, việc chọn phong cách dân gian là điều không còn phải suy nghĩ nữa”, Quân nói.
Không chỉ riêng nét vẽ, màu sắc, Quân còn mang cả tinh thần lạc quan của những sáng tác dân gian vào trong hình vẽ thành ngữ, tục ngữ của mình. Chẳng hạn, Quân vẽ một người đàn ông gập cong lưng, cố sức dùng gậy đánh vào phần lưng và mông của mình mà mồ hôi vã ra. Đấy là hình vẽ Gậy ông đập lưng ông, một kẻ định hãm hại người khác nhưng cuối cùng lại làm hại chính mình. Một hình vẽ khác, Quân vẽ người đàn bà đứng cạnh chậu cá, trên má trên mặt có rất nhiều cái miệng đang mở ngoác ra. Đó là hình vẽ Mồm năm miệng mười, chỉ kẻ nói nhiều và nhanh hết phần người khác. Trong hình vẽ Vuốt râu hùm, một cậu bé đang sờ râu một vị quan lớn mặt mũi cáu kỉnh, giận dữ, thể hiện việc cả gan “đụng” đến người có quyền thế. Hình vẽ Chết đuối vớ được cọc mô tả người đàn ông đang níu lấy một cành cây khá to, xung quanh toàn nước.
|
|
Bài học dễ thuộc cho trẻ
Tất nhiên, những hình vẽ của Quân không phải tự đến dễ dàng. Chàng trai này đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu để có được tạo hình trong cuốn sách. Anh cũng tham khảo thêm hình vẽ trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của nhà dân tộc học Pháp Henry Oger và tư liệu của nhiều họa sĩ đàn anh.
“Tôi được làm việc với các anh Tạ Huy Long, Vũ Xuân Hoàn, Trần Đại Thắng, Nguyễn Hữu Khoa, Kim Duẩn và Thành Phong về vẽ minh họa. Đó là những kho tư liệu sống về trang phục, vật dụng của người xưa từ làm bếp đến làm nông. Họ ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Những chi tiết muốn thể hiện khác nhưng vẫn đúng đời sống, tôi còn tham khảo thêm trong sách của Henry Oger. Nôm na là kết hợp nhiều nguồn tư liệu và phong cách riêng của mình”, Quân nói.
Trong tranh của Quân, vì thế có thể gặp những nếp áo xưa cũ. Cũng có thể thấy những vật dụng mà lâu rồi không thấy nữa như nồi đồng có thắt eo hay chiếc rế tre, đôi guốc mộc, những mũi hài thêu cong cong, cái khăn đầu rìu... “Đấy là một cách giữ lại tâm hồn xưa, lịch sử vật dụng xưa”, bà Thu Hòa, một nhà sưu tập tranh dân gian, chia sẻ.
|
Nhận xét về bộ tranh thành ngữ, tục ngữ, bà Hòa nói: “Bộ tranh thực sự hút mắt người đọc ở mọi trình độ nhận thức thẩm mỹ nhờ những đường nét mộc mạc, màu sắc đơn giản, gần với những màu tự nhiên. Đó là bởi văn hóa dân tộc Việt thấm đẫm trong tâm hồn người vẽ. Đâu đó là con gà, con vịt trong tranh dân gian; đâu đó là chiếc áo dài, cách vấn khăn trong truyền thống dân tộc; là lối phục sức, trang điểm trong nghệ thuật chèo... thân thương, gần gũi”.
Ông Nguyễn Khánh Dương, người xây dựng và phát triển hệ thống Comic Cola - một nền tảng truyện tranh online dành cho cộng đồng họa sĩ VN, đánh giá: “Có những nét nghĩa chưa thể thể hiện được hết, nhưng tranh minh họa vốn có mục đích gợi mở trí tưởng tượng của độc giả, chứ không thể dùng một bức mà thể hiện được toàn bộ ý nghĩa của nội dung, đặc biệt là những nội dung sâu xa như thành ngữ, tục ngữ. Vì thế, bộ tranh này rất tốt, vui mắt”.
Thầy Phạm Lê Hùng, nguyên tổ trưởng tổ giáo viên văn của Trường Hà Nội - Amsterdam, cho rằng vẽ minh họa thành ngữ, tục ngữ cho trẻ em dễ nhớ là một việc rất hay mà người Trung Quốc đã làm từ lâu. “Ở bậc phổ thông hiện nay, các em chủ yếu là học chay về thành ngữ, nghĩa là chỉ được giải thích bằng ngôn ngữ thường như từ điển thôi. Vì thế, cách vẽ này khiến học trò thấy thú vị và dễ tiếp thu hơn hẳn”, ông nói.
Bình luận (0)