Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 4: Hơn 40 năm ca Tần Quỳnh khóc bạn

29/05/2015 07:37 GMT+7

NSƯT Diệu Hiền nay đã 70 tuổi, bị bệnh tim cùng nhiều bệnh khác, yếu đi nhiều lắm. Vậy mà không hiểu sao khi bà cất tiếng ca bài vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn thì giọng vẫn sang sảng, đầy dũng khí nhà tướng. Bài hát đã theo bà đi tận sang Mỹ chinh phục cả khán giả kiều bào.

NSƯT Diệu Hiền nay đã 70 tuổi, bị bệnh tim cùng nhiều bệnh khác, yếu đi nhiều lắm. Vậy mà không hiểu sao khi bà cất tiếng ca bài vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn thì giọng vẫn sang sảng, đầy dũng khí nhà tướng. Bài hát đã theo bà đi tận sang Mỹ chinh phục cả khán giả kiều bào.

NSƯT Diệu Hiền ca bài Tần Quỳnh khóc bạn - Ảnh: H.K
NSƯT Diệu Hiền ca bài Tần Quỳnh khóc bạn - Ảnh: H.K
“Tác giả phải trả tiền cho nghệ sĩ”
Thật ra bài này soạn giả Viễn Châu viết cho nghệ sĩ Thanh Hải ca. Đó là nghệ sĩ được mệnh danh “vua Tao Đàn”, nghĩa là ông ngâm thơ điệu Tao Đàn rất hay. Thanh Hải một thời lừng lẫy, từng đoạt giải Thanh Tâm năm 1967, và lãnh cát sê khủng của đoàn Kim Chung, Kim Chưởng cao hơn cả nhiều ngôi sao đương thời như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Minh Cảnh, Hùng Cường...
Nói như vậy để biết Diệu Hiền đã có một “đối trọng” cỡ nào. Bài này Thanh Hải thu đĩa phát hành rộng rãi. Nhưng một hôm, vào khoảng năm 1974, tình cờ Diệu Hiền nghe được, và bà lắng tai rất kỹ, thấy hình như Thanh Hải phát âm dấu sắc và dấu nặng chưa “đã” lắm. Bà tiếc quá. Thế là bà tự chép ra, tập ca một mình. Bà ca hoài cho tới lúc có phong trào mở quán nghệ sĩ thì bà vô đó ca luôn. Khán giả vỗ tay không tưởng tượng nổi. Đến mức soạn giả Viễn Châu nghe đồn cô đào Diệu Hiền ca bài của ông hay lắm, ông cũng tò mò đi coi. Bữa đó, ông cũng vô quán nghệ sĩ ngồi lắng tai “phúc khảo”. Diệu Hiền nói: “Tôi thấy ba Bảy ngồi ở hàng ghế nhìn lên là tôi run rồi. Ba Bảy hồi đó lừng lẫy tiếng tăm, mình ca bài của ba mà không đạt sợ ba rầy nữa à”.
Nghệ sĩ thường gọi soạn giả Viễn Châu (Bảy Bá) bằng tiếng “ba” âu yếm như thế. Nhưng khi Diệu Hiền vừa dứt bài, soạn giả Viễn Châu đã cầm một bông hồng bước lên sân khấu nói: “Từ trước tới nay nghệ sĩ mà ca thì phải trả tiền cho tác giả. Nhưng bây giờ ngược lại, tôi là tác giả phải trả tiền cho nghệ sĩ Diệu Hiền vì cô hát bài của tôi hay quá!”. Thật ra, ông có phần nói đùa cho vui không khí. Nhưng không, ông lại tặng tiền thật cho Diệu Hiền kẹp trong cái bông. Tặng đến 500 đồng. Thời ấy khán giả chỉ tặng chừng vài chục đồng thôi, mà Viễn Châu dám “xử đẹp” như thế chứng tỏ ông rất ưng ý Diệu Hiền khi hát lại bài của ông theo một cách khác, và ông coi trọng một tài năng thực sự.
