Hàng trăm chiếc áo dài qua nhiều thế kỷ tại bảo tàng đã và đang phục vụ nhu cầu thưởng lãm nét đẹp văn hóa, mỹ thuật qua tà áo dài Việt Nam cho du khách trong và ngoài nước. Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng cho biết đã mất hàng chục năm nghiên cứu và nhận ra đã đến lúc cần một bảo tàng cho áo dài Việt.
|
Ngoài những chiếc áo đi qua các thời kỳ lịch sử còn có cả những tà áo gắn với những chính khách, nhà ngoại giao như: áo dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, của các nghệ sĩ như Phùng Há, Bảy Nam, Bạch Tuyết, Kim Cương, diễn viên điện ảnh Trà Giang, ca sĩ Khánh Ly… Rồi những chiếc áo dài phục chế từ thế kỷ 17 đến 19 như áo dài tứ thân, năm thân, áo dài hở cổ…
Mỗi chiếc áo là một câu chuyện
NTK Sĩ Hoàng cho biết: “Bảo tàng có cả những hiện vật, là kỷ vật quý của các nữ cựu chiến binh, cựu tù chính trị được gửi về bảo tàng vào năm 2014. Mỗi chiếc áo gắn liền với một câu chuyện lịch sử. Áo đã đồng hành cùng các mẹ, các chị làm nên những chiến công lẫy lừng”. Được biết, trong đó có những chiếc áo của các nữ tù Côn Đảo lưu dấu những ngày họ mặc áo dài xuống đường biểu tình... Theo Sĩ Hoàng, thường những người khi mất đi, gia đình hay chôn theo hoặc thiêu cùng chiếc áo đẹp nhất. Số còn lại gia đình hay lưu giữ làm kỷ vật. Có những chiếc áo dài anh phải thuyết phục rất lâu để gia đình của những người nổi tiếng trao tặng bảo tàng vì đó là những hiện vật quý giá.
Trong số những chiếc áo, người viết khó quên chuyện về chiếc áo dài tân thời Lemur. NTK Sĩ Hoàng kể áo có được từ gia đình ông Nguyễn Phước Đại và bà Hồ Thị Liễm (H.Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là thị trấn Hậu Nghĩa, H.Đức Hòa, tỉnh Long An) kết nghĩa thông gia với gia đình ông cai tổng Võ Tấn Miềng và bà Nguyễn Thị Xuyến (Long An), con dâu họ là Nguyễn Thị Túc và chú rể là Võ Tấn Canh.
Trong sính lễ của nhà trai có chiếc áo dài này và được may năm 1942. Bà Nguyễn Thị Túc sau đó mất năm 1951, chiếc áo được chồng bà giữ gìn hơn 10 năm. Kể cả lúc chiến tranh phải lưu lạc khắp nơi ông vẫn ôm trong mình để nhớ về người vợ quá cố. Sau đó ông trao chiếc áo lại cho người con gái lớn là bà Võ Thị Ngọc. Chính nghệ sĩ Xuân Hương đã đề nghị bà Võ Thị Ngọc tặng chiếc áo quý giá này cho Bảo tàng Áo dài.
Khi được hỏi về chiếc áo mà NSND Bảy Nam mặc thể hiện vai bà mẹ trong vở kịch Lá sầu riêng, NTK Sĩ Hoàng nói đó là áo do NSND Kim Cương - con gái của NSND Bảy Nam trao tặng. Chiếc áo dài cùng khăn quàng dù đã bạc màu, đôi chỗ bị mục thủng (do đây là phục trang được mặc để diễn trong vai bà mẹ ở hàng ngàn suất diễn) nhưng mọi người nhìn thấy đều nhớ đến bà. Sau khi NSND Bảy Nam mất, chiếc áo này được gia đình cất kỹ như một kỷ vật quý giá và được tặng lại cho bảo tàng vào năm 2013.
|
Riêng về chiếc áo của NSND Phùng Há thì theo NTK Sĩ Hoàng, áo do NSƯT Nam Hùng và Tô Kim Hồng giữ gìn như một kỷ vật quý đã tặng cho bảo tàng vào năm 2014. Đây còn là chiếc áo dài mà nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm kính tặng NSND Phùng Há mặc nhân dịp sinh nhật mừng 80 tuổi của bà (năm 1990).
Vì sao nghệ sĩ Nam Hùng được giữ áo dài của bà Phùng Há cũng được tiết lộ. Nghệ sĩ Nam Hùng là người Bắc có cha vốn là người gánh cà phê vô bán trong đoàn cải lương Năm Châu (nổi đình đám ngày xưa). Khi đoàn này lưu diễn tại Hà Nội anh em nghệ sĩ hay “nợ” tiền nước nên ông luôn lẽo đẽo đi theo đoàn như cách vừa bán vừa “đòi nợ”. Sự kiên trì của ông được bù đắp khi ông trở thành công nhân trong đoàn. Đoàn về nam thì chiến tranh xảy ra, ông cụ lạc mất người vợ và đám con ở quê, chỉ còn giữ được đứa con trai tên Nguyễn Xúy (Nam Hùng). Lúc đó Nam Hùng mới 4-5 tuổi. Rồi mấy năm sau ông cụ mất, Nam Hùng về sống với nghệ sĩ Phùng Há, bà xem như con nuôi, cho đi học chu đáo. Ông sau đó nghiễm nhiên trở thành một kép hát nổi tiếng của nhiều đoàn như: Minh Chí, Kim Chưởng, Út Bạch Lan, Dạ Lý Hương, Thanh Minh-Thanh Nga, Sài Gòn 1, đoàn 284… và giữ nhiều kỷ vật của mẹ nuôi.
Bình luận (0)