'Nhà nước phải đặt hàng phim để có tiền nuôi cán bộ'

05/05/2016 21:22 GMT+7

Trong cuộc trao đổi với báo chí vào chiều hôm nay (5.5), Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc cổ phần các hãng phim nhà nước là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

“Hãng phim truyện Việt Nam nợ hơn 90 tỉ đồng, không cổ phần chỉ có nước…chết. Bao nhiêu năm nhà nước đổ tiền vào đầu tư cho hãng phim, không tính tiền thuê đất. Trong khi, hãng phim chỉ sống chủ yếu bằng tiền nhà nước đặt hàng phim. Nhà nước cũng phải “cố tình” đặt hàng hãng phim để cho có tiền nuôi cán bộ”, ông Ái nói.

Tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (gọi tắt là Hãng phim truyện Việt Nam) đã tiến hành cổ phần hóa. Hãng phim được định giá 50 tỉ đồng vốn điều lệ và bán 3,25 triệu cổ phần (tức 65%) tương đương 32,5 tỉ đồng cho Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO), nhà nước chỉ giữ 20%. Nhiều người trong và ngoài giới làm phim băn khoăn vì hãng phim “anh cả đỏ” của nhà nước sở hữu cả khu "đất vàng” ở đường Thụy Khuê có diện tích lên tới 5000 m2 nằm ven Hồ Tây, ngoài ra còn có các khu đất ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) và đường Thái Văn Lung (TP. Hồ Chí Minh) lại được “bán” vơi giá “bèo” như vậy.

Ngoài ra, VIVASO còn là công ty chưa từng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bao giờ và đang làm ăn thua lỗ.  Thêm nữa, trong thông báo, sau khi cổ phần, hãng phim còn có thêm nhiều hoạt động khác như kinh doanh nhà hàng, nhập khẩu các mặt hàng…

Nhà đầu tư phải làm phim

Ông Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, các thủ tục và quy trình tiến hành cổ phần hóa hãng phim đã được thực hiện nghiêm túc theo đúng luật pháp, cụ thể một ban chỉ đạo tiến hành cổ phần hóa hãng phim với sự tham gia của của đại diện các ban ngành đã được thành lập, một công ty tư vấn định giá tài sản dưới sự kiểm soát của Bộ Tài Chính đã được mời định giá….

Ông Ái cho hay, nhà đầu tư chiến lược (tức VIVASO) đã phải cam kết 7 điều khoản: 90% doanh thu phải từ hoạt động sản xuất phim, dịch vu làm phim; trả các khoản nợ, tiền thuê đất; xây dựng cơ sở vật chất làm phim; sử dụng đất phục vụ sản xuất phim; sử dụng toàn bộ lực lượng lao động của hãng phim có nhu cầu làm việc, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ; sử dụng toàn bộ số tiền bán cổ phiếu để cho hoạt động điện ảnh...

Điều khoản cuối cùng là 3 người của nhà nước sẽ được giữ 3 vị trí quan trọng như thành viên của hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và ban kiểm soát. “Những người này sẽ thường xuyên báo cáo hoạt động của hãng phim về Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch”, ông Ái cho biết. Ông cũng nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư chiến lược vi phạm cam kết, không làm phim nào thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điện ảnh Việt 'thay máu'

Theo kế hoạch đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, 4 hãng phim nhà nước bắt buộc phải cổ phần hóa, hạn cuối cùng là trong năm nay. Liệu đây có là cú hích cho điện ảnh nhà nước suốt nhiều thập niên chỉ quen sống dựa vào 'bầu sữa mẹ' ngân sách, một cuộc 'thay máu' cho cả nền điện ảnh VN?
Đất “vàng” được bán giá rẻ?

Giải thích vì sao một hãng phim lớn có khối tài sản đất đai lớn nhưng lại được bán với giá rẻ như vậy, ông Trần Hoàng, Vụ phó Vụ Tài chính (Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch), kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo tiễn hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lý giải: Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, việc định giá tài sản doanh nghiệp không tính giá trị đất đai... Doanh nghiệp sẽ phải thuê đất và trả phí hàng năm theo mức tính theo quy định.

Ông Hoàng cũng nói thêm về việc vì sao thông tin cổ phần hóa hãng phim chỉ được đăng trên báo 11 ngày, trước khi công bố nhà đầu tư chiến lược. “Theo quy định, khi chọn cổ đông chiếc lược không cần phải đăng trên báo. Chúng tôi đăng tải thông tin trên bảng tin của hãng phim, kêu gọi cán bộ công nhân viên và lãnh đạo hãng phim tìm nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, thông tin này cũng đăng tải minh bạch trên website của công ty tư vấn, đây cũng nơi được nhiều nhà đầu tư biết tới”, ông Hoàng nói.

Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến, nhưng cuối cùng chỉ có Tổng công ty Vận tải thủy đồng ý với các điều khoản đưa ra. Về việc vì sao đơn vị này kinh doanh lỗ, nhưng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vẫn chấp nhận để trở thành nhà đầu tư chiến lược, ông Trần Hoàng nói, công ty tư vấn đã kiểm tra năng lực tài chính, doanh nghiệp có lỗ có lãi là việc bình thường. “Họ phải bỏ tiền thật ra mua và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Hoàng khẳng định.

Nhiều ý kiến lo ngại, đơn vị đầu tư không dễ gì bỏ qua tiềm năng từ khu "đất vàng” trong việc kinh doanh. Chẳng hạn như Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đang cho một công ty thuê bán hàng với chi phí khoảng 7 - 8 tỉ đồng/năm. “Chúng tôi đã có văn bản nhắc nhở Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Trong thời gian tới nếu còn tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan quản lý thu hồi lại đất”, ông Hoàng cho hay. Cũng theo ông Hoàng, nếu nhà đầu tư của Hãng phim truyện Việt Nam cũng có hành vi tương tự, sẽ bị báo cáo để thu hồi đất.

Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay vẫn đang được tiến hành, vì thế danh sách nhân sự vẫn chưa có. Sau khi cổ phần hoàn tất, hãng phim được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tên viết tắt vẫn là Hãng phim truyện Việt Nam).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.