Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: Vàng son một thuở nhạc Hoa lời Việt

Đã có một thời, những ca khúc nhạc Hoa lời Việt trở nên phổ biến, rộ lên như một trào lưu nghe nhạc, thậm chí đã tạo nên tên tuổi cho cả một thế hệ ca sĩ ngôi sao trong nước lẫn hải ngoại.

Mùa thu lá bay qua giọng hát Kim Anh
Năm 1973, lần đầu tiên bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao là Thái Vân Phi (tựa Anh The Young Ones) của Đài Loan được chiếu tại Sài Gòn đã tạo nên một cơn sốt khi nhiều khán giả đặc biệt ưa thích bài hát trong phim do ngôi sao Đài Loan Đặng Lệ Quân thể hiện. Bài hát trong phim được nhanh chóng dịch sang tiếng Việt với tựa Mùa thu lá bay, do nhạc sĩ Nam Lộc chuyển ngữ. Tựa gốc của bài hát này là Thiên ngôn vạn ngữ (tạm dịch Ngàn lời nói, vạn câu thề) được đặt lời Việt: Một ngày sống bên em sẽ muôn đời/Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm/Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi/Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi… từ nguyên tác tiếng Hoa tạm dịch như sau: Ngàn lời nói, vạn câu thề/Tôi không biết tại vì sao/Ưu sầu vây xung quanh tôi/Hằng ngày tôi đều cầu nguyện/Tình yêu cô đơn nhanh ra khỏi… Ngoài ca khúc Mùa thu lá bay, còn nhiều ca khúc nhạc Hoa được chuyển ngữ sang lời Việt được giới trẻ thời đó ưa thích, có thể kể đến: Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Phi trường, Hải âu phi xứ, Ngọt ngào...
Những năm 1980, ca sĩ Kim Anh nổi tiếng ở hải ngoại với ca khúc Mùa thu lá bay. Cuộc đời bà đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với tai nạn, ma túy và sự cô đơn, nhưng bà đã nỗ lực vượt qua để mãi mãi giữ danh hiệu giọng ca Mùa thu lá bay trong lòng công chúng. Bà là người Việt gốc Quảng Đông, Trung Quốc, sinh tại Lai Vung, Đồng Tháp, sang Mỹ du học từ năm 1969. Năm 1989, lần đầu tiên bà về nước, sau đó từ 2007 bà thường xuyên đi lại giữa Mỹ và VN để biểu diễn.
Những năm đầu thập niên 1990, nhiều giọng hát hải ngoại làm mê đắm lòng người qua ca khúc nhạc Hoa lời Việt như Ngọc Lan với Chìa khóa tình yêu, Mộng tình; Lưu Bích - Tô Chấn Phong với Tình nồng, Chiếc lá mùa đông, Một thuở yêu người, Dĩ vãng nhạt nhòa; Jimmy Nguyễn với Tình như lá bay xa, Nhớ về em, Tình xưa nghĩa cũ, Chiếc nhẫn ngày xưa...; Anh Tú với Những lời dối gian, Hoài mong...; Lâm Thúy Vân với Dòng sông kỷ niệm… Mãi đến giữa thập niên 1990, một làn sóng ca sĩ mới tại VN như Sỹ Ben, Cảnh Hàn, Minh Thuận - Nhật Hào, Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly… chọn hát nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt và nhanh chóng được khán giả trong nước yêu thích. Trong quãng thời gian đó, những ca khúc nhạc Hoa được chuyển thể sang lời Việt có lẽ hiếm ai thuộc thế hệ 7X, 8X mà chưa biết tới, như: Tình nhạt phai, 999 đóa hồng, Mộng uyên ương hồ điệp, Nụ hôn biệt ly, Tiếng sáo phiêu bồng, Tình đầu chưa nguôi, Người đến từ Triều Châu, Xa em kỷ niệm, Người cùng cảnh ngộ, Ảo mộng tình yêu, Kiếp ve sầu, Mưa trên cuộc tình, Tâm hồn xao động…
“Ông vua” nhạc hoa lời Việt
Trong số những nhạc sĩ nổi tiếng chuyên đặt lời Việt cho những ca khúc Hoa ngữ phải kể đến những tên tuổi như Nhật Ngân, Lữ Liên, Khúc Lan, Chu Minh Ký…
Những năm 1990, nhạc sĩ Chu Minh Ký được biết đến như một người chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc nhạc Hoa. Thời điểm phim Hồng Kông thịnh hành ở VN, Chu Minh Ký chính là người đầu tiên đặt lời Việt cho các ca khúc nhạc Hoa trong phim Bao Công, Anh hùng xạ điêu… Minh Thuận, Nhật Hào, Lam Trường hay Đan Trường cũng là những cái tên gắn liền với nhạc Hoa lời Việt của Chu Minh Ký, với các ca khúc quen thuộc như Những lời dối gian, 999 đóa hồng… Riêng Lam Trường khi thực hiện album nhạc Hoa lời Việt có tên Mãi mãi, anh đã mời Chu Minh Ký viết lời Việt cho 15 ca khúc nhạc Hoa mà anh thích nhất, trong đó có Tuyết lạnh, Tuyết sơn phi hồ, Vầng trăng khuyết… Album này đã nhanh chóng trở thành album được yêu thích nhất của Lam Trường vào năm 1998. Ca sĩ Lam Trường nhận xét: “Với tôi, nhạc sĩ Chu Minh Ký chính là ông vua nhạc Hoa lời Việt tại VN. Tất cả ca sĩ hát nhạc Hoa lời Việt trước đây, không ai không từng hát lời Việt của ông và nhờ ông sáng tác lời cho những ca khúc nhạc Hoa”.
Với gia tài hơn 200 ca khúc chuyển lời Việt cho nhạc Hoa, nhạc sĩ Chu Minh Ký cho biết: “Tôi làm công việc đặt lời là chính chứ không chỉ là dịch lời. Dựa trên giai điệu có sẵn, tôi đưa cảm xúc của mình vào để viết lời Việt”. Hiện nhạc sĩ Chu Minh Ký 59 tuổi, đang sinh sống tại TP.HCM. 3 buổi mỗi tuần ông vẫn đi hát như một ca sĩ nhạc rock chuyên nghiệp tại các bar nhạc sống ở TP.HCM. Ông vui vẻ cho biết: “Viết lời Việt cho nhạc Hoa chỉ là một phần cuộc sống của tôi thôi, chứ đam mê thật sự của tôi là nhạc rock và cả nhạc Pháp, Mỹ. Tính đến nay, tôi hát rock được hơn nửa tuổi đời. Vì thế, gọi tôi là ông vua nhạc Hoa lời Việt, tôi cũng ngại lắm!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.