'Ông trùm' Phan Quân tiết lộ chuyện hậu trường 'Người phán xử'

11/06/2017 11:50 GMT+7

Đến TP.HCM để tham dự sự kiện Telefilm 2017 - Triển lãm phim và công nghệ truyền hình, NSND Hoàng Dũng đã có buổi trò chuyện với Thanh Niên và tiết lộ nhiều điều thú vị về công việc cũng như bộ phim Người phán xử.

* Trong phim, nhân vật của anh làm khán giả rất bất ngờ bởi khác hoàn toàn với các dạng vai hiền lành mà anh từng đóng trước kia. Vậy khi hóa thân thành nhân vật thế này thì anh có thuận lợi và khó khăn gì?
- NSND Hoàng Dũng: Theo quan điểm của tôi thì bất cứ nhân vật nào cũng có cái khó khăn của nó. Vai của tôi có khó khăn là vì phải thể hiện một ông trùm xã hội đen.
Tên phim là Người phán xử, nên vấn đề ở đây là phải làm cho khán giả thấy được cái điểm mạnh của một nhân vật đứng đầu thế giới ngầm, để khi phán xử tất cả các băng nhóm lẻ tẻ khác, người ta phải tin rằng các băng nhóm kia đều rất nể và phục, cũng như chịu sự phán xử của ông ấy là rất hợp lý. Đây là chuyện đôi khi không thể hiện được bằng lời nói cụ thể, mà phải qua cách diễn, thái độ, sắc sảo, mềm mỏng, khôn khéo và dứt khoát… nói chung là tất cả các yếu tố trong diễn xuất phải thực hiện tốt nhằm hỗ trợ niềm tin đó cho người xem. Quả thật khá là khó khăn.
* Để chuẩn bị cho nhân vật ông trùm giang hồ này thì anh cần thời gian bao lâu để chuẩn bị?
- Lời mời chính thức thì cách lúc khởi quay không dài lắm. Tuy nhiên, trước đó tôi cũng được chia sẻ về dạng vai như thế rồi sau đó mới được mời đến làm.
Mà bạn biết đó, vai diễn nào cũng phải xây dựng trên một kịch bản cụ thể, đọc xong rồi hiểu nhân vật như thế nào để xem có phù hợp với mình không, gây cảm hứng hay không... Và thời gian tôi nhận kịch bản rồi chuẩn bị quay là hơn một tháng. Nói chung, tôi cảm thấy mình rất may mắn, vì nội dung phim gắn kết chặt chẽ và ê kíp đã Việt hóa kịch bản từ Israel rất tốt.
* Anh có thể chia sẻ về trường đoạn khó khăn nhất của mình không?
- Cái khó không phải trong một trường đoạn cụ thể mà cái khó đó đối với tôi là mình phải tạo một hình tượng nhân vật từ cách diễn, nói xuyên suốt cả bộ phim.
Để làm điều đó, tôi chú trọng hai phần. Đầu tiên là tiếng nói Phan Quân phải có sức thuyết phục, uy quyền đồng thời phải mạch lạc, nguyên tắc. Thứ hai là chú ý ánh nhìn đôi mắt, làm sao “nói” được “ruột gan” của nhân vật này.
* Quả đúng là có nhiều khán giả nhận xét và thích giọng nói của Phan Quân vì vừa thuyết phục, mềm mại, có khi lạnh lùng nhưng cũng có lúc đi vào lòng người. Việc thay đổi và dùng giọng nói của nhân vật và hòa mình vào trong đó hẳn không khó với anh - một diễn viên sân khấu và là thầy của nhiều lứa diễn viên. Theo anh, việc khó khăn nhất đối với diễn viên khi tham gia một bộ phim thu tiếng trực tiếp như tác phẩm này là gì?
- Chúng tôi cứ hay nói đùa với nhau là diễn viên có lúc hay diễn bằng tai, tức là hay “back” lời bên ngoài vào rồi mới đọc thoại. Còn ở đây thì phải thoại thật, không chỉ thuộc mà còn hiểu lời mình nói. Khi mình hiểu lời mình nói thì nó mới là của mình và thật thuộc thì mình chủ động trong diễn xuất. Đây là hai cái điều mà diễn viên phải kỹ càng hơn.
Hồi xưa quay kiểu 1 - 2 phân đoạn xong một cảnh, nhưng bây giờ là cả phân đoạn quay một shoot thôi, nên mình phải thuộc cả đoạn. Nó giúp diễn xuất liền mạch hơn và đòi hỏi diễn viên phải tập trung hơn.