Một tài năng lạ thường
Diệu Hiền đúng là một tài năng rất lạ. Bà có chất giọng sang sảng, ca rất mạnh mẽ, hào hùng, cho nên bà chuyên đóng kép võ. Nhưng dù có ca mạnh mẽ tới đâu thì bà vẫn đem tới sự ngọt ngào, rung động cho khán giả, chứ không khô khan, võ biền. Bà ca bài võ mà người ta khóc mới hay. Bài Tần Quỳnh khóc bạn là câu chuyện kết nghĩa giữa Tần Quỳnh, La Thành và Đơn Hùng Tín, sau đó La Thành xử trảm Đơn Hùng Tín, khiến Tần Quỳnh đau đớn vì nghĩa đệ huynh. Bài viết cho giọng nam, nhưng Diệu Hiền lại dám hát giọng nữ, vậy mà khán giả không hề thấy lượng sượng tí nào, lại còn mê mẩn, nghẹn ngào. Người sành vọng cổ sẽ thấy những nhấn nhá và rung ngân của bà khiến người nghe sởn cả gai ốc nhưng “đã” tận ruột gan.
Thế là từ quán nghệ sĩ, bài Tần Quỳnh khóc bạn đã theo chân Diệu Hiền bước ra sân khấu lớn, đi sô khắp cả nước. Diệu Hiền nói: “Tôi già rồi, không lẽ ca bài tình yêu coi sao được. Tôi thích bài này vì chất mạnh mẽ, bi hùng của nó hợp với giọng của tôi. Khán giả yêu cầu bài này hoài, tôi càng mừng. Tôi có xin phép soạn giả Viễn Châu cho tôi giảm bớt, bài này từ 6 câu tôi chỉ ca 4 câu thôi, vì có hai đoạn ý nghĩa hơi na ná nhau. Bởi bài chỉ có một người ca, mà dài quá thì khán giả ngán. Soạn giả Viễn Châu đồng ý tôi mới dám ca đó chứ. Ai nhìn vô nguyên tác 6 câu thì đừng ngạc nhiên”.
Và sau đó, Diệu Hiền được mời đi sô sang Mỹ hát đúng bài này. Nhưng hôm đó, bà bầu Thúy Uyển đã giật mình vì thấy Diệu Hiền bước ra với… chiếc áo dài. Bà tưởng Diệu Hiền đem theo áo giáp mặc vào để đúng với nhân vật Tần Quỳnh. Diệu Hiền nói: “Cô yên tâm, tôi mặc áo dài ca vẫn “ra” võ tướng mà”. Bà Thúy Uyển vẫn lo lắng: “Ở đây bọn trẻ không dám vậy đâu. Ca bài nào thì các em rất cần trang phục hỗ trợ để tăng hiệu quả với người xem”. Diệu Hiền cười trấn an, và kiên quyết bước ra sân khấu với chiếc áo dài. Nhưng khi bà cất tiếng, cả khán phòng hàng ngàn người im phăng phắc. Rồi vỡ òa một trận pháo tay. Lâu lắm rồi họ mới nghe lại Diệu Hiền. Và kinh ngạc vì chất giọng vang rền, vì cái bi hùng mạnh mẽ, vì sự ngọt ngào huynh đệ mà chưa chắc một giọng nam nào khác có thể diễn tả nổi. Giọng nam nhưng không có nội lực vẫn không ca ra bài này. Nhất là giọng nam của các diễn viên trẻ bây giờ, nghe vẫn thấy mỏng manh thế nào. Vì thế, biết bao lâu chưa thấy ai dám ca Tần Quỳnh khóc bạn. Thôi thì, sau nghệ sĩ Thanh Hải, Diệu Hiền cứ “độc cô cầu bại” với bài ca này chưa biết đến bao giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.