Nhà chế tạo vũ khí huyền thoại: Chế bom ở tuổi 15

21/12/2015 06:23 GMT+7

Chỉ với những kiến thức tự học trong sách vở và tự mày mò, kỹ sư Trịnh Vân Yên (1912 - 2008) đã chế tạo ra nhiều loại vũ khí là nỗi ám ảnh khôn cùng của thực dân Pháp.

Chỉ với những kiến thức tự học trong sách vở và tự mày mò, kỹ sư Trịnh Vân Yên (1912 - 2008) đã chế tạo ra nhiều loại vũ khí là nỗi ám ảnh khôn cùng của thực dân Pháp. 

Ông được coi là nhà chế tạo vũ khí kỳ tài của VN.
Sáng 14.10.1930, Hội đồng đề hình tại Hải Dương đã đưa ra xét xử vụ án “hậu khởi nghĩa Yên Bái” với 182 bị cáo, trong đó có Nguyễn Tấn Tuất, người mang quả bom do Trịnh Vân Yên chế ra lên thử ở Thái Nguyên.
Cậu học trò Trịnh Vân Yên, khi đó mới học năm thứ hai Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), đã chế ra thứ bom mới cho Việt Nam Quốc dân đảng. Theo hồ sơ của tòa án, Trịnh Vân Yên “đã nhiều lần làm thuốc độc và chất nổ, lại có chế thuốc làm bom. Bom anh chế sức nổ đã mạnh”.
Kỹ sư Trịnh Vân Yên - Ảnh: tư liệu gia đìnhKỹ sư Trịnh Vân Yên - Ảnh: tư liệu gia đình
Nghiên cứu hết khoa học Âu tây
Ra tòa, theo báo chí đương thời (báo Đông Pháp, báo Tiếng Dân năm 1930) tường thuật lại, Trịnh Vân Yên còn trẻ măng, vừa ngồi vừa rung đùi, chốc chốc lại hỏi chuyện viên cảnh sát Riner đứng canh.
Trước tòa, Trịnh Vân Yên cho biết ý định chế tạo vũ khí là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp. Trịnh Vân Yên nói: “Tôi có cùng Nguyễn Văn Nghiêm nghiên cứu hết các môn về khoa học Âu Tây không phải riêng gì cách làm bom và thuốc độc. Tôi nghiên cứu khoa học để giúp về việc cách mệnh, mưu giải thoát cho đồng bào VN”.
Ở tuổi 15, cậu học trò Trịnh Vân Yên đã bắt đầu nghiên cứu về chất nổ. Trịnh Vân Yên cho rằng, Cách mạng VN về tinh thần đã có, lực lượng chẳng thiếu gì, thất bại chỉ bởi nguyên do vũ khí của ta kém hơn vũ khí của Tây. Lựu đạn vỏ bằng xi măng. Thuốc nổ ném dễ nổ nhưng không có sức công phá mạnh. Ngay từ năm thứ 2 và 3 Trường Bưởi, Trịnh Vân Yên đã nghiên cứu nhiều và áp dụng một số thí nghiệm về pha chế thuốc nổ, làm pháo, cuối cùng đã nghiên cứu thành công kỹ thuật làm thuốc nổ mạnh.
Phương pháp chế tạo ngòi nổ Fuminat thủy ngân
Trịnh Vân Yên quyết tâm bằng mọi cách học và chế tạo được bom mìn có sức công phá lớn. Để có những kiến thức cần thiết phục vụ công việc, Trịnh Vân Yên phải cất công dò tìm qua các tài liệu tiếng Pháp ở Thư viện Quốc gia. Theo hồi ký của cố Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, được sự giúp đỡ của Lê Huy Vân, bạn học cùng lớp, cùng bàn ở Trường Bưởi, Trịnh Vân Yên thông đồng với người gác cửa phòng thí nghiệm của nhà trường, lấy cắp chất hóa học để làm thử bom ciment, đem ném “thử” vào sân bốt Hàng Đậu. Ngoài ra, họ còn cùng nhau viết truyền đơn, cổ động lòng yêu nước trong  học sinh.