Cái khó nữa là, bạn biết đó, điều kiện trường quay thì không tốt lắm, tạp âm cũng rất là nhiều mà quay ngoại cảnh cũng khổ vô cùng, bởi vì tiếng động quần chúng và vài âm thanh ngoài ý muốn nữa.
Tôi nhớ một kỷ niệm là chúng tôi đi quay chỗ chuột nhiều quá, thậm chí át cả tiếng diễn viên. Mà chuyện chờ động vật hay con nít thì không biết chờ đến bao giờ, có khi lên hình cảnh đó vài phút nhưng lúc thực hiện tốn chúng tôi tới mấy tiếng.
* Anh có cảnh quay nào nguy hiểm không?
- Đối với Phan Quân thì không có. Chỉ là có những lúc phải đối diện môi trường khắc nghiệt như là mùa nóng ơi là nóng vẫn phải mặc quần áo dày để đúng "rắc co" phim. Nếu lúc xem phim để ý kỹ thì các bạn sẽ thấy mồ hôi ở cổ chúng tôi rất nhiều mà không thể kiểm soát hết được. Rồi khi trời lạnh đến 5oC mà vẫn mặc pyjama phong phanh quay ngoài trời mà còn trời mưa, lạnh nữa.
* Anh thích làm việc với bạn diễn nào nhất trong Người phán xử?
- Có lẽ đây là đoàn làm phim đầu tiên mà sau 40 năm làm nghề, tôi không có bực mình hay ác cảm với bất kỳ nhân vật nào trong phim. Không khí đoàn làm phim rất tốt.
Ở trong phim có rất nhiều nhân vật sát cánh bên Phan Quân như Lương “bổng”, Phan Hải, bà Thu, Phan Hương, Lê Thành, con dâu Diễm My… thì ngoài đời, đây là những gương mặt mà tôi yêu mến họ rất nhiều và họ cũng vậy. Thế nên khi thực hiện các cảnh quay về tình cảm cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, gia đình… chúng tôi không cần diễn nhiều.
Người phán xử là dấu mốc cho thấy người xem đang dần quay lại với phim truyền hình
* Nhiều người đánh giá rằng ông trùm Phan Quân và ông trùm Don Vito Corleone trong Bố già cũng có nhiều điểm tương đồng từ cách các câu nói tâm đắc đến dùng tẩu thuốc… Liệu vai diễn của anh trong phim có gì liên quan đến bộ phim nổi tiếng kia không?
- Trước khi tham gia bộ phim này tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Tôi khẳng định mình hình dung nhân vật của mình theo một kịch bản Việt Nam chứ không hề lấy hình ảnh nào.
Về Bố già, tôi xem từ ngày xưa lúc mười mấy tuổi và còn chưa tham gia nghệ thuật. Lúc đó, chỉ xem để giải trí chứ không phải học tập nghiên cứu, nên chỉ nhớ mang máng chứ không kỹ càng. Về sau tôi cũng định xem nhưng cuối cùng vẫn không xem. Bởi tôi chắc chắn người diễn viên đó diễn rất hay, tôi sợ mình bị ảnh hưởng một cách vô thức chứ không phải muốn bắt chước ai cả. Để tránh việc bị tác động và làm cho người xem một Bố già phiên bản Việt, tôi đã cố gắng làm theo cách của tôi.
* Vai ông trùm có giống gì anh ngoài đời không?
- Tôi cũng từng chia sẻ là tôi thích Phan Quân nhiều thứ, tất nhiên là về mặt tốt thôi. Ví dụ như yêu thương gia đình, cư xử tình nghĩa, nguyên tắc, mạch lạc, thông minh, sắc sảo… Tóm lại là tôi rất thích tất cả điểm mạnh của Phan Quân.
Tất nhiên là tôi không đi theo con đường tội phạm vì lý tưởng khác nhau, tôi và nhân vật này khác nhau. Điểm mạnh nhân vật mà tôi có gì đó hơi giống chính là tình yêu mến gia đình. Có lẽ, Phan Quân được yêu mến là nhờ có điểm mà tất cả chúng ta đều có nên dễ dàng được đồng cảm này.
Ngoài ra, tôi là người làm việc nguyên tắc nên thích sự quyết đoán của Phan Quân nữa. Đôi khi tôi thích ra lệnh bằng lối thoại giản đơn bằng ánh mắt hơn là âm thanh. Nói chung, tính quyết đoán, nguyên tắc, tình cảm là điểm chung giữa tôi và Phan Quân.
* Kể cả con cái mà anh còn nghiêm khắc như thế thì những người làm chung với anh cũng phải đúng thời gian và quy định phải không ạ?
