Nữ chủ nhà in ở Sài Gòn không biết chữ

Năm 1940, tờ báo lâu đời ở Hà Nội, Trung Bắc Tân Văn đăng bài phóng sự ngắn Mấy bà quản lý trong Nam của Văn Lang, có đoạn nhắc tới một người phụ nữ trong ngành in ấn xuất bản trong Nam thời đó, bà Thạnh Thị Mậu, chủ nhà in mang tên bà ở đường Reims (nay là Lê Công Kiều, Q.1). Điều đặc biệt là bà này lại không biết chữ.


Ảnh: Tư liệu
       
Bà là vợ của ông Nguyễn Kim Đính, chủ báo Đông Pháp Thời Báo. Phóng sự viết:
“Trách nhiệm người quản lý nhà báo rắc rối khó khăn biết bao; mà làng báo trong Nam phần nhiều lại là đàn bà trong vai tuồng ấy, làm công việc ấy giỏi hơn đàn ông, mới là đáng phục. Sự nghe biết của tôi nếu không sai lầm, thì báo giới quốc văn Nam kỳ có nữ quản lý đầu hết là bà Thạnh Thị Mậu tức bà hội đồng Nguyễn Kim Đính.
Từ 1923 đến 1926, ông Nguyễn Kim Đính xuất bản tờ Đông Pháp Thời Báo, chỉ đứng chủ về danh nghĩa và cầm đại cương thế thôi, còn việc chi xuất tiền bạc, trông nom thầy thợ nhà báo, nhà in, đều bởi một tay bà nữ quản lý Thạnh Thị Mậu.
Các ngài sẽ đi nhanh quá thời đại và xa hẳn sự thật, nếu các ngài vội tưởng tượng rằng bà nữ quản lý ngồi chễm chệ làm việc trên chiếc bàn kiểu thượng thư và trước mặt có điện thoại, bên cạnh có máy đánh chữ. Không, bà nữ quản lý Đông Pháp Thời Báo lúc bấy giờ đã có tuổi và thuộc về phái đàn bà xưa, cho nên chỗ làm việc và cách làm việc của bà cũng thế. Bà quản lý ta ngồi trên bộ ván, trước mặt có một ô trầu, một bình vôi, một chiếc hòm bỏ tiền làm bằng gỗ và đóng khóa đồng, như hòm tiền kiểu xưa. Một phái viên đi cổ động ở Lục tỉnh về nạp tiền, một nhà buôn đến trả tiền quảng cáo hay một độc giả tới đóng tiền mua báo đã có viên thư ký rồi đưa trình bà quản lý ta ký tên và nhận tiền. Tất cả chữ nghĩa của bà đã biết, chỉ gói lại có một chữ ký tên “Mậu” mà bà tập hết mấy hôm… Tuy không biết chữ mặc lòng bà biết thưởng văn và rất chú ý đến nội dung tờ báo của bà thuở ấy chuyên trọng về nghị luận hơn là tin tức. Mỗi kỳ báo, viên thư ký phải đọc bài nghị luận cho bà nghe và bình phẩm hay dở.
Với chủ bút và trợ bút, bà lập lệ cứ mỗi một trăm tờ báo in tăng lên thì lương được gia thêm bao nhiêu. Tức thị hôm nào báo xuống, lương cũng phải xuống. Lúc Phan Chu Trinh tiên sinh ở bên Tây về, báo Đ.P.T.B được dịp xuất bản đến 13.000, lúc ấy bà trả tiền bộ biên tập có hơi xuýt xoa”.
Câu chuyện một nhà quản lý nơi liên quan đến chữ nghĩa như nhà in lại không biết chữ như bà Thạnh Thị Mậu thì thật kỳ lạ, hiếm có trong làng xuất bản.
Người phụ nữ giỏi làm kinh tế
Mục “Chị em không nhờ chồng” (báo Phụ Nữ Tân Văn số 223, ra ngày 2.11.1933) tác giả ký tên là V.A có bài viết về nữ nhân nổi tiếng này. Lược lại như sau:
Hầu hết mọi người biết bà Mậu vì bà là chủ nhà in ở đường Reims, nhưng không mấy ai biết bà đã từng tung hoành và từng trải trên thương trường.
Cách buôn bán của bà ban đầu là theo kiểu truyền thống: buôn thuyền, bán chợ đi Đông về Tây. Nó rất khó nhọc, cực công, không phải được chễm chệ ngồi thu tiền tại một cửa hàng mà phải dậy sớm, thức khuya, dầm mưa dãi nắng, phải nắm thời giá. Bà mua sản vật trong xứ, đem từ làng này sang làng khác mà bán, lời nhiều nhất là bán cau.
Lúc Nam Kỳ nổi lên phong trào tẩy chay việc buôn bán độc quyền của người Hoa năm 1918, có một tổ chức lập ra, tạm gọi là “Hội Khuyến thương” do ông Nguyễn Phú Khai đứng đầu, để khuyến khích đồng bào Việt tích cực làm ăn buôn bán trong các ngành nghề, từ nghề bán mì, bán cháo, bán gạo, củi, thịt heo. Ai muốn bán đậu phộng rang, hội phát cho 8 đồng làm vốn, bán tàu hũ được 8 đồng, bán mì được 20 đồng... Riêng về ngành mua bán thịt heo trước kia người gốc Hoa nắm hết, hội này đã xuất ra vài chục ngàn đồng cho người Việt muốn tham gia bán và còn cử người tham gia nữa.
Bà Thạnh Thị Mậu muốn giúp công cuộc này thành công nên tự xuất vốn riêng cùng người nhà đảm nhiệm việc buôn bán ở chợ Bà Chiểu, bán gạo, nước mắm và thịt heo. Báo Phụ Nữ Tân Văn lúc đó đã ca ngợi bà như là một phụ nữ vợ viên chức làm cho người Pháp đầu tiên đi bán thịt heo, không chỉ vì ham làm ăn mà còn vì tham gia phong trào mang ý nghĩa khuyến khích người Việt tham gia thương trường lâu nay họ bỏ bê.
Về sau, khi ông Kim Đính làm tờ Đông Pháp Thời Báo và mở nhà in, bà ra giúp chồng để trông nom việc phát hành báo và thợ thầy nhà in. Bà vốn là người cần kiệm tảo tần, tuy làm bà chủ và là bà hội đồng, bà sống tiết kiệm, không khoe khoang danh vọng với ai. Tính cách ấy khiến bà trông nom nhà in và tờ báo thuận lợi được một thời gian. Sau vài năm, công việc ngày càng khó khăn. Ông vỡ nợ. Bà lấy danh nghĩa riêng mà đứng tên nhà in, gánh lấy nợ nần. Rồi ông Đính về lập một nhà in khác ở Gia Định, rồi lại nợ nần, bà lại gánh tiếp nợ nần và công việc của chồng.
Việc nhà in bề bộn, bà Mậu lại không biết chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên MAU để ký giấy tờ, vậy mà trông nom được nhà in vững vàng, làm ăn phát triển. Đến thời kỳ khủng hoảng kinh tế khó khăn mà nhà in của bà vẫn vững vàng.
Chưa tìm ra tài liệu nào cho biết sự nghiệp làm ăn của bà Thạnh Thị Mậu kết thúc khi nào và bà mất năm nào. Bây giờ thi thoảng đi ngang con đường ngắn Lê Công Kiều, hình dung lại chuyện xưa Sài Gòn, không khỏi tiếc chuyện một phụ nữ giỏi giang còn thiếu nhiều thông tin cho hậu thế quá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.