Trong việc chế tạo bom, theo ông Yên, quan trọng nhất là phải chế được ngòi nổ. Ông đã nghiên cứu thành công phương pháp làm thuốc nổ mạnh bằng cách sử dụng chất Fuminat thủy ngân để chế tạo ngòi nổ. Áp dụng phương pháp này để làm bom, lựu đạn thì có thể sử dụng các thiết bị trong nước dễ kiếm trong hoàn cảnh thiếu thốn và lạc hậu của nước ta đầu năm 1930.
Tự mày mò như vậy, cuối cùng việc chế bom của ông Yên cũng cơ bản hoàn thành. Trả giá cho những cuộc mày mò đầu tiên này là 3 trong số 5 gian bếp ở quê nhà của Trịnh Vân Yên, làng Vô Ngại (tỉnh Thái Bình) bị thuốc nổ thổi bay. Thân sinh Trịnh Vân Yên là lý trưởng Trịnh Bá Viêm lúc đó phải lấy lý do con dại nghịch pháo mới không bị bắt tội.
Số thuốc nổ đầu tiên đã được những chiến sĩ yêu nước Việt Nam Quốc dân đảng mang đi làm vũ khí ở nhiều địa phương khác nhau, mà trọng tâm là cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ngoài ra, một ít thuốc nổ cũng được Tô Chấn, một thủ lĩnh khác của Việt Nam Quốc dân đảng, là Đảng trưởng Kỳ bộ Nam kỳ mang vào Sài Gòn - Chợ Lớn. Trịnh Vân Yên đã viết rất rõ ràng cách làm thuốc nổ ra giấy cho Tô Chấn. Tô Quang Đẩu, em họ Tô Chấn (sau này làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ), cũng được Trịnh Vân Yên phổ biến cách chế tạo thuốc nổ.
20 năm tù khổ sai
Sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt, Lê Hữu Cảnh, Đảng trưởng Việt Nam Quốc dân đảng cải tổ, đã cùng Trịnh Vân Yên, Nguyễn Ngọc Xuân (sau là Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng) và Nguyễn Văn Nghiêm chế tạo vũ khí để mưu sát Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier sang VN, gây lại thanh thế cách mạng và gây dựng lại phong trào của Việt Nam Quốc dân đảng.
Những nghĩa sĩ đem bom do Trịnh Vân Yên chế tạo ra đi nhưng các cuộc mưu sát đều thất bại. Sự việc dần vỡ lở. Ngày 20.8.1930, Trịnh Vân Yên bị Sở Mật thám Bắc kỳ vây bắt lúc 18 giờ khi đang dạy gia sư tại nhà kỹ sư Hoàng Cung (số 2 ngõ Gạch, đường Quán Thánh). Ông bị giải về xà lim Sở Mật thám Hà Nội.
May mắn thay, do ông bố khai rút tuổi trong hồ sơ (sinh năm 1914) nên theo luật nước Pháp, việc Trịnh Vân Yên mới 16 tuổi thì chính quyền thực dân dù muốn tử hình ông cũng không được. Bởi thế trong phiên tòa tuyên án lúc 16 giờ ngày 15.11.1930, tòa đã phải chuyển án Trịnh Vân Yên 20 năm tù khổ sai.
Trịnh Vân Yên (1912 - 2008) sinh tại làng Vô Ngại, H.Thư Trì, nay thuộc xã Dũng Nghĩa, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Anh trai ông là nhà cách mạng Trịnh Tam Tỉnh (đảng viên 1930, Chủ tịch đầu tiên UBND tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Quốc hội khóa I, Huân chương Hồ Chí Minh), em trai Trịnh Bá Nùng, em gái Trịnh Thị Chính đều là lão thành cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản VN trước năm 1945.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.