Tại Hội thảo khoa học Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại đã có riêng một phiên thảo luận về ấn tín và các văn bản đóng ấn đang thành một “trào lưu” trong xã hội. Trong đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh vào mảnh ấn gỗ Sắc Mệnh Chi Bảo tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long cũng như việc khai ấn đền Trần. Nếu như ấn gỗ đang gây tranh luận về việc nó có phải từ đời Trần không thì việc khai ấn đền Trần những năm gần đây lại khiến băn khoăn liệu nó có giá trị văn hóa không.
|
TS Phạm Văn Tuấn, Viện Hán Nôm, cho biết ông đã khảo sát nhiều tư liệu sử về các loại bảo tỷ thời Minh (Trung Quốc) cũng như tại VN. Ông cũng tham khảo các kiểu chữ trên hệ thống ấn Sắc Mệnh Chi Bảo thời Lê, vốn có tính thống nhất cao. Ông cũng đã tham khảo thêm nhiều ấn thời Nguyễn khác. Sau cùng, ông Tuấn cho rằng ấn gỗ Sắc Mệnh Chi Bảo tìm thấy trong Hoàng thành “rất giống với ấn thời Lê”.
Nhưng quan trọng hơn, ông nhấn mạnh về việc không thể chấp nhận việc sử dụng ấn này để đóng ấn tại Hoàng thành Thăng Long. “Ấn khi đóng xuống trong các quy định trong sách xưa thì phải có văn bản phía trước chứ không đóng vào giấy không. Khai ấn ở Hoàng thành Thăng Long là vô giá trị và không có tác động tốt với văn hóa xã hội”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, GS-TS Ngô Đức Thọ lại cho rằng nhiều người quá khó tính khi nhận định về niên đại của mảnh ấn Sắc Mệnh Chi Bảo này. Thậm chí, ông còn cho rằng những người phản đối niên đại thời Trần của ấn là những người đã “thoát ly văn bản”. Ông dẫn việc Đại Việt sử ký toàn thư có chép về chuyện vua bị rơi ấn đã cho khắc gỗ dùng tạm. “Hoàn toàn không có cái gì làm giả ở đây cả. Làm giả cái miếng đấy làm gì. Tôi hoàn toàn tin đó là con dấu gỗ”, ông nói.
|
Mặc dù vậy, ông Thọ cũng trách nhóm công bố (các nhà khảo cổ học, đứng đầu là PGS-TS Tống Trung Tín - PV) đã sơ suất khi công bố nghiên cứu này. Theo đó, tầng văn hóa nơi tìm thấy ấn chưa được mô tả kỹ nên đã khiến nhiều người hoài nghi. “Riêng tôi thì thỏa mãn thôi nhưng người khó tính thì cần công bố mô tả rõ hơn về tầng văn hóa. Phải mô tả thật kỹ. Dường như mô tả chưa kỹ, ví dụ như mô tả tầng văn hóa có miếng gỗ Sắc Mệnh Chi Bảo”, ông nói.
Xin ấn để thăng quan tiến chức
Mặc dù còn có tranh luận về niên đại mảnh ấn gỗ Sắc Mệnh Chi Bảo tại Hoàng thành Thăng Long, song ý kiến về ứng xử với nó lại khá thống nhất. “Nếu tổ chức khai ấn thì tôi phản đối”, ông Thọ nói. Theo ông, không thể để diễn ra việc phát ấn thu tiền tại di tích đó được.
PGS-TS Đinh Khắc Thuân và TS Cao Việt Anh cho rằng trong lịch sử chưa từng có sự bùng phát hiện tượng phát hành bản in ấn trên phạm vi quá rộng, với ý nghĩa tâm linh lệch lạc như hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Công Việt, người nhiều năm nghiên cứu về ấn tín, cho biết hiện có nhiều di tích đền Trần có hiện vật ấn. “Qua khảo sát thông tin tư liệu và ảnh chụp, chúng tôi thấy những hiện vật ấn đó mới được làm trong vài chục năm gần đây. Văn bản đóng ấn đó cũng mới làm gần đây. Biến tướng của nó cũng rất rộng. In trong bùa chú, bùa hộ mệnh, bùa trừ tà, treo xe...”, ông Việt nói.
Cũng theo ông, điều này làm giảm ý nghĩa tích cực của lễ hội, biến lễ hội từ một nghi lễ tượng trưng thành thực dụng nhằm cầu thăng quan tiến chức. Nó cũng thương mại hóa lễ hội, tạo thành nhóm người buôn ấn lễ hội. “Người ta in lưới đồng bộ, đóng hàng két gửi đi nơi xa. Thống kê cơ bản có di tích thu hàng trăm tỉ đồng trong mùa lễ hội”, ông Việt cho biết.
“Từ dân đến cán bộ, chỉ biết mục đích dự lễ hội là xin được mảnh lụa hay văn bản có dấu chứ không biết dấu đó từ đâu ra, hiện vật ấn đó là hiện vật gì, ấn mới hay ấn cũ, ấn giả hay ấn thật. Không hiểu nội dung văn tự trong cái ấn đó có đúng không”, ông Việt nói.
|
Ông Việt cho rằng chính quyền cần phối hợp với nhà chuyên môn xem xét các di tích đền Trần và các di tích có sử dụng ấn tín trong lễ hội. “Thứ nữa, đình chỉ sử dụng các hiện vật ấn và văn bản đóng dấu không có xuất xứ lịch sử, không có cơ sở khoa học rõ ràng. Cũng cần quy chế rõ ràng trong sử dụng ấn tín ở các di tích lễ hội có hiện vật ấn tín”, ông Việt đề xuất.
Bên lề hội thảo, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm, nói: “Trước đây các lễ khai ấn chỉ diễn ra ở quy mô nội bộ địa phương nhưng gần đây có xu hướng nâng lên thành quốc gia và thần linh hóa nó hơn. Hiểu xin ấn để thăng quan tiến chức là không nên. Thứ hai, ở Hoàng thành Thăng Long thì không nên tổ chức phát ấn vì nó liên quan đến môi trường văn hóa và an ninh xã hội. Chỗ đó hết sức nhạy cảm. Người chen lấn xô đẩy thì hoàn toàn không văn hóa một tí nào”.
Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại do Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN chủ trì diễn ra vào ngày 27.8 tại Hà Nội. Hội thảo có 45 tham luận bàn về những sự kiện văn hóa Hán Nôm, thu hút sự chú ý của xã hội và giới truyền thông. Đó là việc phát ấn tại một số lễ hội truyền thống, văn hóa xin chữ và nhiều không gian văn hóa tâm linh khác. Hội thảo cũng nói về giá trị nguồn tư liệu Hán Nôm để nghiên cứu Biển Đông và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa hay vai trò của tư liệu Hán Nôm trong hoạt động du lịch văn hóa.
|
Bình luận