- Tôi không hẳn như thế nhưng bản thân tôi lại phấn đấu như thế. Ngay cả trong lúc dạy học hay cơ quan thì tôi không hay ra lệnh mà chỉ nói ngắn gọn là “nên làm thế này” hay “thực hiện cái kia”… Tôi nghĩ là nếu họ thấy là đúng thì cứ làm thôi. Đó là cách mà mọi người đều thấy thoải mái mà.
* Anh có nghĩ rằng đây là vai diễn thành công nhất của mình không?
- Bạn đã từng theo dõi tôi diễn một số vai thì bạn có nghĩ đây là vai thành công nhất của tôi không? Tôi thì nghĩ bất kỳ nhân vật nào tôi diễn trên sân khấu hay màn ảnh phải được khán giả đón nhận thì mới là thành công. Với tôi, Phan Quân là vai diễn được quý mến, nhắc đến và bàn luận nhiều nhất.
* Có một bạn đặt câu hỏi rằng anh có nghĩ ngoài đời cần một Người phán xử như trong phim không?
- Ngoài đời cũng có rất nhiều bạn thuộc thành phần như trên phim và rất quý Phan Quân. Tôi cũng nghĩ là có lẽ vì phim ngày xưa thường khắc họa họ theo chiều hướng xấu, nhưng giờ Phan Quân trên màn ảnh lại là người có tình nghĩa trong giang hồ, nên họ rất thích. Đặc biệt nhân vật như họ được miêu tả cả mặt xấu lẫn mặt tốt một cách chân thực nên mọi người có cảm tình.
* Phim sẽ có phần 2 chăng?
- Tôi không phải nhà sản xuất nên không biết được. Tuy nhiên, giờ đây các nhà làm phim trên toàn thế giới họ cũng có rất nhiều cái kết mở, chiều theo ý người xem. Như Nhật Bản và Hàn Quốc, thường chiếu 10 mấy tập đầu rồi dựa vào tâm lý khán giả để làm tiếp.
* Kinh nghiệm làm diễn viên sân khấu nhiều năm đã giúp anh có lợi thế như thế nào để hóa thân thành nhân vật này?
- Tôi làm nghề cũng đã lâu, tôi không muốn nói kinh nghiệm mình nhiều hơn người này người khác nhưng chắc chắn tôi đã tích được khá nhiều kinh nghiệm cho nghề diễn của mình.
Nghề này luôn phải quan sát cuộc sống, thế thì mình đã trải qua nhiều giai đoạn của xã hội đấy như chiến tranh, bao cấp, xóa bỏ bao cấp, kinh tế thị trường… tức là tôi được nếm trải nhiều nên kinh nghiệm sống nhiều. Tuổi tôi cũng cao nên được tiếp xúc với nhiều mẫu, dạng nhân vật có ngoài đời sống để mình có thể tái hiện trên phim ảnh. Đó cũng là vốn sống của mình để có thể truyền tải những điều phức tạp hơn về đời sống tâm lý vai diễn.
* Nhìn lại thời gian gần 1 năm đóng bộ phim này, anh có thể chia sẻ kỷ niệm làm cho anh ấn tượng nhất đến bây giờ không?
- Tôi đóng từ mùa đông năm nay sang mùa đông năm sau và tôi có một kỷ niệm đã từng chia sẻ trên báo rồi. Đó là lúc những cảnh quay cuối cùng tôi bị chảy máu dạ dày, tôi phải nằm viện và cả đoàn phải chờ để quay cảnh kết.

Gần đây tôi thấy có rất nhiều bạn đuổi theo số lượng, cùng một lúc làm 3 - 4 phim. Tôi thấy chưa chắc điều này đã hay mà các bạn chỉ nên tập trung một việc toàn tâm toàn ý rồi mới sang việc khác thôi. Tôi chắn chắn là sẽ tốt hơn là làm cùng lúc nhiều việc. Cứ làm vậy khán giả quên bạn nhanh lắm

NSND Hoàng Dũng

Ai nấy cũng lo lắng vì sức khỏe của tôi và tiến độ bộ phim. Vì không xong các cảnh cuối thì tất cả thành viên ê kíp đều không theo lịch trình khác được. Thế mà điều quan trọng là họ không lo lắng về công việc mà lại là bệnh tình của tôi.
Cảnh quay cuối không phải khó về mặt tâm lý mà khó về chuyện huy động đông người. Bối cảnh quay phải huy động công an, xe cảnh sát, súng ống thật, quần áo thật dò mìn mà hẳn bạn sẽ không chịu được vì rất nặng để giữ an toàn cho người dò mìn. Lúc đó tôi chỉ chứng kiến thôi, mặc quần áo dò mìn vào rồi quay thì có người ra đỡ giữ vì người bên trong không chịu được. Còn xe chuyên dụng không phải đồ chơi hay cho thuê mà là xe giam giữ tội phạm thật. Điều một đội có đồ chuyên dụng như thế thì không phải lúc nào họ cũng có thể làm được.
Dù họ thông cảm mình ốm đau nhưng đến ngày chốt tôi vẫn đi quay với mọi người bởi tôi hiểu điều đó. Tôi cũng làm hết sức của mình, đến khi đạo diễn hô “tắt máy” thì tôi thật sự mệt, đến mức cầm chai nước vặn mở nắp ra cũng vất vả. Nhưng rồi ngay lúc ấy, tôi rất cảm động khi các diễn viên quần chúng và nhân viên trong đoàn, chứ chưa nói đến bạn diễn… đều cho tôi cảm giác sống trong tình cảm rất là lớn khi họ hỏi thăm tôi. Và nhân ngày hôm nay tôi cũng cảm ơn tình cảm mọi người dành cho tôi.
* Loại thuốc anh hút trong phim có phải thật không và ngoài đời anh có hút thuốc không?
- Ngoài đời tôi hút thuốc lá, trong phim thì là thuốc tẩu. Chỉ là trong phim này tôi mới hút thuốc tẩu và thật sự là nếu bạn có chú ý thì càng về sau phim tôi càng hút ít đi, vì có nhiều cảnh quay dài, tôi chỉ dám hút tẩu ở cảnh ngắn thôi. Hút tẩu rất nặng đấy.
Thậm chí có cảnh phim tôi nhồi liên tục 3 - 4 tẩu để hoàn thành phân đoạn đó, dài có khi hơn 1 tiếng nữa, mà một điếu hút bình thường là 10 - 15 phút là hết. Quay cảnh cận hay toàn cảnh đều phải có khói, mà khói phải tương đương, nên cứ nhồi đi nhồi lại. Hút xong cảm thấy thật sự rất mệt. Ngoài đời tôi chỉ hút thuốc lá nhẹ thôi. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến sức khỏe của tôi.
* Anh có nhớ thời vàng son của sân khấu kịch hay không? Anh nghĩ thời đó có thể quay lại được hay không?
- Đó là thời kỳ mà tôi không thể quên được. Lúc đó tôi sống làm việc tại TP.HCM hàng tráng trời, khi diễn ở Nhà văn hóa Công Đoàn trên đường CMT8 một ngày 3 suất, kéo dài 3 - 4 tháng. Đó là thời huy hoàng nhất sân khấu… Cuộc đời có những lúc thăng trầm và kỷ niệm đáng nhớ. Còn để gọi là có trở lại thời đó hay không thì tôi mong nhưng khó.
* Anh vào TP.HCM dịp này để dự một buổi tham luận cho liên hoan phim Telefilm vừa rồi, anh có chia sẻ một lời cuối cho khán giả, diễn viên truyền hình không?
- Dành cho khán giả vô cùng yêu mến, có lẽ những bộ phim gần đây mà chúng tôi đang làm phần nào đã đền đáp lại tình cảm của các bạn. Đã có thời gian người ta nói rằng khán giả quay lưng với phim truyền hình, nhưng những bộ phim gần đây của chúng tôi như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Tuổi thanh xuân… và các đơn vị phía Nam nữa, đã kéo các bạn quay lại.
Người phán xử là dấu mốc cho thấy người xem đang dần quay lại với phim truyền hình. Là một phần của tác phẩm, tôi xin cảm ơn quý vị và chúng tôi khẳng định người làm phim truyền hình không bao giờ muốn để mất tình cảm mà các bạn dành cho chúng tôi. Về sau, chúng tôi sẽ làm tốt hơn để giữ tình cảm mọi người.
Về các bạn diễn viên trẻ tôi chỉ có lời khuyên là các bạn phải trau dồi hơn nữa. Gần đây tôi thấy có rất nhiều bạn đuổi theo số lượng, cùng một lúc làm 3 - 4 phim. Tôi thấy chưa chắc điều này đã hay mà các bạn chỉ nên tập trung một việc toàn tâm toàn ý rồi mới sang việc khác thôi. Tôi chắn chắn là sẽ tốt hơn là làm cùng lúc nhiều việc. Cứ làm vậy khán giả quên bạn nhanh lắm.
Đừng lấy thước đo nghệ thuật bằng đầu phim mà hãy lấy thước đo bằng chất lượng sản phẩm và vai diễn. Tương lai các bạn còn dài, tôi mong chia sẻ của mình sẽ giúp phần nào con đường hoạt động nghề nghiệp của các bạn.
* Cám ơn anh đã chia sẻ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.